Cách đây không lâu, người đi đường buổi sớm ngang qua một con hẻm nhìn ra đường Lê Lợi ở TP. Huế chợt thấy trên vách tường một ngôi nhà chi chít những bông hoa bằng giấy màu mà ở trung tâm là hình ngôi sao năm cánh.
Không lâu sau đó, những hoa giấy màu với ngôi sao năm cánh lại được dán lên một bức tường khác, nhưng lần này là ở Hongkong.
Đó chính là một tác phẩm nghệ thuật đường phố của nữ họa sĩ Pháp có nghệ danh là Mademoiselle Maurice (Cô Maurice). Năm nay 28 tuổi, Cô Maurice tên thật là Marie Saudin, sinh ra và lớn lên ở vùng núi Haute-Savoie, học kiến trúc tại Lyon, từng làm việc ở Marseille và Geneva (Thụy Sĩ) và từng sống tại Nhật. Vài năm trở lại đây, Cô Maurice rời bỏ công việc và dành toàn bộ tâm sức cho sáng tạo nhiều loại hình nghệ thuật: vẽ tranh, chụp ảnh, thêu ren…, thực hiện các dự án nghệ thuật đường phố, nghệ thuật đương đại… Với bất kỳ chất liệu hay loại hình nghệ thuật nào, tác phẩm của Cô Maurice luôn gắn với những sự kiện diễn ra trong cuộc sống mà cô được chứng kiến. Nghệ thuật của nữ nghệ sĩ trẻ này giản dị về hình thức biểu đạt nhưng sâu sắc và đầy sự rung cảm. Thay vì bó mình trong khuôn khổ chật hẹp của xưởng sáng tác tại Paris, Cô Maurice quyết định dành đời mình cho thế giới rộng lớn của đường phố mà với cô đó là một bảo tàng luôn mở rộng cửa cho công chúng, ở đó cô có thể thoải mái thực hiện những loại hình nghệ thuật khác nhau như sắp đặt, trình diễn…
Những bông hoa đầy sắc màu ở Huế và Hongkong nằm trong loạt sắp đặt xếp giấy ở đô thị (urban origami installation), được Cô Maurice thực hiện bằng cách kết hợp graffiti với nghệ thuật xếp giấy origami của người Nhật mà cô học được trong thời gian sống tại Nhật Bản. Tác giả cho biết: “Tôi muốn thể hiện ngôi sao trên lá cờ Việt Nam bởi đó là hình ảnh đại diện cho người dân đất nước này: nông dân, sinh viên, công nhân, trí thức và chiến binh – những người đã cùng chiến đấu cho nền độc lập… Khi chúng ta hiểu được lịch sử gian khó của Việt Nam cùng những năm tháng chiến tranh đã qua của những người dân đất nước này, thì sắp đặt ấy nhằm bày tỏ lòng tôn kính đối với sự can trường của họ…”.
Những bông hoa giấy nhiều màu sắc thật ra là những cánh hạc giấy mà theo một huyền thoại dân gian của xứ Phù Tang thì người nào gấp được ngàn cánh hạc bằng giấy thì sẽ đạt được ước mơ. Huyền thoại này gắn với câu chuyện có thực về một cô gái Nhật tên là Sadako Shasaki đã thoát chết khi quả bom nguyên tử đầu tiên rơi xuống Hiroshima khi cô mới hai tuổi. Nhưng rồi vào tháng 2-1955, cô phải nằm viện vì bị nhiễm phóng xạ. Tin vào truyền thuyết “ngàn cánh hạc”, Sadako Shasaki gấp hạc giấy để treo quanh giường bệnh nhưng mới gấp được 644 con hạc thì cô đã ra đi mãi mãi. Chính trong thời gian sống ở Nhật, Cô Maurice đã chứng kiến vụ rò rỉ phóng xạ của nhà máy điện hạt nhân Fukushima và được biết về truyền thuyết “ngàn cánh hạc”, từ đó cô bắt đầu thực hiện dự án urban origami installation.
Sau Paris, những cánh hạc của Cô Maurice tiếp tục xuất hiện ở Huế, Hongkong và có thể ở nhiều đô thị lớn khác trên thế giới mà theo cô còn là một cách tưởng nhớ tới “tất cả nạn nhân của các hành vi bạo lực trong thế giới của chúng ta”.
- Lê Bản