Nghị quyết 61/NQ-CP ngày 21-8 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7-1-2013 đã khắc phục được một số vướng mắc của nghị quyết trước đây, đồng thời nới lỏng hơn gói tín dụng 30 ngàn tỉ đồng.
Theo chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030, giải quyết vấn đề nhà ở là trách nhiệm của cả Nhà nước, xã hội và người dân. Chiến lược này chú trọng phát triển đồng bộ cả nhà ở thương mại nhằm đáp ứng nhu cầu cho các đối tượng khá giả, có khả năng thanh toán theo cơ chế thị trường và nhà ở xã hội – là nhà ở có sự hỗ trợ bằng tiền hoặc thông qua cơ chế, chính sách ưu đãi của Nhà nước – để giải quyết chỗ ở cho các nhóm đối tượng gặp khó khăn, không đủ khả năng tự tạo lập nhà ở. Thực hiện chủ trương này, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP (ngày 7-1-2013) và giao Ngân hàng Nhà nước dành một lượng vốn (gói tín dụng 30 ngàn tỉ đồng) thông qua tái cấp vốn với lãi suất hợp lý để hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại phục vụ cho các đối tượng thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vay để thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2.
Sau Nghị quyết 61/NQ-CP, đối tượng được mua nhà ở xã hội sẽ mở rộng
Dù đây không phải là gói hỗ trợ từ ngân sách mà chỉ là gói tín dụng có hỗ trợ về lãi suất, nhưng nhiều người vẫn hy vọng sẽ được vay tiền với lãi suất thấp để sớm sở hữu căn nhà mơ ước, còn các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thì kỳ vọng gói hỗ trợ này sẽ giúp phân khúc nhà giá rẻ phục hồi, rồi lan sang các phân khúc khác, khối băng bất động sản dần tan chảy…
Qua hơn một năm triển khai thực hiện, gói tín dụng 30 ngàn tỉ đồng cũng có tác động nhất định đối với sự ấm lên của thị trường bất động sản. Nhiều dự án nhà ở xã hội mới được triển khai, một số dự án nhà ở thương mại được chủ đầu tư điều chỉnh cơ cấu, giảm diện tích căn hộ hoặc xin chuyển sang nhà ở xã hội. Từ sự nóng lên của phân khúc căn hộ thương mại giá rẻ, các phân khúc khác cũng bắt đầu “nhúc nhích”, đem đến một sự lạc quan cho thị trường. Tuy nhiên, nếu tính theo tiêu chí giải ngân, gói hỗ trợ này không đạt yêu cầu. Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 8-2014, mới có gần bảy ngàn người được tiếp cận với gói tín dụng này, với tổng số tiền hơn 5 ngàn tỉ đồng, dư nợ giải ngân chưa đến 3 ngàn tỉ đồng. Tiến độ thực hiện như vậy là quá chậm, làm giảm đi ý nghĩa thiết thực của gói hỗ trợ. Nguyên nhân của vấn đề này đã được phân tích nhiều, trong đó nổi bật là những vấn đề liên quan đến thời hạn cho vay, đối tượng được vay, thủ tục…
Nghị quyết 61/NQ-CP của Chính phủ đã sửa đổi thời gian hỗ trợ đối với khách hàng là hộ gia đình, cá nhân tối đa là 15 năm (thay vì 10 năm) khi vay vốn để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại tại các dự án trên địa bàn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc kéo dài thời hạn cho vay là một hành động kịp thời và hợp lý, giúp người mua nhà giảm đi áp lực về lãi suất. Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng bổ sung ba nhóm đối tượng được vay vốn, đồng thời mở rộng cả diện mua, khi mua nhà ở thương mại tại các dự án phát triển nhà ở, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị trên địa bàn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt có tổng giá trị hợp đồng mua bán (kể cả nhà và đất) không vượt quá 1,05 tỉ đồng cũng được cho vay. Nghị quyết 61/NQ-CP cũng bổ sung một số ngân hàng thương mại cổ phần do Ngân hàng Nhà nước chỉ định được tham gia cho vay gói 30 ngàn tỉ đồng. Nhìn chung, những thay đổi của chính sách lần này đã hướng vấn đề vào thực chất, là làm sao nhanh chóng giải ngân gói hỗ trợ dành cho đúng đối tượng cần được hỗ trợ. Còn sự lan tỏa vào thị trường địa ốc nếu có, hãy để thị trường kiểm chứng.
Hồng Thuận