Thông thường trẻ em và người lớn dùng bút chì màu để vẽ, nhưng Federico Uribe lại dùng chúng để thực hiện những tác phẩm điêu khắc hết sức ngoạn mục. Người nghệ sĩ Nam Mỹ này còn có thể sáng tác bằng nhiều chất liệu “không giống ai”.
Sinh ra và lớn lên ở thủ đô Bogotá của Colombia, Federico Uribe được đào tạo từ nhiều trung tâm nghệ thuật tạo hình, ban đầu là tại Đại học Los Andes ở Bogotá (1984-1987), sau đó là hai năm tại Đại học bang New York (1988-1989) dưới sự dìu dắt của Luis Camnitzer, một tên tuổi lớn về đồ họa tại Mỹ, và cuối cùng là tại Học viện Mỹ thuật La Habana ở đảo quốc Cuba. Có lẽ vốn liếng tri thức lĩnh hội được từ nhiều nguồn khác nhau là một cơ sở để người nghệ sĩ có được những sáng tạo đa dạng và khác biệt. Federico Uribe hiện sống và sáng tác tại Miami, một trung tâm nghệ thuật đương đại của Mỹ và toàn thế giới.
Vào thời kỳ đầu đến với nghệ thuật tạo hình, Uribe vẽ những tranh sơn dầu từ cảm hứng tôn giáo, sau đó ông giã biệt giá vẽ và chuyển sang tạo hình trên không gian ba chiều bằng đủ loại chất liệu, đồ vật mà ông có thể nghĩ ra được: vỏ hộp giấy, đồ dùng văn phòng đã qua sử dụng, vải vụn, giày dép cũ, nút áo, nĩa ăn bằng nhựa, sách, dây thừng, dây cáp điện… và bút chì màu. Thứ vật liệu nào trong tay ông cũng có thể được ghép, được chắp nối, được kết lại thành tác phẩm độc đáo nên chúng được trưng bày ở nhiều cuộc triển lãm cá nhân và nhóm tại Mỹ và các nước; đến với các hội chợ và liên hoan nghệ thuật lớn khắp nơi và có mặt trong nhiều bộ sưu tập quan trọng.
Thế giới nghệ thuật đầy màu sắc và biến ảo của Federico Uribe được ông tạo tác từ chính những gì con người tiêu thụ hằng ngày. “Làm việc với những đồ vật ấy cũng tựa như chơi đùa với những đám mây. Bạn ngước nhìn lên bầu trời và nghĩ: đám mây này trông giống như một con voi hay một con bướm, hoặc một siêu nhân. Đó chính là cuộc sống 24 giờ mỗi ngày của tôi. Mọi thứ đối với tôi đều trông giống như một thứ gì khác (mà tôi có thể tưởng tượng). Người ta giết những con vật để (lấy da) làm giày, còn tôi phá hủy những chiếc giày để tạo thành những con vật”, Uribe nói. Quả là những con bò, con ngựa được Uribe làm từ giày dép cũ, những thứ bị vứt bỏ trông thật sinh động và đầy sức biểu cảm. Có thể nói một cách ngắn gọn rằng tác phẩm của Uribe được kết cấu và đan dệt bằng nhiều cách lạ lùng và không đoán định được, hết sức phức tạp và thú vị. Nghề thủ công chính là cốt lõi nghệ thuật của Uribe và ông đã tiếp nhận được những tinh túy của nghề thủ công từ những người thổ dân ở quê nhà Colombia. Nhưng tác phẩm của Uribe không hề là sản phẩm thủ công, mỹ nghệ như ông bày tỏ về sáng tác của mình: “Tôi vẽ tranh trừu tượng với năng lực toán học trong tư duy của tôi. Còn với phần tâm lý và triết học của tư duy, tôi tạo hình bằng các loại vật liệu như dây cáp điện, dây thừng hay bút chì màu. Và tôi tạo hình các con vật bằng phần tình cảm cũng như cảm thức về sinh thái nơi trái tim tôi”. Ông tự mô tả mình là “một nghệ sĩ của ý tưởng (conceptual artist) – người đã phải viện dẫn ngôn ngữ của pop art thông qua việc sử dụng những đồ vật trong cuộc sống thường nhật, nhưng bằng một hình thức có liên hệ mật thiết với lịch sử và với truyền thống của nghệ thuật cổ điển”.
Khi được hỏi về quá trình sáng tạo tác phẩm, hình ảnh đến trước hay khi đi tìm chất liệu thì tác giả mới tìm kiếm hình ảnh thích hợp, Federico Uribe cho biết cả hai điều đó cùng đến với ông; một số đến từ các loại vật liệu, chất liệu, số khác đến từ ngôn ngữ hoặc có thể đến từ sự tình cờ nào đó: “Người ta cho tôi nhiều thứ hoặc kể cho tôi những gì đang tồn tại, tôi đã nhặt lấy chúng và sẽ sử dụng một lúc nào đó… Lúc khác, tôi lại nảy ra ý tưởng từ những vật liệu đặc biệt mà tôi tìm thấy. Chẳng hạn, tôi đã làm một loạt tác phẩm từ dây cáp điện gắn bó một cách tự nhiên với hình ảnh Thượng đế và nhiều thứ khác… Dự án nghệ thuật này buộc tôi phải tìm cách sử dụng dây cáp điện để “vẽ” tranh”. Còn với các tác phẩm được tạo hình bằng bút chì màu, Uribe đã phải thu thập từng loại màu của bút chì mà ông cần làm cho mỗi tác phẩm, xếp đặt chúng thật công phu và tài tình để tạo hình chú ngựa vằn, các loài thú khác nhau, chân dung con người và cả một “dị bản” tranh phong cảnh Van Gogh.
- Lê Bản