Người sáng lập Sunny Farm là Nguyễn Vũ Minh Quân, chàng trai 8X từng tốt nghiệp ngành Thương mại tại Trường Đại học Quốc tế RMIT Việt Nam, sau đó lấy bằng thạc sĩ du lịch nhưng với suy nghĩ “cuộc sống ý nghĩa hơn khi được làm công việc mình yêu thích và mang lại giá trị cho xã hội”, anh đã rẽ ngang sự nghiệp để bắt tay vào gây dựng Sunny Farm.
Ra đời vào tháng 9-2012, Sunny Farm (ấp 5, xã Thạnh Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) – mô hình trang trại vừa nuôi trồng theo kỹ thuật tiên tiến, vừa là một sân chơi để các bạn trẻ đến nghiên cứu, học tập, đồng thời rèn luyện những kỹ năng sống cần thiết, đang dần được nhiều người biết đến. Với chi phí hợp lý và cách làm mới mẻ, mang tính giáo dục cao nên dù cách TP.HCM gần 40km, nhiều đơn vị trường học trên địa bàn thành phố vẫn lựa chọn nơi này khi cần địa chỉ tin cậy để tổ chức sinh hoạt ngoại khóa cho học sinh. Con số hơn 8.000 học sinh các cấp, sinh viên đến sinh hoạt, trải nghiệm và tìm hiểu về môi trường trong hơn năm qua đã chứng tỏ hoạt động hiệu quả của mô hình này.
Ý tưởng kinh doanh từ sở thích
Ý tưởng xây dựng Sunny Farm bắt đầu khi Minh Quân phát hiện ra tố chất “nhà nông” của mình qua sở thích quan tâm đến môi trường, yêu thiên nhiên. Nhưng lý do để anh quyết tâm hơn là thấy trẻ em thành phố, lứa tuổi phải được giáo dục bằng trực quan sinh động rất thiếu sân chơi gần gũi với thiên nhiên; môi trường ngày càng bị “bức tử” do thói quen ứng xử thiếu trách nhiệm của con người; sản lượng nông nghiệp Việt Nam cao nhưng chất lượng sản phẩm thiếu an toàn, cách sản xuất, trồng trọt chưa thân thiện và bền vững với môi trường… Anh suy nghĩ, nếu chỉ bày tỏ thái độ mà không có hành động cụ thể thì sẽ không thay đổi được những thói quen cũ đã ăn sâu vào nếp nghĩ của một số người. Dù sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng anh cho rằng đây là việc mình cần làm để thấy cuộc sống ý nghĩa hơn.
Việc “điền vào chỗ trống” lời giải bài toán môi trường được anh lên kế hoạch làm từng bước. Đầu tiên là mở trung tâm Hoa Sa Mạc dạy kỹ năng sống cho các bé từ 5 đến 12 tuổi. Cùng với mong muốn thay đổi nhận thức và thói quen cũ của mọi người về nông nghiệp, đặc biệt là của giới trẻ đã làm anh nảy ra sáng kiến thành lập Sunny Farm để tiếp tục tiếp cận, hướng dẫn các bạn trẻ. Xác định đây là kế hoạch dài hạn, không đặt nặng vấn đề kinh doanh ngay từ đầu, khó tìm được người hợp tác nên anh phải tự thân vận động. May mắn là anh được gia đình ủng hộ, nhất là mẹ anh, một nhà giáo nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục đã chia sẻ và đồng hành cùng anh.
Minh Quân cho biết: “Tôi gặp nhiều khó khăn từ việc tìm kiếm địa điểm đến việc bắt tay vào xây dựng mô hình Sunny Farm. Việc cải tạo địa hình, xây dựng cơ sở vật chất không khó bằng việc nghĩ ra ý tưởng cho hoạt động của nông trại. Tôi đặt hết niềm tin vào quyết định của mình vì tôi suy nghĩ, mình làm việc bằng cái tâm tốt thì dù kết quả như thế nào cũng đã làm hết sức. Nếu có thất bại cũng là bài học trải nghiệm cho những công việc về sau nên tâm lý tôi rất thoải mái”. Cũng may là “vạn sự khởi đầu nan” nhưng mọi việc Minh Quân tự mày mò làm rồi cũng ổn. Anh phải học thêm rất nhiều kiến thức về khoa học nông nghiệp để hướng dẫn cho những nhân viên vốn là nông dân.
