Xưa nay, thường người ta cho rằng, già phải hưởng thụ để tạo động lực cho trẻ có việc làm. Hưởng thụ ở đây không chỉ nghỉ ngơi về thời gian mà còn phải tiêu dùng, có thế mới kích cầu.
Ở tuổi viên mãn nhất trong cuộc đời con người, khi mà những ngày tháng cật lực làm việc được trả công xứng đáng, nếu không biết dừng lại để hưởng thì còn gì ý nghĩa cuộc đời? Lớp trẻ ngày càng lớn lên, có trình độ, tri thức, việc nhường đường cho lớp trẻ còn hàm ý nghĩa thúc đẩy xã hội phát triển về cả kinh tế và nhân văn.
Ai chẳng muốn điều này, thế nhưng, đâu phải muốn là được?
Một thực tế hiện nay là độ tuổi nghỉ hưu ở Việt Nam nhiều người vẫn còn trẻ. Có những người về hưu không biết làm gì khi mà sức khỏe còn tốt, đầu óc minh mẫn, dẫn đến bị chứng trầm cảm sau hưu.
- Xem thêm: Lập kế hoạch hưu trí
Công nhân làm việc trong các nhà máy, điều kiện lao động không được nhàn nhã như giới văn phòng, đồng lương hưu (quá) thấp khiến cuộc sống về hưu của họ cũng rất khó khăn. Con cái có công ăn việc làm ổn định thì dễ thở, con còn nhỏ quả đúng chật vật.
Thẳng thắn nhìn nhận, giới công chức hiện nay, đi làm tuy bận rộn nhưng nhiều người về hưu cảm thấy buồn khi (buộc) phải về nhà. Nhiều người còn có cảm giác đang tuổi làm việc tốt mà bị “đuổi” về nữa kia. Với những người có tiền (hậu thân khi về già) thì tương đối an tâm, nhưng với nhiều người, đồng lương hưu chỉ lo được cho chính họ là tốt rồi, thậm chí thiếu trước hụt sau.
Không nhiều người cảm thấy thoải mái khi về hưu đó là họ có tài sản tích lũy. Đa phần, tuy không đến nỗi “giật gấu vá vai” như hồi còn trẻ bởi ít nhiều họ cũng có chút đỉnh để dành, nhưng lo lắng dường như là mẫu số chung.
Không lo sao được khi đứa con ra trường hai năm vẫn chưa có việc làm ổn định, đứa thì còn lông bông, đứa làm ăn thất bại hoài… Và như thế, nếu có điều kiện ít cha mẹ nào chịu dừng lại, nhất là khi giờ đây tình hình kinh tế ngày càng khó khăn, tích lũy được chút nào hay chút đó!
Một mô hình gia đình kiểu mẫu, vợ chồng đều là giáo viên. Họ có dạy thêm, đủ nuôi hai con ăn học thành tài và để dành chút ít về già ốm đau. Tưởng là về hưu, con cái tự lo phần con, vợ chồng không phải “cày” nữa. Việc đời không như người tính.
Con gái đầu đi làm cho một công ty nước ngoài, lương khá. Cô ở nhà chồng tuy không rộng rãi nhưng nhờ được ông bà nội còn khỏe chăm cháu nhỏ. Đùng một cái, cơ quan đề nghị cho cô vay 3 tỉ đồng để mua nhà, trả dần trong vòng 20 năm không tính lãi (có lẽ là chiêu giữ nhân tài của công ty). Tính ra, một tháng cô phải trả nợ 12 triệu đồng.
Thấy số tiền quá lớn, ông bà sợ nhưng vợ chồng con gái đã quyết. Tiền trả nợ phân nửa lương tháng của cô, hai vợ chồng cô sẽ chi tiêu bớt lại coi như một cách để dành tiền mua nhà, không mua bây giờ sau này cũng phải mua, có nhiều xài nhiều, chưa chắc lương cao đã để dành được. Vậy là bà quyết định duy trì lớp dạy thêm tiếng Anh.
Ông không dạy học nhưng có nghề tay trái viết báo nên vẫn tiếp tục việc của mình. Ông nói, là cách để con cái không nặng gánh phải chu cấp cho cha mẹ. Lại thêm, con trai ông đi học nước ngoài và ở lại làm việc, cuộc sống chưa thoải mái lắm, trước đây mỗi tháng cậu gửi về tặng bố mẹ 200 đô, giờ ông quyết định không nhận nữa, ông bà tự lo, giảm tải cho con.
- Xem thêm: An phận già!
Đây không phải là trường hợp hiếm. Rất nhiều cha mẹ khẳng định họ còn tiếp tục làm việc không chỉ để vui mà còn là cách không dựa dẫm con cái về kinh tế. Không những thế, họ còn hỗ trợ con khi cần thiết, mà nhà cửa là một ví dụ, có an cư mới lạc nghiệp!
Nước mắt muôn đời chảy xuôi. Thời buổi đồng tiền khó kiếm, chẳng cha mẹ nào dám chắc như đinh đóng cột “đời cua cua máy, đời cáy cáy đào”. Mỗi người mỗi ý, tuy nhiên tâm lý chung của cha mẹ còn lo được cho con là hạnh phúc, đó cũng là một trong những kiểu “hưởng thụ” cuộc sống, chẳng ai muốn sống nhờ khi mình còn khỏe cả!
Có con cái hiểu được, cũng có con cái cố tình không hiểu. Mới thấy, phải chăng, chính việc con cái hiểu và thương cha mẹ là đã giúp cha mẹ hưởng thụ tuổi già rồi. Cha mẹ cũng chỉ cần có thế!