Đặt chân lên Côn Đảo, dạo quanh những con đường ven biển là thấy ngay những hàng cây bàng cổ thụ rợp bóng xanh mát, có lá và quả to hơn bàng ở những nơi khác. Từ hạt bàng, người dân đảo đã làm thành đặc sản phục vụ du khách.
Hầu như ai đến Côn Đảo cũng từng nhâm nhi nắm hạt bàng thơm thơm, beo béo, để rồi trong những món quà mang về đất liền không thể thiếu món mứt hạt bàng. Từ nhiều năm qua, sản phẩm từ hạt bàng đã góp phần tạo thêm thu nhập cho người dân đảo.
Khi quả bàng chín rụng xuống đường, chỉ việc nhặt về phơi khoảng ba, bốn nắng, sau đó tách lấy hạt, nếu không tự chế biến thì có thể bán lại cho các cơ sở thu mua. Cửa hàng Lâm Thủy của gia đình anh Sơn trên đường Nguyễn An Ninh làm mứt bàng có hơn mười năm. Anh cho biết làm mứt bàng ngó đơn giản vậy mà tốn nhiều công. Hạt bàng sau khi phơi được tách lấy nhân.
Khâu đập tách vỏ cũng đòi hỏi phải có kỹ thuật nhuần nhuyễn, lực chỉ vừa đủ để bể lớp vỏ, mạnh tay sẽ làm bể hạt. Mỗi quả bàng có một hạt be bé dài cỡ đốt tay, có lớp vỏ lụa màu nâu cánh gián. Người giỏi nghề mỗi ngày đập khoảng 50kg quả mới được khoảng một ký nhân. Gọi là mứt nhưng thật ra là hạt bàng được rang mặn hoặc rang ngọt tương tự rang hạt điều, đậu phộng. Loại ngọt có chút vị cay của gừng để uống trà, còn loại mặn nhâm nhi cùng ly bia thú vị hơn.
Chị Hương theo chồng là lính ra đảo lập nghiệp, vừa là cô giáo vừa là thợ may lại làm cả mứt bàng. Theo chị, gừng làm mất đi vị của hạt bàng nên chỉ khi có khách yêu cầu thì chị mới làm, còn bình thường chị chỉ rang mộc với muối. Mỗi mẻ rang khoảng vài ký, phải đảo thật đều tay để hạt chín vàng đều, không bị cháy. Hạt bàng rang được đóng hộp 250gr, 500gr hoặc đóng gói hút chân không khá đẹp mắt, giá khoảng 200.000-400.000 đồng tùy thời điểm, có lúc du khách đông không đủ để bán.