Nói “khó” cho gói hỗ trợ lãi suất đình đám một thời trong giai đoạn hiện nay có vẻ khá mâu thuẫn, bởi theo như những gì đã diễn ra thì tương lai cho chương trình này phải ngày càng “tươi sáng” mới đúng. Con số thống kê cũng cho thấy đã có những biến chuyển tích cực kể từ khi Ngân hàng Nhà nước mở rộng cửa hơn với người vay đồng thời tăng số ngân hàng được tham gia lên 13 ngân hàng thay vì năm ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước như ban đầu. Theo đó, nếu từ 1-6-2013 (thời điểm bắt đầu áp dụng Thông tư 11/2013/TT-NHNN quy định về cho vay gói 30 ngàn tỉ đồng) đến 31-10-2014 (trước khi có thông tư mới) chỉ có 9.376 người được vay với tổng số tiền cam kết cho vay là 7.357,7 tỉ đồng, thì sau khi ban hành Thông tư 32/2014/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 11, tốc độ cho vay, giải ngân gói hỗ trợ lãi suất này đã tăng mạnh. Chỉ sau bốn tháng triển khai, số người được các ngân hàng cam kết cho vay theo gói 30 ngàn tỉ đã tăng gần gấp đôi (thêm 5.519 người), với tổng số tiền cam kết cho vay là tăng khoảng 53,7% so với thời điểm 31-10-2014. Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói tín dụng này, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình thực hiện của các ngân hàng thương mại tham gia chương trình, chỉ đạo kịp thời, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn vướng mắc và xem xét khả năng mở rộng số lượng ngân hàng thương mại tham gia…
Tuy nhiên, rất có thể gói tín dụng này sẽ gặp nhiều trở ngại trong thời gian tới, đi cùng với sự ấm dần lên của phân khúc căn hộ thương mại, đặc biệt khi các ngân hàng mở rộng cửa hơn đối với cho vay mua nhà thương mại. So với việc vay – cho vay mua nhà thương mại, việc vay – cho vay của gói hỗ trợ 30 ngàn tỉ đồng chỉ có mỗi một ưu điểm là lãi suất rẻ hơn, còn thì có quá nhiều điều bất cập. Đầu tiên, số dự án nhà ở xã hội hay nhà ở thương mại giá rẻ phù hợp với gói hỗ trợ này là quá ít và không phù hợp với nhu cầu của người mua. Những người muốn vay gói hỗ trợ lãi suất 30 ngàn tỉ đồng để mua nhà thường là người nghèo đô thị, muốn vay tiền để mua một căn hộ trị giá dưới 1 tỉ đồng và không xa trung tâm. Nhưng những căn hộ có thể đáp ứng được nhu cầu này là rất ít. Tiếp theo, nguyên nhân khiến cho ngân hàng không mặn mà trong việc giải ngân, còn người muốn vay cũng ngán ngại vay chính là thủ tục vay vốn còn quá phức tạp. Chỉ riêng việc chứng minh mình chưa có nhà ở đối với người cần vay tiền đã là bài toán khó, chưa kể nhiều loại giấy tờ khác để hoàn thành đầy đủ hồ sơ theo đúng quy định của ngân hàng. Ngoài ra, biên lợi nhuận 1,5%/năm mà các ngân hàng thương mại được hưởng khi cho vay theo chương trình là không hấp dẫn nếu so sánh với một khoản cho vay tương ứng đối với cho vay mua nhà thương mại. Sau khi trích lập dự phòng và chi các khoản phí quản lý giống như bất kỳ khoản cho vay nào khác như chi phí hoạt động, chăm sóc khách hàng…, các ngân hàng cho vay hầu như không còn bao nhiêu lợi nhuận.
Cuối cùng và là “rào cản” quan trọng nhất: với những người thu nhập thấp, đối tượng chính của gói hỗ trợ 30 ngàn tỉ đồng, giá tiền để mua một căn hộ vẫn quá cao so với thu nhập của họ. Để có thể mua được một căn hộ, họ cần phải vay 5-7 trăm triệu đồng và để trả được cả gốc lẫn lãi trong 15-20 năm thì dù đã được ưu đãi lãi suất thì mỗi năm người mua nhà cũng phải dành dụm được khoảng 50 triệu đồng để trả nợ. Không nhiều người trong diện được vay ưu đãi mua nhà xã hội hiện nay tích lũy được con số này. Còn với những người vay mua nhà thương mại, thường có thu nhập cao hơn, mỗi năm phải trả ngân hàng một vài trăm triệu đồng cũng không phải là vấn đề lớn. Người đi vay có thể trả được nợ, ngân hàng hào hứng cho vay, nguồn cung cho phân khúc nhà ở thương mại này cũng dồi dào hơn rất nhiều so với căn hộ phù hợp với gói 30 ngàn tỉ đồng… Tất cả đã lý giải cho “cái khó” của gói hỗ trợ lãi suất trong thời gian tới.
Hồng Thuận (DNSGCT)