Đầu tuần qua, Thủ tướng Anh David Cameron khẳng định bất kể điều gì xảy ra chăng nữa, nước Anh vẫn sẽ sẵn sàng rời Liên minh châu Âu (EU). Trong chiến dịch xoa dịu sự bất bình từ những nhà làm luật thuộc đảng Bảo thủ của mình và chiếm lại sự ủng hộ từ những cử tri phía cánh tả là đảng Độc lập vốn chống lại EU, ông Cameron cam kết sẽ xét lại mối quan hệ Anh – EU thông qua kết quả cuộc bỏ phiếu được tiến hành vào năm 2017 nếu ông tái đắc cử chức thủ tướng trong năm 2015. Trong khi đó, đại diện phía ủng hộ EU, lãnh đạo đảng Lao động Ed Miliband cho rằng động thái kêu gọi người Anh từ bỏ EU của ông Cameron có thể sẽ khiến Anh mất đi hàng triệu việc làm và gây ra sự thiếu ổn định trong hoạt động thương mại của nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới. Bởi EU chính là đối tác mậu dịch lớn nhất của London, việc đảng Bảo thủ quyết tâm cắt đứt mối liên hệ trực tiếp với EU vô tình sẽ cắt đứt luôn cửa ngõ trực tiếp vào thị trường bao gồm 500 triệu người tiêu dùng tại đây và do đó lợi ích quốc gia sẽ bị tổn hại nghiêm trọng. Theo ông Miliband, cố gắng sử dụng việc thoát ly EU như một lời đe dọa thật sự sẽ làm giảm đi ảnh hưởng của London tại EU hơn là đề cao giá trị của nước Anh trong mắt người dân lục địa già và rõ ràng thủ tướng Anh đang đặt hoạt động kinh doanh, thị trường việc làm và tài sản của nước Anh vào một ván bài chính trị tự thách thức vị trí thành viên của mình với EU.
Đáp trả sự chỉ trích của đối thủ, ông Cameron khẳng định tương lai của nước Anh ở lại EU sẽ không mang đến một kết quả tốt đẹp và đó là lý do của sự thay đổi. Trong những tháng qua, đương kim thủ tướng Anh đã liên tục tham gia những cuộc tranh luận cùng các thành viên EU khác về vấn đề lãnh đạo bộ phận hành pháp, vai trò của Cao ủy châu Âu, ngân sách khu vực và thậm chí đưa ra lời cảnh báo với lãnh đạo của các quốc gia thuộc EU khác về khả năng hạn chế di dân trong nội bộ khối. Ngoài ra, từ đầu tuần qua, Chính phủ Anh cũng đã quyết định áp dụng trở lại bộ luật về tội phạm và công lý do EU soạn thảo sau một đợt bỏ phiếu trong quốc hội. Đảng của ông Cameron cũng đã phản đối quyết liệt việc áp dụng Luật áp giải châu Âu (EAW) vì cho rằng không cần thiết, nhưng trước sự ủng hộ mạnh mẽ từ đảng Lao động và đảng Tự do dân chủ, London từ nay sẽ tuân theo luật pháp châu Âu khi xét xử và bắt giữ nghi can thuộc các nước thành viên EU.
Lâm Kiên theo Reuters