Sau khi công bố “Sách trắng Quốc phòng 2014”, Bộ Quốc phòng Nhật Bản ngày 29-8 đã trình mức dự thảo ngân sách quốc phòng kỷ lục 5.050 tỉ yen (48,7 tỉ USD) cho năm tài khóa 2015 tính từ tháng 4, khi Thủ tướng Shinzo Abe quyết định tăng cường phòng thủ các đảo hẻo lánh ở biển Hoa Đông trong cuộc tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.
Tăng khả năng phòng thủ
Theo Bộ Quốc phòng Nhật, trong tương lai không xa năng lực phòng thủ sẽ được tăng cường tối đa qua một chương trình mua sắm lớn.
Số tiền tăng từ ngân sách quốc phòng sẽ dùng để mua sáu chiến đấu cơ tàng hình F-35 của hãng Lockheed Martin Corp (Mỹ), 20 máy bay tuần tra P-1 của Kawasaki Heavy Industries Ltd (Nhật).
Một phần tiền dùng để cải thiện tốc độ, khả năng phát hiện và tấn công của loại máy bay P-3C hiện tại.
Khoảng 64,4 tỉ yen sẽ được dùng để nâng cấp tàu ngầm Soryu kỹ thuật cao, để nó có thể lặn dưới biển lâu hơn các tàu cùng lớp. Tàu này có hệ thống đẩy sử dụng lithium-ion bền lâu, thay loại pin sử dụng oxygen lỏng để chạy động cơ diesel, cho phép tàu lặn dưới biển khoảng hai tuần.
Nhật cũng muốn trang bị máy bay không người lái (UAV) do thám và máy bay cánh quạt thẳng đứng (giúp cất cánh và hạ cánh như trực thăng) vì Nhật cần tăng cường hoạt động tuần tra và triển khai quân.
Bộ Quốc phòng Nhật đang thương lượng mua loại máy bay V-22 Osprey của Boeing mà quân đội Mỹ trú đóng tại Nhật đang sử dụng.
Ngân sách quốc phòng này cũng dùng để mua đất ở đảo Amami, giữa Okinawa và Kyushu, để xây một căn cứ quân sự khác.
Bộ Quốc phòng Nhật còn dè chừng CHDCND Triều Tiên nên muốn mua chiếc khu trục hạm thứ 7 có trang bị hệ thống Aegis chống tên lửa đạn đạo.
Sau khi trình dự thảo ngân sách quốc phòng này, hai bộ Quốc phòng và Tài chính Nhật sẽ thương lượng nhiều vòng, trước khi được chính phủ Nhật đưa vào dự thảo tổng ngân sách năm 2015 vào cuối năm nay, mà nếu được thông qua đó sẽ là khoản chi quốc phòng lớn nhất với mức tăng 3,5% và là mức tăng lần thứ ba liên tiếp từ khi ông Abe nắm quyền hồi tháng 12-2012.
Động thái trên khiến Trung Quốc lên án Thủ tướng Abe muốn phục hồi chế độ quân phiệt Nhật, trong khi phía Nhật nói rằng việc tăng ngân sách quốc phòng chẳng qua là phản ứng lại với việc hiện đại hóa quân sự quá nhanh của Trung Quốc, vốn đã qua mặt Nhật từ khi trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đã tăng gấp bốn lần trong 10 năm qua, đạt 808 tỉ nhân dân tệ (132 tỉ USD), tức gấp ba lần khoản chi quốc phòng của Nhật hiện nay.
Thế nhưng đằng sau quyết tâm tăng sức mạnh quân sự của Nhật phải chăng chỉ vì mối đe dọa Trung Quốc và cả Triều Tiên?
Lo ngại Mỹ không bảo vệ Nhật
Mới đây trong nhiều cuộc phỏng vấn của hãng Reuters với các cố vấn của ông Abe, các chính trị gia và chuyên gia an ninh, thì có một sự thật khác được hé lộ. Đó là Nhật lo ngại một ngày nào đó Mỹ sẽ không thể hoặc không muốn bảo vệ Nhật Bản.
Mối lo này trở thành động lực cho chương trình tăng sức mạnh hải quân và không quân của Nhật, cùng lúc với quá trình nới lỏng dần các quy định cấm hành động quân sự được quy định trong hiến pháp Nhật Bản.
