Trong nhiều năm qua, đội quân mũ nồi xanh của Liên Hiệp Quốc đã được gửi đến nhiều điểm nóng trên thế giới để tham gia vào các chiến dịch gìn giữ hòa bình. Hoạt động trên danh nghĩa hòa bình nhưng họ phải gánh chịu những tổn thất rất lớn. Năm 2012, có 37 nhân viên LHQ bị sát hại, gồm 20 dân sự và 17 quân nhân gìn giữ hòa bình; con số này tăng lên 58 (33 quân nhân gìn giữ hòa bình) vào năm 2013 và ít nhất 61 người vào năm 2014 (cũng 33 quân nhân gìn giữ hòa bình). Mặc dù những thương vong này là điều đã được báo trước, vì LHQ và các cơ quan trực thuộc luôn khuyến khích nhân viên của họ viết di chúc trước khi lên đường làm nhiệm vụ, nhưng mức thương vong ngày càng tăng của các nhân viên dân sự và quân sự khiến cho nhiều nước thành viên LHQ không yên tâm. Khi được hỏi liệu tổ chức quốc tế này đã làm đủ chức trách để bảo vệ nhân viên của họ hay chưa, bà Barbara Tavora-Jainchill, chủ tịch Liên hiệp Nhân sự LHQ (tạm dịch từ Staff Union), cho rằng đây là một vấn đề phức tạp, bởi vì trên nguyên tắc, việc bảo vệ nhân viên LHQ trước tiên thuộc về trách nhiệm của nước chủ nhà, nơi họ đến hoạt động gìn giữ hòa bình. Vấn đề đặt ra hiện nay là liệu LHQ có nên gửi nhân viên của mình đến những nơi mà an ninh và sự an toàn của họ không được đảm bảo?
Thời gian gần đây, Bắc Mali là nơi nguy hiểm nhất đối với nhân viên LHQ: chỉ trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 10-2014, đã có 28 quân nhân gìn giữ hòa bình bị sát hại. Còn đối với nhân viên dân sự thì dải Gaza là nơi nguy hiểm nhất, với 11 trường hợp tử vong. Những tổn thất khác trải dài trên một địa bàn rộng, từ Afghanistan, Somalia, Mali, Campuchia, Pakistan, CHDC Congo, Nam Sudan, đến Bắc Darfur, Cộng hòa Trung Phi… Có người bị sát hại khi đang nghỉ ngơi sau bữa ăn tối tại một nhà hàng ở Kabul, có những người trở thành mục tiêu của bọn khủng bố khi mới vừa ra khỏi chiếc máy bay ở Somalia.
Ủy ban Thường trực của Liên hiệp Nhân sự trong một tuyên bố ngày 13-1-2015 đã nhận định rằng Nam Sudan là nước mà số nhân viên LHQ là người bản xứ bị bắt cóc hay cầm giữ cao nhất. Tháng 8-2015, Sở An ninh Quốc gia của nước này cầm giữ hai nhân viên và tháng 10, tám người vũ trang mặc thường phục bắt giữ một nhân viên LHQ làm việc trong Chương trình Thực phẩm Thế giới đang xếp hàng chờ lên máy bay tại sân bay Malakal và mang đương sự đến một nơi không ai biết. Tuy nhiên, một trong những sự kiện tồi tệ nhất lại diễn ra tại cao nguyên Golan, nơi 44 nhân viên gìn giữ hòa bình LHQ người Fiji đã bị các phần tử vũ trang bắt giữ trong thời gian từ 28-8 đến 11-9 năm 2014. Các vụ bắt cóc nhân viên gìn giữ hòa bình LHQ diễn ra nhiều nhất ở Yemen, khu vực Darfur của Sudan, Pakistan và Nam Sudan. Ngày 12-6-2014, một nhà thầu quốc tế đến từ Ấn Độ làm việc cho LHQ tại Darfur đã được trả tự do sau 94 ngày bị cầm giữ.
Bên cạnh việc được khuyến khích viết di chúc khi thực hiện công tác gìn giữ hòa bình, các nhân viên LHQ dân sự cũng như vũ trang đều có tham gia vào Quỹ Hưu bổng để thân nhân của họ được hưởng trợ cấp khi họ hy sinh vì công vụ. Dù gì thì sự an toàn khi hết lòng phục vụ mục tiêu cao cả là gìn giữ hòa bình cho thế giới cũng là điều mà bản thân họ, và mọi người, luôn mong mỏi cho họ.
Lê Nguyễn tổng hợp (DNSGCT)