Trong thế giới kết nối Internet rộng khắp ngày nay, hầu hết mọi người đều yêu thích các phương tiện truyền thông xã hội, web mua sắm, ứng dụng… Để sử dụng chúng, bạn phải đổi lại bằng việc tiết lộ thông tin cá nhân.
Bạn để lại dấu vết trên trực tuyến bất cứ khi nào sử dụng Internet. Để giúp bạn không phải tốn công đăng nhập vào lần sau, các trang web sẽ đề nghị bạn ghi nhớ tên, mật khẩu. Họ cũng lưu trữ dữ liệu về sở thích của người dùng, ví dụ phim bạn muốn xem, cuốn sách bạn muốn đọc, nhà hàng bạn muốn đến. Thông qua thanh toán, mua sắm, chia sẻ… bạn tự động cho biết mọi thứ về bản thân.
Ở mặt tích cực, phân tích dữ liệu cá nhân trực tuyến của bạn là cách hiệu quả nhất để các trang web giới thiệu đến bạn những sản phẩm, dịch vụ hài lòng. Bạn cũng khỏi mất công sàng lọc. Tuy nhiên, để lại quá nhiều thông tin cũng có thể khiến bạn bị spam và ăn cắp dữ liệu riêng tư. Một số mẹo dưới đây sẽ giúp bạn tránh khỏi nguy cơ này, thoải mái thưởng thức, tận dụng các phương tiện truyền thông.
1. Chọn trang web tin cậy
Bạn được quyền lựa chọn cho phép hay không cho một trang web biết thông tin cá nhân của mình. Vì thế, trước bất cứ trang web nào yêu cầu chia sẻ dữ liệu riêng tư, hãy bỏ chút thời gian tìm hiểu xem liệu đó có phải là trang web đáng tin cậy và lý do yêu cầu chia sẻ của chúng có chính đáng.
Ví dụ, trang web của một công ty du lịch mà bạn đặt vé sẽ gửi cho bạn bảng khảo sát về sở thích, xin địa chỉ email để gửi các đề xuất. Dựa vào thông tin bạn cho biết, họ thu hẹp phạm vi lựa chọn, sau đó gửi các địa điểm tiềm năng đến email của bạn. Nhiều người rất thích điều này vì nó giúp tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, nếu đó là công ty mà bạn chưa từng nghe nói và cũng không hiểu tại sao nó lại đòi hỏi bạn phải tiết lộ thông tin cá nhân, cứ việc bỏ qua thẳng cánh.
2. Suy nghĩ trước khi nhấp vào “đồng ý”
Khi trang web nào đó đề nghị lưu mật khẩu, tên, địa chỉ, ngày sinh… của bạn, đừng vô tư nhấp vào “Đồng ý” mà hãy xem xét mức độ quan trọng, nhạy cảm của thông tin cá nhân được yêu cầu chia sẻ trước.
Nên nhớ, chỉ cần có được tên đăng nhập và mật khẩu, bất cứ ai cũng có thể truy cập tài khoản, ứng dụng của bạn. Số người biết (hoặc có khả năng sẽ biết) chi tiết tài khoản ngân hàng hay thẻ tín dụng của bạn không phải chỉ có một mình bạn. Mỗi ngày, hàng triệu người không chút ngờ vực mà trao tên, địa chỉ, số tài khoản ngân hàng để mua sắm qua mạng. Họ cũng thoải mái điền thông tin cá nhân vào các mẫu đơn trực tuyến. Dù hiện tại tài khoản của bạn vẫn an toàn, không có gì đảm bảo chúng sẽ tiếp tục an toàn trong tương lai. Rất có thể nó đã bị bán cho bên thứ ba và họ vẫn còn để dành, chưa xâm nhập ngay.
Hãy luôn cảnh giác, đánh giá cẩn thận xem việc bạn đồng ý chia sẻ tên, địa chỉ email, tài khoản ngân hàng với một trang web nào đó là nên hay không nên, sẽ vô hại hay có hại. Nếu không chắc chắn kẻ đứng sau trang web đó sẽ không bán đứng bạn, đừng để lại bất cứ dữ liệu nào.
