Theo số liệu chính thức của Hiệp hội sản xuất đồ cho gia súc, năm 2014, người Mỹ đã chi cho thú nuôi trong nhà lên đến mức kỷ lục 58 tỉ USD, vượt năm trước 4,3%.
Khoản chi lớn nhất là thức ăn. Năm ngoái, thú nuôi trong nhà ăn hết 22 tỉ USD. Thứ đến là chi phí thú y. Phần cho dịch vụ khám, chữa trị và chăm sóc – kể cả phẫu thuật thẩm mỹ, là 15 tỉ USD. Thứ ba là đồ khoác ngoài, phụ kiện, như dây đeo cổ, xích, lục lạc… hết 14 tỉ USD. Cuối cùng là chăm sóc, trang điểm bộ lông, thư giãn “nghỉ dưỡng ở khách sạn dành riêng cho mèo, chó”… 4 tỉ USD.
Nhịp độ tăng nhanh nhất là những chi phí chăm sóc đặc biệt chất lượng cao – spa. Chó, mèo được xông hơi, xoa bóp, vuốt ve theo bài bản và một loạt các thủ thuật thẩm mỹ khác.
Tiền trực tiếp để mua thú nuôi trong nhà lại khiêm tốn – chừng 2,15 tỉ USD. Trong tổng số 397 triệu con vật nuôi trong nhà ở Mỹ hiện nay, mèo chiếm đầu bảng – 96 triệu con, chó đứng hàng thứ hai – 80 triệu con. Năm 1994, lần đầu tiên Hiệp hội sản xuất đồ cho gia súc thống kê tổng chi phí cho thú nuôi trong nhà ở Mỹ. Khi đó chi phí là 17 tỉ USD, quá khiêm tốn so với hiện nay.
Hiện nay chỉ ở Nhật mới có quán cà phê riêng cho mèo. Đảo Aosima rộng 4,4ha, miền Nam nước Nhật được gọi là đảo Mèo – số mèo trên đảo nhiều hơn sáu lần cư dân.
Năm 1945, số dân trên đảo Aosima là 900 người, nhưng nay chỉ còn lại hơn 20 người. Nhưng mèo nuôi để bắt chuột thì cứ sinh sản và ở lại trên đảo.
Tai họa hiện nay ở thủ đô Riga thuộc Cộng hòa Lavia là hơn 200 ngàn mèo hoang. Chính quyền khẩn thiết kêu gọi xã hội hóa việc triệt sản mèo hoang, nếu không, mèo hoang sẽ phát triển đến mức không kiểm soát nổi. Theo kinh nghiệm của Áo, hằng năm Lavia triệt sản bốn nghìn con mèo hoang. Để ngăn chặn mèo hoang phát triển bầy đàn, phải triệt sản tối thiểu 80% số mèo hoang.
Lê Lành theo nbcNews, The Mirror (DNSGCT)