Lối sống hiện đại và những tiện nghi sẵn có trong nhà đã làm cho chúng ta ngày càng ít có cơ hội vận động, đi lại hơn. Thói quen ngồi liên tục nhiều giờ từ ngày này qua ngày khác đã gây ra những tác hại vô cùng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Theo PGS-TS Lê Chí Dũng, nguyên Trưởng khoa Bệnh học Cơ – Xương – Khớp, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP. Hồ Chí Minh, ít vận động là nguyên nhân chính làm cho tỷ lệ bệnh béo phì, tim mạch, tiểu đường, xương khớp… tăng nhanh trên toàn thế giới.
Bệnh nguy hiểm do ít vận động
Phần lớn chúng ta ngồi hầu như suốt cả ngày. Ngoài những lúc ngồi trên xe, ăn uống, xem ti vi, tán gẫu… thì thời gian ngồi làm việc trong văn phòng thường chiếm từ 6-8 giờ. Theo BS Lê Chí Dũng thì ngồi hơn 8 giờ mỗi ngày là quá nhiều và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch hoặc ung thư có thể tăng lên đến gần 20%, còn nguy cơ mắc bệnh tiểu đường có thể tăng hơn 90%.
Các chuyên gia sức khỏe luôn khuyến khích mọi người tăng cường vận động để tránh nguy cơ thừa cân. Vì chỉ khi cơ bắp được hoạt động thường xuyên thì mới tạo điều kiện cho quá trình chuyển hóa trong cơ thể, đốt cháy các calorie dư thừa, từ đó mới hạn chế sự tích lũy mô mỡ, tránh tình trạng thừa cân. Đến nay, thói quen ít vận động và tăng tiêu thụ các thực phẩm giàu năng lượng là nguyên nhân khiến tỷ lệ người bị béo phì ngày càng gia tăng đến mức báo động. Trên thế giới đã có gần 1,5 tỉ người bị thừa cân cảnh báo về một “đại dịch” về suy tim, đột quỵ và tiểu đường trên toàn cầu, nhất là ở các nước đang phát triển. Còn ở Việt Nam, tỷ lệ người trưởng thành bị thừa cân, béo phì chiếm khoảng 25% dân số và dự kiến còn tăng trong thời gian tới.
Trong cơ thể chúng ta, tụy là cơ quan có nhiệm vụ sản sinh insulin, giúp tế bào lấy glucose từ máu và sử dụng để tạo ra năng lượng cho tế bào hoạt động. Tuy nhiên, khi ở trạng thái không vận động, tế bào hầu như không phản ứng với insulin. Sự suy giảm phản ứng với insulin xảy ra chỉ sau một ngày ngồi liên tục hơn 8 tiếng. Nếu tụy cứ tiếp tục tiết ra nhiều insulin thì có thể gây ra bệnh tiểu đường và một số bệnh khác.
Khi ngồi lâu, các cơ đốt cháy mỡ rất ít và tốc độ lưu thông máu chậm hơn khiến các axit béo dễ làm tắc nghẽn tim. Tình trạng này kéo dài gây cao huyết áp, tăng nồng độ cholesterol trong máu. Chính vì vậy, những người càng ít vận động thì càng có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn gấp hai lần những người năng vận động.
Nguy cơ thoái hóa cột sống do ngồi nhiều cũng tăng lên đáng kể do kém vận động. Trong tư thế ngồi, trọng lượng của nửa trên cơ thể sẽ dồn về cột sống, điểm chịu áp lực lớn nhất là đốt sống thắt lưng, đốt sống cổ… Do đó, những người ngồi nhiều thường cảm thấy đau mỏi vai gáy, thắt lưng, đau đầu hoa mắt, các cơ vai gáy. Ngồi trong thời gian dài với tư thế không đúng khiến đĩa đệm chêm giữa hai phần cứng xương đốt sống suy giảm chức năng giảm sốc cho cột sống, gây đau và phát sinh các bệnh về cột sống. Càng ngồi nhiều chúng ta càng đối mặt với nguy cơ thoát vị đĩa đệm cao hơn.
Ngoài ra, một lối sống tĩnh ít vận động cùng với khẩu phần ăn không hợp lý, dư thừa năng lượng còn khiến cho số bệnh nhân tăng huyết áp, các bệnh mãn tính về đường hô hấp… ngày một tăng cao.
Cố gắng đi lại nhiều hơn mỗi ngày
“Hãy cố gắng rời chiếc ghế càng nhiều càng tốt, nhất là doanh nhân và nhân viên văn phòng”, đó là lời khuyên của BS Lê Chí Dũng để tránh những nguy cơ bệnh tật do ngồi quá nhiều mỗi ngày. Chỉ cần chúng ta đứng lên đã có thể đốt cháy lượng calorie nhiều gấp ba lần so với khi ngồi. Vì khi đứng, các cơ co thắt và tạo điều kiện cho các tiến trình quan trọng liên quan đến sự phân hủy của chất béo và đường trong cơ thể. Còn khi vận động đi lại sẽ tăng cường tuần hoàn máu, kích thích trao đổi chất, giúp bài tiết các chất độc hại ra khỏi cơ thể, sản sinh tế bào mới để thay thế các tế bào chết.
Vận động còn tăng sức đề kháng của cơ thể đối với bệnh tật, tăng cường độ chắc khỏe cho các cơ xương. Để hạn chếảnh hưởng của việc ngồi nhiều, chúng ta nên thay đổi thói quen ở văn phòng. Thay vì ngồi liên tục suốt buổi làm việc, thì cứ sau 45 phút đến 1 giờ, hãy đứng dậy thực hiện một số động tác để hỗ trợ máu lưu thông.
Chúng ta có thể chọn cách kết hợp tập thể dục trong sinh hoạt trong ngày, chẳng hạn như đi thang bộ thay vì đi thang máy, chọn gởi xe ở nơi xa nơi làm việc để đi bộ đoạn đường xa hơn, đi bộ vào giờ nghỉ ăn trưa, làm vườn và công việc nhà cuối tuần…
Nếu công việc văn phòng không cho phép vận động nhiều thì chúng ta cần sắp xếp thời gian để tập thể dục. Việc tập thể dục không thể cải thiện hoàn toàn các nguy cơ về sức khỏe do ngồi nhiều. Nhưng tập thể dục đều đặn mỗi tuần giúp giảm các rủi ro sức khỏe nói trên chỉ còn lại khoảng 30% so với những người không tập luyện. Hãy chọn môn thể thao yêu thích và tìm một người bạn đồng hành để có cảm hứng luyện tập thể dục vận sức hai tới ba lần mỗi tuần. Điều này sẽ giúp làm tiêu mỡ trong cơ thể và làm hệ chuyển hóa hoạt động mạnh hơn, giúp đốt nhiều năng lượng hơn.
Nghiên cứu của Viện Tim Copenhagen (Đan Mạch) cho thấy, hoạt động cơ thể đều đặn mỗi ngày sẽ giúp cho quá trình chuyển hóa năng lượng trong cơ thể được thực hiện tốt hơn. Nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở những người đi bộ thường xuyên thấp hơn mức trung bình của toàn dân khoảng 63%. Cùng với nhiều cuộc nghiên cứu khác, y học nhận định rằng chỉ cần luyện tập thể thao đều đặn sẽ giúp tiêu tốn khoảng 1.000 calorie mỗi tuần là có thể thu được những kết quả tích cực đối với sức khỏe.
- Trọng Đức