Nguyễn Tác An, Chủ tịch Ủy ban chương trình Hải dương Liên chính phủ, là một trong không nhiều chuyên gia hải dương học được đào tạo bài bản. Ông lần lượt tốt nghiệp đại học (1964-1969), bảo vệ luận án phó tiến sĩ, (1978), rồi tiến sĩ khoa học ngành này (1989) tại Liên Xô trước đây.
Hơn bốn mươi năm gắn bó với biển, ông đã để lại dấu chân trên khắp vùng biển dọc chiều dài đất nước. Đã bước sang tuổi 65 nhưng ông vẫn còn khá dẻo dai, vẫn miệt mài nghiên cứu, tham gia nhiều hội thảo khoa học trong và ngoài nước. Nhân dịp vào TP. Hồ Chí Minh giảng dạy tại một số trường đại học, ông đã dành cho Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần một cuộc trò chuyện, mở đầu bằng một thông tin khá bất ngờ. Ông nói:
Báo chí thường viết bờ biển Việt Nam dài 3.260km, nhưng Luật biển quốc tế thì lại ghi rõ bờ biển của ta dài 3.444km. Tôi không hiểu tại sao chúng ta lại tự cắt đi của mình những gần hai trăm cây số. Về nguyên tắc, nước nào có ranh giới tiếp xúc với biển càng lớn thì nước ấy được hưởng lợi từ biển càng nhiều. Thực tế cho thấy sự phát triển của nhiều cường quốc có phần đóng góp đáng kể từ biển.
Mỹ, Anh, Nhật, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Liên Xô trước đây… hay một số nước Bắc Âu được xem là những quốc gia giàu có nhờ có những chính sách khai thác, sử dụng hiệu quả thế mạnh của biển. Nhiều nhà kinh tế cũng đã khẳng định, tham vọng về biển là tham vọng làm giàu. Sự giàu có không chỉ mang lại tiếng nói có sức nặng trên trường quốc tế mà còn là điều kiện để tạo ra những giá trị văn hóa đối với nhân loại. Theo tính toán, Việt Nam có “độ mở” cao hơn mức trung bình của thế giới.
____
Nên hiểu khái niệm “độ mở” như thế nào, thưa ông?
“Độ mở” hay “Chỉ số biển” là tỷ lệ giữa chiều dài bờ biển (3.444km) và diện tích lục địa (320.000km2). Chỉ số biển của Việt Nam khoảng 0,01 tức 1%, con số đáng tự hào. Khái niệm này chỉ rõ đặc điểm địa lý và điều kiện tự nhiên để phát triển giao tiếp với quốc tế và khai thác biển.
Theo một số thư tịch cổ cách nay khoảng 5.000 năm, Biển Đông được gọi là vùng “sừng vàng”, ngụ ý về tài nguyên ở khu vực này, mặc dù có thể lúc ấy nguồn lợi này mới chỉ được xem xét dưới góc độ là sự đa dạng của nhiều loại thổ sản, hương liệu… Cách nay khoảng 300 năm, nhiều nhà thông thái đã bàn đến sự dịch chuyển trung tâm kinh tế về vùng “sừng vàng” sau ba thế kỷ. Thực tế đang diễn ra đúng như vậy.
____
Nhưng có vẻ như vấn đề khai thác biển của chúng ta chưa tương xứng với độ mở “đáng tự hào”?
Rất đúng! Tiếp giáp trực tiếp với biển mới chỉ là cơ hội, còn tận dụng cơ hội đó như thế nào lại là chuyện khác. Cũng phải tính đến những mặt trái của việc tiếp xúc với biển. Nguy cơ thứ nhất là thiên tai. Do đặc điểm địa lý, hằng năm ven biển miền Bắc và miền Trung hứng chịu khoảng 10 cơn bão. Thứ hai là nguy cơ bị xâm lấn, mất an ninh từ biển.
Cả hai vấn đề này ngày càng diễn biến phức tạp. Một mặt là do biến đổi khí hậu, mặt khác là khi tài nguyên trên đất liền cạn kiệt thì người ta buộc phải tiến ra biển, tranh giành nhau để khai thác biển. Để khai thác tài nguyên biển, nói cách khác là phát triển kinh tế biển, cần phải hội đủ bốn yếu tố. Một là tiềm lực tài chính. Hai là khoa học công nghệ. Ba là khả năng quốc phòng và cuối cùng là có sức mạnh ngoại giao.