Những chính trị gia Nhật theo đường lối bảo thủ như ông Abe từ lâu đã mong muốn có sự tự chủ hơn nữa trong quan hệ với Mỹ, tuy nhiên chính họ cũng đã có những hoài nghi rằng liệu Nhật – nước đang có 50.000 lính đồn trú Mỹ – có thể tự tách ra đứng một mình hay không?
Bên cạnh tăng năng lực quốc phòng, Nhật cũng đang tìm kiếm các mối quan hệ an ninh thân thiết hơn với các nước Đông Nam Á, Ấn Độ, Australia và cả Nga để đề phòng trường hợp sự hỗ trợ quân sự từ Mỹ bị suy giảm.
Người Mỹ có lẽ cũng nhận ra sự lo ngại này nên Washington đã liên tục trấn an Tokyo rằng liên minh quân sự keo sơn suốt sáu thập niên qua là vững chắc.
Bất chấp những lời cam kết, thậm chí cả quyết định của Tổng thống Mỹ Obama về việc tái cân bằng chiến lược tới châu Á – Thái Bình Dương, Tokyo vẫn lo ngại. Điều này xuất phát từ nhận thức ở Nhật rằng vị thế siêu cường của Mỹ đang suy giảm trong khi mối giao thương Mỹ – Trung ngày càng tăng về độ lớn và tầm quan trọng.
Trong cuộc tranh chấp các đảo trên biển Hoa Đông, Mỹ từng tuyên bố không đứng về bên nào giữa Nhật và Trung Quốc mặc dù công nhận quyền quản lý hiện hữu của Nhật đối với các đảo.
Mối lo ngại về sự yếu đi trong quan hệ liên minh Mỹ – Nhật là một trong các lý do dẫn đến chủ trương của ông Abe, người thừa hưởng quan điểm bảo thủ từ ông ngoại là Nobusuke Kishi vốn luôn mong muốn có mối quan hệ cân bằng hơn với Mỹ.
Trước thực tế là Tổng thống Obama đang cắt giảm ngân sách quốc phòng, Mỹ gặp rắc rối trong điều hành quốc nội, bị phân tán bởi khủng hoảng Trung Đông, thì chủ trương của Thủ tướng Nhật Abe ngày càng được tín nhiệm. Michael Green, Chủ tịch Ban nghiên cứu Nhật Bản tại Viện Chiến lược và Quốc tế Washington, nhận xét rằng “Abe ủng hộ Mỹ nhưng ông ấy cũng chủ trương để Nhật Bản có sự tự chủ lớn hơn”.
Gần đây, Nhật và Mỹ đã bắt đầu xét lại các quy định về hợp tác phòng thủ. Washington lâu nay khuyến khích Nhật đảm nhận vai trò lớn hơn nữa trong việc chia sẻ gánh nặng về an ninh, điều mà các nhà làm chính sách ở Tokyo hy vọng nếu làm được, họ sẽ có được sự hỗ trợ chắc chắn của Mỹ.
Trong tình huống đồng minh Mỹ rút đi thì người Nhật phải xem xét làm sao để có đủ khả năng đánh trả hiệu quả các cuộc tấn công của kẻ thù.
Trung Quốc nghĩ gì?
Tuy nhiên, với ý định thay đổi các quy định về phòng thủ chung, ông Abe phải có những bước tính toán thận trọng để không bị Trung Quốc coi là gây hấn và Mỹ đánh giá là không đáng hoan nghênh.
Báo chí Trung Quốc hai tháng trước đưa tin, trước tình hình vô cùng căng thẳng ở biển Hoa Đông, để tăng cường phòng thủ các hòn đảo ở phía tây nam, Nhật Bản đã tích cực sản xuất trang bị quân sự hiện đại để chuẩn bị đối phó với nước này.
Mới đây, Trung Quốc vừa công bố “Báo cáo đánh giá sức mạnh quân sự Nhật Bản 2013” và khẳng định để có thể tăng cường khả năng đối đầu với Trung Quốc, Nhật Bản sẽ nhanh chóng sở hữu ba tàu sân bay hạng nhẹ.
Báo cáo Trung Quốc dùng lời lẽ mạnh mẽ cho rằng, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đang tích cực chuẩn bị “tác chiến đoạt đảo”, có ý đồ “ăn cướp đảo Điếu Ngư – lãnh thổ Trung Quốc” và trong một số kế hoạch diễn tập cụ thể đã coi Trung Quốc là “đối tượng tác chiến”.