3. Đọc điều khoản và điều kiện sử dụng
Phương tiện truyền thông xã hội thường yêu cầu đăng ký tài khoản trước khi cho phép đăng nhập. Chúng cũng có một danh sách (dài ngắn tùy trang) các điều khoản, điều kiện mà bạn phải click vào “Đồng ý” mới được phép tạo trang cá nhân. Tuy nhiên, hầu hết chúng ta đều bỏ qua bước đọc mà nhấp vào “Đồng ý”. Ký hợp đồng mà không cần biết nội dung của nó, bạn là người duy nhất gánh hậu quả.
4. Lọc bỏ các ứng dụng không cần thiết
Nhiều người có thói quen làm đầy màn hình điện thoại thông minh bằng vô số ứng dụng. Họ thử bất cứ ứng dụng nào mới, không cần biết là game, dịch vụ nhắn tin hay công cụ trợ giúp, cần hay không cần.
Nếu bạn là người nghiện ứng dụng, hãy tỉnh táo lại, nhìn xem trên máy tính, điện thoại của mình đang có những ứng dụng nào và những ứng dụng ấy có quyền truy cập gì. Xóa hết các ứng dụng không còn, không thật sự cần sử dụng. Việc này vừa bảo vệ dữ liệu của bạn vừa giải phóng không gian bộ nhớ, tăng tốc thiết bị, kéo dài tuổi thọ của pin.
5. Kiểm tra địa chỉ trang web
Nhiều trang web ăn cắp thông tin rất giỏi trong việc ngụy trang giống với trang mạng thường xuyên đăng nhập của bạn. Hãy chắc chắn là bạn vẫn đang trong trang web chính chủ. Địa chỉ của trang web chính chủ luôn kết thúc bằng .com, .co, hoặc .[tên viết tắt của quốc gia]. Trái lại, trang web giả mạo sẽ có thêm cái đuôi kỳ cục phía sau, ví dụ amazon.com.biznetwork.tk. (giả mạo amazon.com).
6. Cẩn trọng trước liên kết trong email gửi đến
Chuyện các trang web gửi thư điện tử đến email của bạn là bình thường song, như đã nói ở trên, nhiều trang web giả mạo rất giỏi trò ngụy trang. Email do chúng gửi đến tất nhiên cũng chỉ là email tiếp thị giả mạo nhằm ăn cắp dữ liệu cá nhân của người sử dụng. Một số trang web còn tích cực giả mạo email từ ngân hàng, cơ quan thuế, tổ chức chính phủ… để gửi tệp tin đính kèm hoặc địa chỉ liên kết.
Cách dễ nhất để tránh bị đánh cắp dữ liệu là tuyệt đối không nhấp vào liên kết và tệp đính kèm. Hãy cẩn thận, chỉ mở những email mà bạn đang chờ. Nếu nghi ngờ, bạn nên trực tiếp gọi điện đến các công ty, cơ quan, tổ chức (ghi trong email gửi đến) để xác nhận.
7. Xóa cookie và lịch sử duyệt web
Nhiều trang web sẽ tự động đặt cookie vào máy bạn. Với hành động này, chúng nhận biết sự có mặt của bạn trên trang, điều chỉnh nội dung ưu tiên phù hợp, hỗ trợ quảng cáo trích lọc quảng cáo tương ứng sở thích của bạn.
Về cơ bản, việc đặt cookie vô hại với bạn, cũng khá tiện dụng. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn trực tuyến, sau mỗi tháng hoặc mỗi tuần (mỗi ngày càng tốt), bạn nên xóa cookie và lịch sử trình duyệt một lần.
8. Sử dụng phần mềm diệt virus
Đừng quên cập nhật liên tục cho phần mềm diệt virus. Tốt hơn hết là bạn nên để cập nhật tự động, dù chúng có chút bất tiện.