Chính vì vậy mà vừa mới mở rộng địa giới, Hà Nội đã đòi hỏi có Luật Thủ đô. Trong khi đất nước có 3.444km chiều dài bờ biển với vùng lãnh hải rộng 1.278.000km2 thì lại chưa thấy có một bộ luật đàng hoàng.
____
Trong khu vực Đông Nam Á, Singapore có xuất phát điểm khá thấp. Trước năm 1965 còn chưa tách khỏi Malaysia. Dù không hội đủ bốn yếu tố như ông vừa nêu nhưng sự thịnh vượng của đảo quốc có phần đóng góp đáng kể từ kinh tế biển?
Sự thành công của Singapore là nhờ khai thác tốt tài nguyên vị thế bằng cách tổ chức lãnh thổ rất khoa học. Để phát triển như mong muốn, trước hết chúng ta cần có lý luận phù hợp, kế đến có biện pháp tổ chức và cách thực hiện hiệu quả. Bài học của cha ông, trong dựng nước và giữ nước, là dựa vào dân, phải nuôi sức dân. Sống bên “núi vàng” nhưng thu nhập bình quân của ngư dân nhiều vùng ven biển quá thấp, chỉ trong khoảng ba, bốn triệu đồng/năm. Họ đánh bắt được cá nhưng trong bữa cơm lại chỉ toàn rau, mắm…
Hiện nay, nguồn thu lớn nhất của chúng ta từ biển là dầu khí. Thành tựu này có được là nhờ hợp tác quốc tế, đặc biệt với Nga, nhưng loại tài nguyên này cũng không phải là vô hạn. Nguồn lợi thứ hai là khai thác thủy sản, gồm đánh bắt ngoài khơi và nuôi ven bờ… Năm 2009, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 4,25 tỉ USD, tương đương khoảng 8% trong tổng số 58 tỉ USD xuất khẩu thủy sản của thế giới. Như vậy, trong chín lĩnh vực của kinh tế biển thì chúng ta mới khai thác được hai. Tuy nhiên, ngành quan trọng nhất trong kinh tế biển là vận tải, gồm cảng, đóng tàu, vận chuyển hàng hải… thì còn nhiều chuyện phải bàn. Vận tải được xem như trái tim của kinh tế biển. Trái tim có khỏe thì cơ thể mới khỏe.
____
Thống kê cho thấy kinh tế biển hiện đóng góp khoảng trên dưới 20% vào tổng thu nhập quốc dân (GDP). Vậy đặt mục tiêu ngành này đóng góp 50 – 55% vào năm 2020, liệu có quá lạc quan, thưa ông?
Không. Năm 2010 sắp qua. Tức là chúng ta còn chín năm nữa để cán đích. Chín năm là khoảng thời gian ngắn với một đời người nhưng cũng đủ dài để một nền kinh tế bứt phá. Chúng ta đã có mục tiêu, đã có chiến lược biển (từ 2007), nếu đề ra được chính sách đúng đắn thì kinh tế bốc lên liền bởi lẽ biển của chúng ta có nguồn lực. Trường hợp cho phép chuyển tải dầu ở vịnh Vân Phong là một ví dụ. Dịch vụ này mới được triển khai chừng bốn, năm năm gần đây, mặc dù đã có ý tưởng khá sớm, cũng đã mang lại cho Khánh Hòa nguồn thu ngân sách đáng kể.
Về kinh tế, mỗi một mét bờ biển có độ sâu trên dưới 20m, có giá trị chi phí cơ hội không dưới 1 triệu USD. Dọc bờ biển Việt Nam có nhiều vịnh với độ sâu gần bờ 15-22 mét, có thể xây dựng cảng nước sâu. Cần nhấn mạnh rằng nguồn lực biển của chúng ta còn có các bãi biển đẹp, hệ sinh thái quần xã như rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển,… đặc trưng. Hệ sinh thái đất ngập nước, thềm lục địa, các đảo ven bờ và ngoài khơi như Hoàng Sa,Trường Sa… vừa có tài nguyên quý giá, lại vừa có vị thế phòng thủ thuận lợi… Để mục tiêu 50 – 55% GDP từ kinh tế biển cán đích vào năm 2020, theo tôi, cần xác định rõ vị trí của kinh tế biển trong quá trình hưng thịnh của Việt Nam, từ đó phải có quyết tâm chính trị, phải có chính sách tương xứng. Hiện nay, đầu tư và quản lý phát triển kinh tế biển còn khá khiêm tốn.
____
Trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, việc trông chờ vào nguồn đầu tư từ Nhà nước e rằng không thực tế?
