Trong hai tháng đầu năm 2015, nợ xấu có chiều hướng tăng nhẹ, tuy nhiên vẫn trong tầm kiểm soát và không nằm ngoài dự tính của Ngân hàng Nhà nước – đây là thông tin được đưa ra trong một báo cáo của cơ quan này.
Trong khi nhận định từ giới chuyên gia còn một số nghi ngờ về hiệu quả của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) thì Ngân hàng Nhà nước khẳng định đây thực sự là công cụ mua bán nợ hiệu quả, hỗ trợ tích cực cho quá trình xử lý nợ xấu, tạo được niềm tin về tính khả thi của một công cụ xử lý nợ xấu đặc thù.
Về bức tranh chung của nợ xấu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết sau ba năm thực hiện (2012-2014), tổng các khoản nợ xấu được xử lý ước đạt 311,1 ngàn tỉ đồng, tương đương 67% tổng số nợ xấu ước tính tại thời điểm tháng 9-2012.
Chất lượng tín dụng đang có chiều hướng được cải thiện và được phản ánh chính xác, minh bạch hơn với những nỗ lực của từng tổ chức tín dụng nói riêng và hệ thống ngân hàng cũng như toàn nền kinh tế nói chung, Thống đốc khái quát.
Vẫn theo ông, nhờ sự chủ động, nỗ lực và quyết tâm của ngành ngân hàng, nợ xấu đã được kiềm chế và xử lý một khối lượng đáng kể.
Trong hai tháng đầu năm 2015, mặc dù cho biết là nợ xấu có chiều hướng tăng nhẹ với tỷ lệ là 3,59%, song Thống đốc khẳng định diễn biến này mang tính quy luật khi nợ xấu thường tăng vào các tháng đầu năm và giảm vào tháng cuối năm do tích cực xử lý nợ xấu và vẫn trong tầm kiểm soát, không nằm ngoài dự tính của Ngân hàng Nhà nước.
Trong thời gian còn lại của năm, Thống đốc cho biết sẽ bảo đảm đến ngày 30-6-2015 xử lý được tối thiểu 60% tổng số nợ xấu phải xử lý theo kế hoạch năm 2015, trong đó chỉ tiêu bán nợ xấu cho VAMC phải đạt ít nhất 75% tổng số nợ xấu dự kiến bán cho VAMC cả năm 2015.
Đây là tiền đề để ngành ngân hàng phấn đấu đạt mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu về mức dưới 3% vào cuối năm 2015.
Nhấn mạnh kết quả xử lý nợ xấu đạt được đến nay tiếp tục ghi nhận sự cố gắng của hệ thống các tổ chức tín dụng, song Thống đốc Bình cũng cho rằng những cố gắng của ngành ngân hàng trong xử lý nợ xấu là chưa đủ.
Bởi nợ xấu là vấn đề của nền kinh tế đòi hỏi cần có sự tham gia, hỗ trợ tích cực của các cơ quan, bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp. Nếu không, việc xử lý nợ xấu sẽ không triệt để và không đạt kết quả như mong muốn.
Gia Minh (DNSGCT)