Đỉnh núi cao nhất hành tinh – Everest đã phải gióng chuông báo động khẩn cấp nguy cơ ô nhiễm nặng, dẫn đến dịch bệnh truyền nhiễm. Hằng năm, 700 nhà leo núi cùng đoàn tùy tùng dẫn đường, mang vác và sống trên sườn núi từ tháng 3 tới tháng 5 mỗi mùa chinh phục đỉnh cao.
Đích thân chủ tịch Hội leo núi quốc gia Nepal, ông Ang Tcherin vạch rõ chính các nhà leo núi là thủ phạm làm ô uế ngọn núi danh tiếng này bằng phân và nước tiểu do chính họ thải ra mỗi ngày.
Mỗi người leo núi, ít nhất phải dành hai tuần lễ thích nghi điều kiện sinh học quá khắc nghiệt – không khí loãng và nhiệt độ thấp. Trong hai tuần đó, họ sống trong bốn cái lán ở hai căn cứ cao 5.300m và 8.840m. Cả hai căn cứ này đều không có nhà vệ sinh. Những người tạm sống ở đây hằng ngày đều phải đào lỗ trong tuyết, đại, tiểu tiện xong thì lấp tuyết lên! Cứ thế năm này qua năm khác, núi Everest ngày một ô uế, tới một ngày nào đó sẽ bùng nổ dịch bệnh.
Theo Dawa Stephen Sherpa, phụ trách công việc dọn rác thải núi Everest từ năm 2008, một số rất nhỏ các nhà leo núi có ý thức mang theo túi vệ sinh cơ động cá nhân. Điều đó chẳng nhằm nhò gì. Nhưng lại là khởi điểm cho một giải pháp hữu hiệu. Kể từ mùa leo núi tháng 3-2015, bất kể ai leo lên đỉnh Everest đều phải có túi vệ sinh cơ động để khi trở xuống mang theo tối thiểu 8kg chất thải cá nhân. Bộ trưởng phụ trách ngành leo núi Puspa Raj Katuwal coi đó là luật, ai vi phạm – xuống núi mà không mang theo đồ thải cá nhân đúng quy định, thì 4.000 USD ký quỹ không được hoàn lại!
Đồng thời chính quyền Nepal khuyến khích chinh phục đỉnh cao – phí cá nhân leo núi Everest từ nay hạ từ 25.000 USD xuống còn 11.000 USD/người.