Đây là mô hình không mới ở nước ngoài, ở Việt Nam cũng có một số công ty đầu tư, nhưng phần lớn chỉ dừng lại như một khu du lịch sinh thái, chưa đưa việc giáo dục môi trường, kỹ năng sống một cách bài bản vào chương trình hoạt động. Nhờ có những lần đi du lịch nước ngoài, Minh Quân đã tìm hiểu, học hỏi, ứng dụng cách thức phù hợp cho Sunny Farm. Anh kể, quá trình tìm cộng sự cũng không dễ dàng, do các bạn trẻ đều muốn có thu nhập cao chứ ít quan tâm đến ý nghĩa vì cộng đồng của công việc. Có người còn nghi ngờ ý tưởng của anh là thiếu thực tế, anh không cố giải thích mà chỉ chứng minh bằng kết quả công việc. Dù không chính thức quảng bá nhưng khi Sunny Farm hoàn thành, khai trương hoạt động đã đón nhiều đoàn học sinh cấp 1, cấp 2, rồi cả trường mẫu giáo, sinh viên Trường RMIT cũng đến tham quan, học hỏi. Dự định trong tương lai, khi mảng nông nghiệp của Sunny Farm phát triển hơn, anh sẽ mở cửa hàng thực phẩm sạch giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng.
Giáo dục để thay đổi nhận thức về môi trường
Dù được xây dựng theo mô hình trang trại vừa nuôi – trồng để tự tạo nguồn kinh phí duy trì hoạt động, nhưng mục đích chính của Sunny Farm là giáo dục nên điều kiện an toàn được đảm bảo. Tùy độ tuổi mà các bạn trẻ được có những trải nghiệm môi trường qua những bài học sinh động như xem một đoạn phim ngắn tìm hiểu hình ảnh về môi trường, viết cảm nhận, suy nghĩ về phim, tham gia các hoạt động tại trang trại… Có nhiều thắc mắc khi các em tham quan, thực tế có em không phân biệt được gà trống và gà mái, không nhận biết cây đu đủ, cây chanh, không biết thế nào là đất thịt, đất sét… Nhân viên của Sunny Farm vừa giải thích cho các em hiểu đồng thời hướng dẫn những kiến thức tự nhiên có lợi cho môi trường, chẳng hạn vì sao nên trồng cây chắn gió để hạn chế côn trùng phá hoại hoa màu chứ không dùng thuốc hóa học…
Trang trại được phân chia theo các khu vực có nội dung khác nhau. Có khu vực tập trung cho tổ chức sự kiện, khu trưng bày sản phẩm giới thiệu các loại rau, củ, trái cây, khu thực hành chế biến thức ăn… Hấp dẫn các em chính là các khu trồng trọt trồng thử nghiệm chanh không hạt và các loại rau trái (dưa leo, khổ qua, mướp, đậu, cà tím, ớt, cóc, ổi…); vườn ươm áp dụng phương pháp trồng rau sạch bằng nước và xơ dừa để trồng cải xanh, cà chua, cà rốt, khoai tây… Khu nuôi các loại gia súc, gia cầm có vườn chim (bồ câu, két, cu gáy…); chuồng gia súc (dê, heo, thỏ); chuồng thú cảnh (chó, nhím, rùa…); chuồng gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng); ao cá (diêu hồng, tai tượng, sặc…). Các em sẽ được dạy cách chăm sóc thú nuôi, thu hoạch rau quả, cách chế biến, đóng gói sản phẩm mang về làm quà.
Rất nhiều kỷ niệm đáng yêu, những cảm nghĩ, câu thơ cảm tác hồn nhiên mà các bạn sau khi tham quan Sunny Farm đã chia sẻ khiến Minh Quân rất vui, thấy con đường mình đi là đúng đắn. Có những vị hiệu trưởng, phụ huynh tỏ lòng cảm ơn Sunny Farm đã tạo ra một mô hình chơi mà học bổ ích, là cánh tay nối dài của nhà trường làm anh thấy được khích lệ, có thêm động lực để tiếp tục hoàn thiện công việc. Mỗi năm Sunny Farm đều dành 20% lợi nhuận cho các công trình “Giúp trẻ em nghèo đến trường” như xây lớp học cho học sinh dân tộc miền núi tại Sa Pa, tặng quà cho trẻ khuyết tật tại tỉnh Đắk Lắk… Đồng thời Sunny Farm có chính sách giảm 50% phí cho học sinh của các trường mái ấm tình thương. Hiện tại, mong muốn của Minh Quân là có thể xây dựng một thư viện nông nghiệp phục vụ tại địa phương.