Liên tưởng đến việc dỡ bỏ lệnh cấm quyền tự vệ tập thể cách đây không lâu, báo cáo của Trung Quốc quy kết “Nhật Bản mở đường đầy đủ cho phục hồi chủ nghĩa quân phiệt”. Theo đó, Nhật Bản tăng mạnh chi tiêu cho nghiên cứu phát triển công nghệ quân sự, chi phí dành cho mua sắm vũ khí trang bị của Lực lượng Phòng vệ cũng đã đạt mức cao chưa từng có. Biết rõ xung đột biển Hoa Đông không tách khỏi máy bay chiến đấu và tàu chiến nên Chính phủ Nhật Bản đã lần lượt đầu tư trong mua sắm các loại trang bị này.
Đồng thời, báo cáo nhận định động thái tăng cường vũ khí trang bị của Nhật Bản chủ yếu bao gồm mấy phương diện dưới đây:
– Thứ nhất, nâng cao khả năng tác chiến trên biển với tàu khu trục mang theo máy bay trực thăng cỡ lớn lớp 19.500 tấn tên là Izumo dự kiến chính thức đi vào hoạt động năm 2015. Cùng với hai tàu chiến cỡ lớn lớp Hyuga đã đi vào hoạt động trước đó, Nhật Bản trên thực tế sẽ nhanh chóng sở hữu ba tàu sân bay trực thăng. Nếu mang theo máy bay chiến đấu F-35, những tàu chiến này sẽ có thể trở thành tàu sân bay thực sự.
– Thứ hai, thúc đẩy phát triển vượt bậc lực lượng không chiến, nghiên cứu chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ mới. Tháng 8-2013, tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi đã hoàn thành tổ chức bay thử nghiệm của máy bay chiến đấu Shinshin do Nhật Bản tự thiết kế, đánh dấu nước này đã bước vào giai đoạn mới trong tự nghiên cứu phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm.
– Thứ ba, đẩy nhanh đổi mới xe tăng chiến đấu Type 10 có tính cơ động và hỏa lực mạnh hơn, đồng thời đặt mua lượng lớn xe chở quân bọc thép đáp ứng nhu cầu điều động quy mô lớn trong những thời điểm quan trọng.
Mặt khác, để thành lập Thủy quân lục chiến, Lực lượng Phòng vệ Mặt đất có kế hoạch nhập khẩu xe chiến đấu đổ bộ AAV7 do Mỹ chế tạo.
Cuối cùng, Nhật Bản đẩy nhanh nâng cấp máy bay tuần tra, máy bay cảnh báo sớm, máy bay do thám không người lái và radar, tăng cường hệ thống giám sát, kiểm soát trên biển – trên không, nhất là ở vùng biển tây nam.
* * *
Trong tương quan sức mạnh quân sự khu vực châu Á, Nhật có thể được xếp vào hàng đầu bảng. Trung Quốc hoàn toàn yếu thế so với Nhật về khoa học kỹ thuật lẫn khoa học quân sự, đặc biệt trình độ kỹ thuật quân sự còn kém Nhật đến hàng thập niên. Gần 100 năm trước, Nhật đã có thể không chỉ tự đóng tàu sân bay mà còn thử nghiệm thực tế chiến trường với những trận hải chiến ngang dọc dậy sóng Thái Bình Dương từ thời Thế chiến thứ nhất.
Cựu cố vấn cấp cao Singapore Lý Quang Diệu từng nhận định không lực lượng hải quân châu Á nào có thể đọ nổi với hải quân Nhật. Với bề dày lịch sử về kỹ thuật hàng hải và kỹ thuật đóng tàu của Nhật, điều đó chẳng có gì lạ. Hiện tại, Nhật có số tàu chiến hơn gấp đôi Hải quân Hoàng gia Anh và tàu ngầm gấp đôi Hải quân Pháp.
Nhật có một lực lượng hải quân được trang bị khả năng chống tàu ngầm thuộc loại mạnh nhất châu Á được tổ chức thành bốn hạm đội, gồm bốn khu trục hạm Kongō, ba tàu chiến siêu tốc Towada và 16 tàu ngầm – tất cả đều được kết nối hệ thống điện tử liên lạc đồng bộ với 100 máy bay tuần tra Lockheed P-3 Orion.
Qua đó, các chuyên gia quân sự quốc tế đều thống nhất nhận định, tuy số lượng vũ khí, trang bị của Nhật ít hơn Trung Quốc nhưng chất lượng hơn hẳn, hoàn toàn có khả năng đánh bại lực lượng tác chiến không – hải nhất thể của Trung Quốc trong một cuộc chiến trên biển.