Tôi nghĩ Nhà nước chỉ nên đề xuất mục tiêu, đề ra chính sách, dựa vào các đặc điểm của nguồn lực biển ở Việt Nam, còn việc triển khai cụ thể trong các hoạt động kinh tế nên giao cho các thành phần kinh tế trong và ngoài nước.Trong phát triển kinh tế biển, phải coi trọng sự hợp tác, liên kết trong nước, khu vực và quốc tế. Nếu kêu gọi được các nhà đầu tư nước ngoài thì càng tốt. Ngoài vốn, họ còn mang theo công nghệ và khoa học quản lý, những yếu tố mà chúng ta vừa thiếu vừa yếu.
Theo tôi, sự hưng thịnh, tương lai của Việt Nam là nhờ Biển Đông. Đất liền đã quá tải. Tùy theo khu vực, hệ số sử dụng đất đã đến từ 1 đến 1,2, có vùng còn cao hơn nữa. Còn tài nguyên trên đất liền thì ngày càng cạn kiệt. Dù muốn hay không, chúng ta cũng phải tiến ra biển. Chúng ta không thể trì hoãn việc đề ra chính sách biển bởi đó là chìa khóa để thực hiện thành công chiến lược biển, để trở thành quốc gia biển mạnh và hơn nữa đấy còn là vấn đề tồn vong của đất nước.
____
Vậy mà chúng ta vẫn chưa có một bộ luật biển?
Đó là điều vô cùng đáng tiếc.Và đáng tiếc hơn nữa, là chúng ta cũng chưa có bộ luật quản lý vùng bờ biển. Trên đất liền có thể phân định bằng cách cắm mốc, nhưng trên biển thì không thể làm như vậy được. Quản lý biển và vùng bờ biển là vấn đề vô cùng phức tạp. Chúng ta đang quản lý biển và vùng bờ biển theo phương thức truyền thống: quản lý hành chính theo địa phương. Hiện có khoảng 13 bộ – ban, ngành cùng tham gia quản lý biển và ven biển. Sự chồng chéo này khiến không cơ quan nào có thực quyền, nên hiệu quả không thấy rõ ràng.
Cách tổ chức bất cập dễ khiến các đơn vị tham gia quản lý biển dễ làm việc theo lợi ích cục bộ và địa phương, có hại cho đại cuộc. Muộn còn hơn không, cần phải có những hình thức quản lý biển, bờ biển phù hợp và hiệu quả. Cần nhắc lại là phải có chính sách, những điều luật chặt chẽ, khả thi. Việt Nam rất hiểu và đánh giá cao về vai trò của các bộ luật trong quản lý. Chính vì vậy mà vừa mới mở rộng địa giới, Hà Nội đã đòi hỏi có Luật Thủ đô. Trong khi đất nước có 3.444km chiều dài bờ biển với vùng lãnh hải rộng 1.278.000km2 thì lại chưa thấy có một bộ luật đàng hoàng.
____
Cách nay một năm, chúng ta đã thành lập Tổng cục Biển và Hải đảo. Việc thành lập cơ quan này liệu có thể được xem là một tín hiệu tích cực?
Đúng là có những dấu hiệu “cải cách hành chính”. Trước đây, chúng ta từng có Bộ Thủy sản.Vừa qua, Nhà nước lại thành lập Tổng cục Biển và Hải đảo, trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tôi nghĩ cũng khó cho một cơ quan tầm cỡ tổng cục trong việc giải quyết vô vàn sự vụ liên quan đến biển và hải đảo, đặc biệt trong bối cảnh Biển Đông là trung tâm kinh tế, rất năng động và nhạy cảm về đối ngoại do luôn xảy tranh chấp và tiềm ẩn nguy cơ xung đột.
Thử nhìn lại câu chuyện về việc thành lập các ủy ban lưu vực sông. Sự ra đời của cơ quan này là tổ chức phối hợp các địa phương trên cùng một lưu vực sông để tìm tiếng nói chung trong quản lý phát triển, đồng thời tránh các nguy cơ thượng nguồn xả nước thì hạ nguồn ngập lụt. Ngược lại, hạ nguồn tổ chức chặn dòng thì thượng nguồn cũng… xính vính.
____
Trên bộ cho thuê rừng, dưới biển cho thuê mặt nước, chẳng hạn như những “thành phố” resort chạy dọc bờ biển ở nhiều địa phương như Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Thuận,… Ông nghĩ sao về thực trạng này?
