Israel được biết đến là một đất nước nhỏ bé, có điều kiện tự nhiên vô cùng khắc nghiệt, khí hậu khô hạn quanh năm, 70% diện tích lãnh thổ là sa mạc, phần còn lại là đất đá, đồi trọc. Một đất nước chỉ có 8 triệu dân và 70% diện tích lãnh thổ là sa mạc, không hề có “rừng vàng, biển bạc” lại có thu nhập bình quân đầu người tính theo sức mua đạt 37 ngàn USD, GDP đạt khoảng 291 tỉ USD (gấp 22 lần GDP của Việt Nam) và được mệnh danh là “thung lũng Silicon” của thế giới trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghệ nước.
“Yếu tố khiến Israel giành được những thành tựu đáng kinh ngạc là tinh thần khởi nghiệp luôn được đặt lên hàng đầu. “Đây là điều mọi quốc gia đều có thể học hỏi được, nhất là Việt Nam”, Giáo sư Shlomo Maital, học giả nổi tiếng thế giới về quản trị sự sáng tạo, 20 năm giảng dạy tại Trường Quản lý Sloan thuộc Viện Đại học MIT (Hoa Kỳ), nói trong buổi tọa đàm về “Kinh nghiệm Sáng tạo và Khởi nghiệp từ Israel” do Trường Doanh nhân PACE tổ chức vào trung tuần tháng 11 vừa qua.
Thời báo The Economist nổi tiếng của thế giới nhận định: “Israel là một quốc gia với số lượng công ty khởi nghiệp sản xuất công nghệ cao và một nền công nghiệp đầu tư mạo hiểm bình quân đầu người hơn hẳn các nước khác trên thế giới”. Ở Israel, người ta chào đón một loại virus là khởi nghiệp. Virus khởi nghiệp lan truyền rất nhanh, được sự hỗ trợ nhiệt tình của những công ty đã thành công và tạo thành một mạng lưới doanh nghiệp liên kết chặt chẽ với nhau.
Chẳng hạn như Công ty RAD Data Communications (RAD), do anh em nhà Zisapel thành lập năm 1981. Ông Yehuda Zisapel, Chủ tịch RAD, đã khuyến khích các nhân viên giỏi của công ty rời khỏi RAD để khởi nghiệp cho riêng mình. Ông còn giúp những nhân viên cũ khởi nghiệp cả về kỹ thuật và tài chính. Đến nay, đã có 128 công ty được thành lập tạo thành mạng lưới gắn kết hỗ trợ nhau từ ý tưởng ban đầu của vị chủ tịch RAD. Chúng ta thường lo lắng là những người giỏi thành lập công ty riêng và quay lại cạnh tranh với chính công ty chúng ta.
Nhưng GS Shlomo Maital cho rằng: “Hãy khuyến khích họ thành lập công ty riêng nếu họ đủ mạnh. Hãy động viên họ làm bất cứ điều gì họ thích, thậm chí là cạnh tranh với chính bạn. Việc cạnh tranh luôn luôn mang lại những điều tích cực và giúp chính công ty phát triển tốt hơn”. Việc khởi nghiệp luôn rất khó khăn và có rất nhiều người thất bại. Có một số quốc gia, việc thất bại được xem như là điều xấu hổ. Nhưng tại Israel, đó lại là một nét văn hóa có tên gọi là “thất bại có tính xây dựng” hay “thất bại thông minh”.
Giới doanh nhân Israel tin rằng nếu không thông cảm với hàng loạt những thất bại trong khởi nghiệp và kinh doanh thì sẽ khó lòng có được những sự đổi mới thật sự. Mọi rủi ro trong kinh doanh nếu được giải quyết một cách thông minh, đều có thể là những bài học kinh nghiệm đáng giá. Israel được miêu tả là một quốc gia có lòng bao dung với sự thất bại, là quốc gia của những người được tái sinh. Điều này được chứng minh qua chính sách luật bảo hộ phá sản và thành lập doanh nghiệp của Israel.
Từ đó, đất nước này trở thành một trong những quốc gia tốt nhất thế giới để khởi nghiệp, kể cả khi doanh nghiệp cũ bị phá sản, đồng nghĩa với người Israel luôn tìm kiếm cơ hội mới. “Một xã hội không cho phép sự thất bại thì sẽ không có sự sáng tạo. Không có sáng tạo thì không thể khởi nghiệp. Nếu một quốc gia, một doanh nghiệp cho thất bại như một bước đi tới thành công thì chúng ta sẽ có cơ hội thành công rất lớn”, GS Shlomo Maital nói. Năm 2007, Shai Agassi, sáng lập viên và giám đốc điều hành của dự án Better Place với tham vọng sản xuất xe hơi điện để loại trừ sự phụ thuộc vào dầu mỏ.
Đến nay, có thể nói dự án này không thành công nhưng tại Israel, không có bất cứ ai nói về thất bại của Shai ngoại trừ vài ý kiến cho rằng Shai tiêu nhiều tiền quá. GS Shlomo Maital chia sẻ một trường hợp được gọi là thất bại vinh quang tại quốc gia Do Thái này bởi những người tham gia dự án này học được rất nhiều khi tiếp xúc với những công nghệ mới. GS Shlomo Maital kết luận: “Với hơn 400 trường đại học, Việt Nam là đất nước của những học giả và của doanh nhân khởi nghiệp. Tuy nhiên, khởi nghiệp không dành cho tất cả mọi người mà chỉ dành cho một số ít người giàu đam mê, đủ sáng tạo và dũng cảm. Bạn không cần phải khởi nghiệp theo phong cách Israel hay thung lũng Silicon. Hãy là một người khởi nghiệp Việt Nam”.