Giày cao gót có thể khiến phụ nữ trông rất quyến rũ nhưng chúng cũng là một trong những “thủ phạm” chính có thể dẫn đến một số vấn đề sức khỏe. Đi giày cao gót trong một thời gian dài và liên tục làm tăng áp lực lên bàn chân, ngăn cản sự lưu thông máu và gây ra đau, tê nhức, mỏi chân. Gót giày càng cao, ảnh hưởng càng lớn. Sự chuyển đổi trọng lượng dồn từ gót chân sang mũi chân làm cho sải chân tự nhiên khi đi bộ cũng thay đổi, một thời gian sau có thể dẫn đến việc tổn thương xương và dây thần kinh (chưa kể đến những vết phồng rộp và móng chân bị biến dạng trong trường hợp đi giày cao gót kín mũi trong thời gian quá lâu).
Một tình trạng phổ biến khác là gân Achilles – chạy từ gót chân lên bắp chân – bị tổn thương vĩnh viễn. Gân này được sinh ra để co giãn, nhờ thế chân có thể duỗi thẳng hay gập lại. Nhưng việc đi giày cao gót lâu ngày khiến cho gân Achilles bị co ngắn lại, và vì thế khi chuyển sang đi giày dép bệt, gân này lại phải giãn ra, gây đau đớn.
Thường xuyên đi giày cao gót cũng làm tăng áp lực lên mặt bên trong của khớp gối, hình thành nên sự bào mòn khớp, lâu ngày dẫn đến thoái hóa khớp gối.
Để giữ thăng bằng trên đôi giày cao gót có thể phải đẩy hông về phía trước, uốn cong lưng và ưỡn ngực. Đó là một tư thế “quyến rũ” quen thuộc mà người phụ nữ nào cũng muốn sở hữu, nhưng tư thế đó làm các cơ và dây chằng phải chịu nhiều áp lực dẫn đến đau lưng và nghiêm trọng hơn là sự hình thành bệnh giãn tĩnh mạch.
Để giảm thiểu nguy cơ khi đi giày cao gót, các chuyên gia khuyên hãy chọn loại giày có đế dày hơn, vì nó sẽ giúp dàn đều trọng lực cơ thể. Sử dụng các đế trong mềm để làm giảm ảnh hưởng đến đầu gối và đảm bảo rằng giày vừa vặn để chân không bị trượt về phía trước, làm tăng sức ép lên ngón chân.
- K.S theo womenhealth.com