Kêu gọi đầu tư vào thì phải chuẩn bị mặt bằng cho họ là chuyện đương nhiên. Nhưng vì chưa có luật quản lý bờ biển như đã nêu nên các địa phương tự xử lý theo mức độ được phân cấp. Bộ luật biển đã cấp bách, nhưng bộ luật quản lý bờ biển còn cấp bách hơn nhiều. Vấn đề này các nhà hải dương học đã kiến nghị nhiều lần nhưng vẫn chưa thấy có tiến triển, nhất là phải xây dựng “không gian sinh thái”, “không gian an sinh”… ở dọc vùng bờ biển.
Khi đó, tùy theo điều kiện cụ thể mà quy định rõ mục tiêu “sinh thái” và “an sinh” đối với phần diện tích tính từ mép nước vào với chiều rộng khoảng 20m, 50m, 100m, 200m hoặc xa hơn nữa… Khu vực này là không gian chung vì mục tiêu phát triển và ổn định xã hội, không ai được quyền chiếm dụng, cho thuê, bán hay trao đổi… Báo chí đã nói nhiều về chuyện có nhiều chủ resort sau khi có được giấy phép liền quây khu vực mặt nước trước cửa resort của mình để phục vụ cho khách hàng của họ, gây ảnh hưởng hoặc ngăn cản quyền đi lại, giao lưu của cộng đồng. Đây là việc không thể chấp nhận.
Tìm phương án phù hợp và khả thi nhằm giải quyết triệt để tình trạng này càng sớm thì đất nước và người dân càng được nhờ. Mặc dù, các resort dọc bờ biển có thể làm tăng ngân sách cho địa phương, nhưng cách quản lý không hợp lý, thiếu văn minh của các resort đã vô tình tước đi quyền lợi chính đáng và cần thiết hằng ngày của cộng đồng. Hoạt động này không chỉ vi phạm Hiến pháp Việt Nam mà còn trở thành nguy cơ lớn về sinh thái và ổn định xã hội
____
Liệu tình trạng phát triển tràn lan của resort có phải là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng ô nhiễm bờ biển ở nước ta trở nên trầm trọng như nhiều chuyên gia đã cảnh báo?
Cũng như nhiều nước chậm và đang phát triển khác, ô nhiễm ở một số vùng bờ biển Việt Nam đã đến mức báo động, mặc dù biển Việt Nam có khả năng làm sạch khá tốt nhờ chu trình sinh địa hóa và tác động xử lý của sinh vật và đa dạng sinh học biển. Tuy nhiên, khả năng này ngày càng bị bão hòa.
Ngoài sức ép từ những resort thiếu hệ thống xử lý đồng bộ, những hoạt động của các khu dân cư, công nghiệp, nông nghiệp, nhất là khu vực nuôi thủy sản, cảng biển, du lịch… cũng tác động khá mạnh lên môi trường biển. Thêm nữa, các tính toán đã chỉ ra rằng cứ nuôi được một kg tôm thương phẩm thì môi trường tự nhiên giảm 10 gram cá. Đây là một yếu tố cần lưu tâm trong quy hoạch vùng nuôi và phát triển kinh tế
Bên cạnh tài chính và khoa học, phát triển kinh tế còn phụ thuộc đáng kể vào “sức tải”. Biển cũng vậy. Theo nghiên cứu của Viện Hải dương học Nha Trang, “sức tải” của biển Việt Nam đã giảm khoảng 15% – 20%. Điều đó đã làm giảm cơ hội, chi phí cơ hội cho phát triển kinh tế. Trên thế giới, người ta đã dùng khái niệm “Ngày cạn kiệt của Trái đất” để cảnh báo về nguy cơ cạn kiệt tài nguyên, cạn kiệt sức tải của hành tinh.
Thí dụ, ngày “Cạn kiệt của Trái đất “ năm ngoái là 25/9 thì năm nay đến sớm hơn 34 ngày: 21/8/2010. Đó thực sự là nguy cơ cho sự phát triển của hành tinh. Tình trạng khá nhiều nước nghèo hiện nay chấp nhận bán quota “sức tải” cho những nước phát triển như tài nguyên, nguyên liệu thô với giá rẻ, hoặc chấp nhận cho mang phế liệu đến đổ thải… Đây là nỗi lo buồn cho những ai có hiểu biết, lương tâm.
Người Việt thường tế nhị, ngại nói thẳng vì e làm mếch lòng. Nhưng trong kinh tế, càng tế nhị chúng ta càng bị lấn át.
