Trong Hội nghị châu Á – Thái Bình Dương (APK) lần thứ 14 – Hội nghị quan trọng nhất của các doanh nghiệp Đức tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương vừa diễn ra vào tuần cuối tháng 11 tại TP.HCM đã mở ra nhiều cơ hội lớn trong việc tăng cường quan hệ kinh tế, đầu tư thương mại giữa các nước trong khu vực. Đặc biệt với nước chủ nhà Việt Nam, các doanh nghiệp Đức thừa nhận đây là một thị trường tiềm năng, là một trong những đối tác chính của Đức trong khu vực. Chính vì vậy họ sẽ có kế hoạch mở rộng đầu tư mạnh mẽ hơn bằng những dự án cụ thể.
Sự xuất hiện của Tập đoàn NürnbergMesse
NürnbergMesse là tập đoàn tổ chức hội chợ nổi tiếng toàn cầu và có bề dày kinh nghiệm. Ở khu vực châu Á, NürnbergMesse đã có hai công ty con là NürnbergMesse China và NürnbergMesse India hoạt động tốt trong thời gian qua. Tuy nhiên, do thấy được tiềm năng của khu vực này nên NürnbergMesse quyết định đầu tư mạnh hơn nữa. Trong chiến lược mở rộng thị trường châu Á, Việt Nam là một lựa chọn cho điểm đến mới của họ. Đó là lý do NürnbergMesse đã ký kết hợp đồng với Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (GIC) tại Việt Nam để GIC đảm nhiệm việc làm nhà đại diện của NürnbergMesse tại Việt Nam. Như vậy, với trên 50 đơn vị đại diện ở nước ngoài, NürnbergMesse đã có mặt tại hơn 100 nước trên thế giới.
Nhiệm vụ chính của các cơ quan đại diện nước ngoài của NürnbergMesse là tìm kiếm và hỗ trợ các đơn vị tham gia triển lãm. Từ những năm 1980, NürnbergMesse đã tạo dựng mối quan hệ với các đối tác nước ngoài và trong suốt ba thập niên qua, mạng lưới này liên tục được mở rộng. Thực tế, các cơ quan đại diện nước ngoài không chỉ hỗ trợ, giúp nâng tầm cấp quốc tế của một triển lãm, mà họ còn kết nối các mối quan hệ giữa nhà tổ chức với các công ty trưng bày triển lãm và khách tham dự từ đất nước của họ.
Với tư cách là nhà tổ chức hội chợ quốc tế, NürnbergMesse không ngừng phát triển và đặt kỳ vọng cao vào Hội nghị châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 14 tại Việt Nam. Trong khuôn khổ hội thảo, hơn 700 khách tham dự cùng cam kết đẩy mạnh mối quan hệ thương mại song phương giữa Đức và các nước. Ông Marko Walde – Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức, đồng thời là người đại diện của NürnbergMesse tại Việt Nam đã khẳng định: “Hội nghị châu Á – Thái Bình Dương là nơi tập hợp tất cả các cơ quan đại diện quan trọng tại châu Á. Đây là một cơ hội lớn cho chúng tôi để giới thiệu rộng rãi về các hội chợ, triển lãm được tổ chức bởi NürnbergMesse. Sau hội nghị, nếu nhiều nhà triển lãm đến từ châu Á tham dự triển lãm của NürnbergMesse thì chúng tôi đã thành công”.
Đến công ty logistics
Ông Klemens Rethmann, Tổng giám đốc Tập đoàn Rhenus Rhenus cho biết sẽ thành lập công ty độc lập tại Việt Nam, trụ sở tại TP.HCM. Đây là thông báo của ông bên lề chuyến thăm của ông Sigmar Gabriel, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Năng lượng CHLB Đức tại Hội nghị Doanh nghiệp Đức ở châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 14.
Cho đến nay, nhà cung cấp dịch vụ hậu cần Âu Á luôn thực hiện các dự án ở Việt Nam thông qua sự hợp tác với các đại diện chọn lọc tại các quốc gia sở tại. Mới từ năm nay, việc tham gia cổ phần với 100% vốn nước ngoài bắt đầu được phép thực hiện tại Việt Nam. Để đảm bảo cho công ty mới hoạt động thành công, ông Peter Schupbach, nhà quản lý hậu cần và chuyên gia công nghiệp người Thụy Sĩ có 15 năm kinh nghiệm làm việc tại Việt Nam được tuyển chọn vào vị trí giám đốc điều hành. Ông Klemens Rethmann cho biết: “Chúng tôi đã mở rộng phạm vi hoạt động của mình ở châu Á một cách mạnh mẽ như Singapore, Thái Lan, Myanmar… Tuy nhiên, chúng tôi vẫn còn thiếu một công ty độc lập trong khuôn khổ mạng lưới Đông Nam Á. Trong khối ASEAN, Việt Nam là một đối tác quan trọng và ổn định, ngày càng mở cửa rộng hơn. Với việc thành lập công ty mới, trong tương lai chúng tôi có thể cung cấp một mạng lưới dày đặc hơn và thuận lợi hơn trong việc mở rộng thêm các dịch vụ của mình”. Tính chung đến hết tháng 10, Đức có 239 dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký 1,34 tỉ USD, đứng thứ 22 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Đức cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong khối EU với kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều hằng năm đạt xấp xỉ 10 tỉ USD.
Các dịch vụ vận chuyển cho đến nay của Rhenus tại Việt Nam bao gồm việc trao đổi hàng hóa giữa châu Á và châu Âu cũng như trong phạm vi châu Á như với Nhật Bản, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Singapore… Phần lớn khách hàng đến từ các lĩnh vực công nghiệp dệt may, điện tử, hóa chất, chế tạo máy… Bên cạnh hoạt động kinh doanh chủ chốt thuộc lĩnh vực vận chuyển hàng hải và hàng không, trong tương lai Rhenus cũng sẽ cung cấp các dịch vụ hậu cần hợp đồng cho các lĩnh vực công nghệ cao và y tế. Riêng tại Việt Nam, sau trụ sở tại TP.HCM, Rhenus có kế hoạch sẽ mở rộng thêm tại các địa điểm khác như Hà Nội, Đà Nẵng…
Thanh An (DNSGCT)