Tỉ phú Mỹ gốc Hungary George Soros, một người có nhiều đóng góp cho các hoạt động từ thiện, đầu tuần qua cho biết sẵn sàng đầu tư ít nhất 1 tỉ USD vào Ukraina nếu tổ chức và chính phủ các nước phương Tây giúp đỡ tạo ra một môi trường chính trị ổn định cần thiết tại quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá này. Trong cuộc trả lời phỏng vấn nhật báo Der Standard của Áo nhân chuyến viếng thăm Đức, ông George Soros cho biết phương Tây hoàn toàn có thể giúp Ukraina hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư quốc tế và dĩ nhiên việc đảm bảo cho nhà đầu tư tránh được những rủi ro chính trị là điều tối cần thiết. Muốn ông đầu tư vào đây, điều kiện tiên quyết phải là khả năng lãnh đạo tốt của giới chính trị Ukraina. Ngoài ra, ông Soros tin rằng việc thu hút đầu tư của phương Tây vào Ukraina trong thời điểm này sẽ góp phần giảm tác động của Nga đến nền kinh tế Ukraina. Về chi tiết của ý tưởng đầu tư, ông Soros cho biết những dự án nông nghiệp và cơ sở hạ tầng sẽ được ưu tiên và lợi nhuận tạo ra sẽ được đóng góp vào quỹ từ thiện của ông. Ông Soros cũng xác định Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB), Ngân hàng Tái kiến thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) và các chương trình mở rộng của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) là nguồn tài chính chủ yếu cung cấp cho Ukraina.
Thời gian qua, tỷ lệ thanh toán nợ của chính quyền Kiev đã liên tục giảm xuống, theo đánh giá của tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s trong khi Ukraina đang nỗ lực xây dựng một bản kế hoạch vay nợ nước ngoài nhằm tổ chức lại nền kinh tế. Trước mắt, Kiev đang cần ít nhất 15,3 tỉ USD để hoàn tất chương trình cứu trợ kinh tế trong nước trong khi con số do ông Soros đưa ra là 50 tỉ euro. Đầu tháng 3-2015, IMF cũng đã đồng ý bơm 10 tỉ USD vào Ukraina trong năm 2016, như một phần của chương trình tài trợ kinh tế kéo dài bốn năm. Theo Giám đốc điều hành IMF Christine Lagarde, gói cứu trợ sẽ được tiến hành một cách mạnh mẽ trong năm đầu tiên nhằm mang đến một sự ổn định kinh tế tức thời cho quốc gia này. Tương tự, Chính phủ Mỹ cũng vừa cam kết sẽ cung cấp khoản nợ vay bảo đảm 1 tỉ USD cho Kiev trong nửa đầu năm nay và nếu được sự chấp thuận từ Quốc hội, Washington sẽ cho vay bổ sung 1 tỉ USD khi cần thiết.
Số liệu chính thức từ chính quyền Kiev công bố vào tháng 2-2015 cho thấy GDP nước này, không kể bán đảo Crimea đã sáp nhập vào Nga và các khu vực đang có hoạt động quân sự, giảm 15,2% trong quý IV-2014 so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 3,8% so với quý III trước đó. Trong năm 2015, kinh tế Ukraina dự báo sẽ giảm tiếp 7,6% và chỉ có hy vọng tăng trưởng trở lại sớm nhất vào năm 2017.
Kiên Lâm theo AFP và The Daily Coin (DNSGCT)