____
Thực tế là nhiều quốc gia trên Biển Đông gia tăng sức mạnh hải quân. Liệu đó có phải là một mầm mống của chiến tranh trên biển?
Biển Đông là khu vực xảy ra nhiều tranh chấp nhất hiện nay. Đây là tuyến vận tải quan trọng, liên quan đến lợi ích của nhiều quốc gia trong và ngoài khu vực. Tôi nghĩ khả năng xảy ra chiến tranh quân sự trên biển là khó, nhưng không loại trừ chiến tranh lạnh cũng như xung đột dân sinh. Một vấn đề cũng khiến các nhà hải dương học đặc biệt quan tâm là an ninh sinh thái.
Nước ta có hơn 20 triệu người đang sống dựa trực tiếp vào tài nguyên biển, trong đó có một triệu ngư dân thường xuyên đánh bắt hải sản ngoài khơi. Phương tiện cứu trợ, cứu nạn và bảo vệ an toàn cho họ của chúng ta còn khá thô sơ. Việc người ngư dân bất chấp rủi ro, kiên quyết bám biển không chỉ là để mưu sinh, mà còn là hành động yêu nước. Nhưng tôi có cảm giác như lòng yêu nước của ngư dân đang bị thử thách. Nếu ngư dân không thể tiếp tục bám biển thì đấy là mối đe dọa thực sự đối với sự ổn định xã hội.
- Xem thêm: Cải cách giáo dục là mệnh lệnh cuộc sống
Đấy cũng là điều mà các nhà hải dương học quan ngại nhất. Trở lại với bộ luật biển. Tôi nghĩ chúng ta cần phải công khai, có chính kiến rõ ràng hơn nữa trên trường quốc tế đối với vùng chủ quyền lãnh hải (200 hải lý tính từ bờ biển – PV), vùng chồng lấn còn tranh chấp thì giải quyết theo luật pháp quốc tế. Người Việt thường tế nhị, ngại nói thẳng vì e làm mếch lòng.
Nhưng trong kinh tế, càng tế nhị chúng ta càng bị lấn át. Nguyên nhân chính của những tranh chấp trên Biển Đông có lẽ là lợi ích kinh tế từ những tài nguyên còn chìm lấp dưới lòng biển sâu. Đã đến lúc chúng ta phải thể hiện quyết tâm chính trị trong triển khai chiến lược biển. Phải làm rạng rỡ thêm “cái phúc muôn đời do cha ông ta để lại là chủ quyền đất nước và chủ quyền biển đảo”.
____
Một vấn đề băn khoăn là liệu chúng ta có đủ lực lượng để biến quyết tâm chính trị thành hiện thực?
Đúng là nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển biển còn khiêm tốn cả về chất và lượng, nhất là khâu quản lý vĩ mô, chiến lược. Chúng ta có đào tạo được đâu. Trường đại học Hàng hải, Trường đại học Thủy sản, Trường đại học Thủy lợi và các khoa chuyên ngành ở Đại học Khoa học Tự nhiên TP. Hồ Chí Minh, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh, Đại học Khoa học Tự nhiên TP. Hà Nội, Đại học Cần Thơ có sự tham gia đào tạo của các viện nghiên cứu có truyền thống như Viện Hải dương học Nha Trang, vốn được phát triển lên từ “Sở nghề cá và Hải học Đông dương”…
Nhiều năm tham gia công tác giảng dạy, điều tôi quan tâm nhất là cơ sở vật chất phục vụ đào tạo quá khiêm tốn, khiến cho sinh viên không có điều kiện thực tập, rèn luyện kỹ năng thực hiện các công việc liên quan đến khoa học, công nghệ và kinh tế biển. Đã có một thời kỳ Việt Nam là đầu mối đào tạo nguồn nhân lực cao cấp cho nghiên cứu biển ở vùng Đông Nam Á.
Có điều kiện ra nước ngoài để phát triển các quan hệ hợp tác trong nghiên cứu biển, tham dự những hội thảo về biển, tôi đã gặp gỡ khá nhiều chuyên gia trong khu vực từng được đào tạo tại Viện Hải dương học Nha Trang giai đoạn 1959-1965. Ấn tượng của họ về Hải học viện Nha Trang (tên của viện ngày xưa ) còn rất sâu đậm.
Chính vì vậy, tôi lại muốn nhắc lại rằng phải có chính sách về biển thì chúng ta mới có thể tận dụng, khai thông được các nguồn nội lực vốn hiếm hoi và có giới hạn ở Biển Đông vì an ninh, thịnh vượng của Việt Nam.
____
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.