Sự cố mất điện hy hữu trưa ngày 20-11 tại sân bay Tân Sơn Nhất rất được dư luận quan tâm. Sự cố xảy ra khiến các radar không thu phát được tín hiệu trong hơn một giờ, buộc hàng loạt chuyến bay phải thay đổi hành trình.
Trong thời gian mất điện, màn hình radar ghi nhận có 54 chuyến bay đang hoạt động trong vùng FIR do Trung tâm Kiểm soát đường dài TP. Hồ Chí Minh quản lý bị ảnh hưởng. Các chuyến bay từ các sân bay khác như Nội Bài, Tam Á, Phnom Penh, Singapore, Kuala Lumpur… đến sân bay Tân Sơn Nhất đều phải tạm hoãn cất cánh, nếu đã bay lên thì quay trở lại sân bay khởi hành hoặc hạ cánh tại sân bay dự bị. Tính ra, có cả trăm chuyến bay bị chậm khởi hành, hàng ngàn hành khách bị ảnh hưởng. Sự cố này ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của ngành hàng không Việt Nam vì chỉ cần có va chạm máy bay thì các hãng hàng không trên thế giới có thể không lập tuyến bay đến sân bay Tân Sơn Nhất nữa.
Chắc chắn là sân bay Tân Sơn Nhất có phương án dự phòng, nhưng khi sự cố xảy ra thì phương án dự phòng không hoạt động. Nguyên nhân mất điện được quy về việc mất nguồn cung cấp điện từ các thiết bị cung cấp điện dự phòng (hỏng cả ba bộ thiết bị lưu điện UPS) dành cho hệ thống thiết bị điều hành bay tại Trung tâm Kiểm soát đường dài TP.HCM và Cơ quan Kiểm soát tiếp cận Tân Sơn Nhất (AACC Hồ Chí Minh). Cũng cần biết rằng các hãng bán thiết bị đó phải được Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) công nhận và nhà sản xuất cam kết đảm bảo thiết bị phục vụ tốt cho việc điều hành bay. Sau khi mua và lắp đặt xong, thiết bị còn phải qua kiểm tra, giám sát và cấp phép mới được hoạt động. Trong quá trình vận hành thiết bị, phải có quy trình khai thác, quy trình bảo dưỡng hằng ngày và chế độ chuyển mùa hằng năm. Thế mà sự cố vẫn cứ xảy ra một cách rất khó lý giải ngay cả với chuyên gia trình độ cao trong ngành. Ngày 21-11, Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu Tổng công ty Quản lý bay tạm thời đình chỉ nhân viên kỹ thuật, kíp trưởng kíp trực nguồn điện để phục vụ công tác điều tra sự cố. Một đoàn điều tra đã được thành lập với thành phần là các chuyên gia đầu ngành về kỹ thuật và kiểm soát không lưu với nhiệm vụ làm rõ nguyên nhân sự cố, đề xuất các biện pháp hiệu quả để đảm bảo an toàn hoạt động bay, có báo cáo trước ngày 29-11. Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cũng yêu cầu các cơ quan liên quan khẩn trương điều tra, làm rõ trách nhiệm của những người liên quan và xử lý thật nghiêm nếu có vi phạm. Bước đầu, năm cán bộ của Công ty Quản lý bay miền Nam (trong đó có một phó giám đốc) đã bị đình chỉ công tác.
Nguyễn Thắng