Nhằm xóa bỏ độc quyền, bao cấp đối với doanh nghiệp nhà nước, tạo điều kiện cho tư nhân tham gia khai thác, kinh doanh trong lĩnh vực hàng không, Bộ Giao thông Vận tải đã quyết định cho phép doanh nghiệp tư nhân khai thác sân bay và các dịch vụ mặt đất. Ngay sau khi chủ trương bán quyền khai thác nhà ga T1 của sân bay Nội Bài và sân bay Phú Quốc được công bố, Công ty Hàng không VietJet xin được nhượng quyền khai thác nhà ga T1 trong thời hạn 20 năm và kết quả là một phần của đề xuất đó, cụ thể là quyền khai thác sảnh E của nhà ga T1 (khu vực khai thác các chuyến bay đi nội địa giá rẻ) đã được Bộ trưởng Đinh La Thăng chấp thuận.
Đối với sân bay Phú Quốc, vì cả khu vực nhà ga lẫn đường băng đều do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư vốn 100% (khoảng 3.000 tỉ đồng) nên có thể bán cho tư nhân. Hiện tại, có ba hãng hàng không trong nước là Vietnam Airlines, VietJet Air và Jetstar Pacific đang khai thác các đường bay nội địa từ Phú Quốc đi Hà Nội, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh và ngược lại. Dù có gặp đôi chút vướng mắc ở khu vực đường băng vì hạng mục này đang dùng chung với các hoạt động quân sự nhưng lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải vẫn quyết định sẽ thí điểm nhượng toàn bộ tài sản trong năm nay.
Trong cuộc họp về xã hội hóa đầu tư hạ tầng hàng không ngày 25-2, cùng yêu cầu ACV khẩn trương hoàn thiện phương án cổ phần hóa để được phê duyệt ngay trong tháng 4 tới, Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ thị xây dựng ngay phương án thí điểm bán 100% vốn sân bay Phú Quốc và chuyển nhượng quyền khai thác một số sân bay khác cũng như liên doanh để đầu tư mới, đưa ra kế hoạch nâng cấp cải tạo một số sân bay, trong đó có sân bay Cam Ranh, Vinh…
Hiện nay vẫn còn nhiều sân bay chưa được sử dụng, khôi phục hết. Do đó, một khi tư nhân được tham gia đầu tư trong lĩnh vực hàng không, chắc chắn nhiều nhà đầu tư sẽ sẵn sàng đầu tư vào các sân bay nhỏ với mức độ đầu tư vừa phải để phục vụ các loại hình kinh doanh hàng không như bay dịch vụ, bay cấp cứu, cứu hộ, cứu nạn… Có khả năng nhiều tỉnh thành sẽ chủ động xây dựng các sân bay, bãi đáp bằng nguồn vốn tư nhân hay vốn nước ngoài để phục vụ kinh tế – xã hội của địa phương mình.
Trên thế giới, có rất ít quốc gia mà cảng hàng không chỉ do Nhà nước quản lý như ở nước ta. Nhiều sân bay ở Liên bang Nga đã nhượng quyền sử dụng trong thời gian 99 năm cho tư nhân điều hành, kinh doanh. Thái Lan đã giao các sân bay ở Koh Samui, Sukhothai, Trad cho Hãng hàng không Bangkok Airways đầu tư. Lào và Campuchia cũng mở cửa cho đầu tư sân bay tư nhân. Vì vậy, quyết định xã hội hóa đầu tư trong ngành hàng không sẽ xóa bỏ được tình trạng trì trệ do độc quyền lâu nay, thay vào đó là sự năng động của các doanh nghiệp dịch vụ thuộc nhiều thành phần kinh tế.
Nguyễn Thắng (DNSGCT)