Có thể nói, xây dựng được một hệ thống ngân hàng ổn định và cạnh tranh, có thể làm chỗ dựa cho các doanh nghiệp là yếu tố rất quan trọng để thúc đẩy kinh tế phát triển, tạo ra môi trường kinh doanh hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, khi hệ thống ngân hàng nội không đủ mạnh thì nguy cơ “thua trên sân nhà” không phải là chuyện quá xa vời. Hiện nước ta có hơn 50 văn phòng đại diện của ngân hàng nước ngoài, hơn 50 chi nhánh ngân hàng nước ngoài và sáu ngân hàng 100% vốn nước ngoài. Trong thời gian tới, khi các ngân hàng 100% vốn nước ngoài thực sự đi vào hoạt động với đầy đủ các chức năng, sức ép cạnh tranh sẽ ngày càng lớn dần. Đó là điều cần thiết, buộc các ngân hàng nội phải thay đổi, nâng cao khả năng cạnh tranh của mình. Ngoài ra, theo các chuyên gia kinh tế, một trong những vấn đề lớn nhất mà hệ thống ngân hàng đang phải đối mặt là nợ xấu ở mức cao. Hiện tỷ lệ này của hệ thống ngân hàng ở mức 4%, rất cao so với các ngân hàng trong khu vực. Sáp nhập là một trong những giải pháp tốt để giải quyết những vấn đề nói trên.
Sau hơn ba năm triển khai đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, đến nay hệ thống đã giảm đi 14 tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Các cuộc mua bán, sáp nhập, hợp nhất các tổ chức tín dụng không chỉ diễn ra giữa tổ chức tín dụng yếu kém với tổ chức tín dụng bình thường mà còn diễn ra giữa các tổ chức tín dụng bình thường với nhau hoặc giữa tổ chức tín dụng trong nước với tổ chức tín dụng nước ngoài, trên nguyên tắc tự nguyện và đúng pháp luật. Theo Ngân hàng Nhà nước, thời gian qua, một số trường hợp mua lại, sáp nhập tổ chức tín dụng đã được chấp thuận về nguyên tắc để vừa xử lý tổ chức tín dụng yếu kém vừa nâng cao quy mô, năng lực cạnh tranh một số ngân hàng thương mại. Dự kiến trong thời gian tới nhà điều hành sẽ tiếp tục xem xét, triển khai một số trường hợp hợp nhất, sáp nhập với sự tham gia của các ngân hàng thương mại nhà nước, sao cho đến cuối năm nay hình thành được một vài ngân hàng thương mại có quy mô và trình độ tương đương với các ngân hàng trong khu vực.
Như đã nói, sáp nhập chính là một giải pháp giúp gia tăng sức mạnh của hệ thống ngân hàng. Các chuyên gia dự đoán rằng hoạt động mua bán, sáp nhập từ hệ thống ngân hàng một khi đạt được kết quả tốt sẽ lan rộng tầm ảnh hưởng sang lĩnh vực tài chính và những thị trường khác. Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp kỳ vọng sẽ ở một vị trí thuận lợi trước khi nước ta trở thành đối tác trong những thỏa thuận thương mại lớn như TPP, việc có được những ngân hàng lớn mạnh hơn, đủ khả năng cạnh tranh với những đối thủ trong khu vực là rất cần thiết.
Bên cạnh các quá trình mua bán – sáp nhập, việc nới lỏng vốn sở hữu nước ngoài trong ngân hàng cũng là một giải pháp tốt cho tương lai. Sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài có thể cung cấp công nghệ và vốn để có thể đẩy nhanh quá trình cải cách hệ thống ngân hàng. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này mong sớm được đầu tư nhiều hơn mức tối đa 30% hiện nay, bởi việc nắm giữ tỷ lệ cổ phần thấp không mang lại nhiều lợi ích cho họ, đồng thời cũng hạn chế đầu vào cho quá trình tái cấu trúc và tái cấp vốn của các ngân hàng. Tận dụng được nguồn sức mạnh từ bên ngoài này sẽ tốt hơn là bảo hộ cực đoan cho các ngân hàng trong nước, bởi rồi đây chúng ta sẽ hội nhập hoàn toàn vào thị trường chung của thế giới và một hệ thống ngân hàng – tài chính vững mạnh sẽ giúp rất nhiều trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp.
Minh Hằng (DNSGCT)