nguy cơ suy thoái đang như lưỡi gươm Damoclès treo lơ lửng trên nền kinh tế khi tồn kho hàng hóa và tình trạng mất công ăn việc làm đang có chiều hướng gia tăng nguy hiểm, quyết định của Ngân hàng Nhà nước giảm trần lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại từ 11%/năm xuống còn 9%/năm được cả giới doanh nghiệp, ngân hàng, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, các tổ chức tài chính quốc tế đón nhận như một tín hiệu lạc quan, làm lóe lên tia hy vọng cho viễn cảnh phục hồi kinh tế.
Việc được chủ động ấn định lãi suất huy động dài hạn sẽ giúp các ngân hàng chủ động hơn trong việc huy động nguồn tiền dài hạn từ trong khu vực dân cư
Ảnh T.T
Động thái giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước hiện nay cho thấy các nhà lãnh đạo tiền tệ Việt Nam đã nhận thức được nguy cơ và đang quyết tâm thực hiện những điều cần làm nhằm tạo điều kiện giảm chi phí tài chính cho các doanh nghiệp Việt Nam, giúp họ có thể tồn tại trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, phải chăng quyết định đưa mức lãi suất xuống dưới 10%/năm đã đến khá muộn màng? Về vấn đề này, có nhiều ý kiến khác nhau. Một số nhà phân tích cho rằng nếu việc giảm lãi suất được thực hiện sớm hơn và mạnh mẽ hơn, có thể đã không xảy ra tình trạng doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ chết hàng loạt trong năm 2011 và vào những tháng đầu năm 2012. Vào thời điểm hiện nay, giảm lãi suất như một bát nước đến muộn không thể cứu được những doanh nghiệp đang chết khát. Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Nghiên cứu của Dragon Capital có một cái nhìn khác hơn, ông cho rằng: “Ngân hàng Nhà nước đã đúng khi không giảm lãi suất nhanh trong ba tháng của năm 2012 vì lạm phát quý I lúc đó còn rất cao, đến 14,2%. Đến tháng 5, lạm phát giảm xuống mức 8,4% và kỳ vọng đến tháng 6 lạm phát trong sáu tháng đầu năm sẽ về mức gần 7%. Lạm phát trong nước đang trên chiều giảm rất mạnh, thêm vào đó, một số nước khác còn đang lo lắng về giảm phát. Do đó, việc giảm mạnh lãi suất vừa qua của Ngân hàng Nhà nước, theo tôi, là hợp lý”. Hai cái nhìn khác nhau cho thấy các nhà kinh tế luôn có những quan điểm khác nhau về giải pháp kinh tế vĩ mô và về các mục tiêu ưu tiên của chúng. Có người cho rằng chống lạm phát ưu tiên hơn việc cứu sống các doanh nghiệp vì sản xuất kinh doanh rồi sẽ phục hồi khi giá cả ổn định trong lâu dài, có người cho rằng sự sống còn của doanh nghiệp, công ăn việc làm của người lao động mới là mục tiêu quan trọng hơn hết của các biện pháp kinh tế vĩ mô, dù ngắn hạn hay lâu dài.