Câu hỏi cốt yếu để trở nên thành đạt nhiều khi không phải là bạn sẵn sàng cố gắng vì điều gì mà là bạn dám hy sinh những thứ gì. Ví dụ, bạn sẽ thấy những người thành công thường hay đánh mất sự thanh thản trong tâm hồn.
Phong trào startup đang ngày càng nở rộ, khiến ai cũng nghĩ việc đứng lên làm chủ cuộc đời sẽ mang lại cho họ cảm giác hạnh phúc và thoải mái. Nhưng thực tế có phải như vậy hay không?
Hãy cùng nghe Todd Belveal, nhà sáng lập kiêm CEO Công ty Washlava chia sẻ trên diễn đàn Quora về những thứ bạn sẽ phải hy sinh khi tự mình khởi nghiệp để trở nên thành đạt.
1. Sự thanh thản trong tâm hồn
Bản thân tôi là người hay nghĩ ngợi nhiều, nhưng vào mỗi sáng thức dậy, tôi làm cảm thấy vô cùng phấn chấn. Hoặc là cực kỳ có cảm hứng, hoặc là run lên vì sợ hãi. Đôi lúc lại là sự pha trộn của cả hai, mỗi thứ một chút – và cảm giác rất thú vị.
Chẳng hạn, có những lúc tôi dừng làm việc để dành vài tuần đi du lịch cho khuây khỏa. Nhưng kể cả khi đó, công việc lúc nào cũng thường trực trong đầu tôi. Có thể chuyến du lịch này sẽ tiêu tốn của tôi khoản tiền 75.000 USD (khoảng 1,7 tỉ đồng) chỉ để chi trả tiền lương cho nhân viên trong suốt hai tuần đó.
Đó là điều không dễ để quên được. Đúng là không nên ám ảnh quá mức vì tiền bạc. Nhưng cái cảm giác khi chứng kiến tài khoản ngân hàng của bạn dần cạn kiệt đi, nó thực sự rất đau đầu. Nó luôn thường trực trong đầu bạn.
Và không phải chỉ là giá trị vật chất không thôi, mà kèm theo đó là những nỗi lo và sự sợ hãi nữa – giống như con thuyền trôi vào bờ, mời gọi bạn tham gia vào chuyến du hành bão táp cùng nó.
Vì thế, đừng nghĩ rằng doanh nhân thành đạt sẽ có khoảng thời gian thư thái cho tâm hồn. Nhưng bạn nên học cách tận hưởng những lúc nghỉ ngơi như vậy, dù chỉ là trong chốc lát. Nếu ý tưởng kinh doanh của bạn là thực tế, đội ngũ nhân viên làm việc hiệu quả và công việc được tiến hành trôi chảy, đó chính là sự thanh thản rồi đấy.
2. Sự an toàn và ổn định
Làm việc cho một tập đoàn lớn cũng có những cái lợi riêng, ví dụ như cảm giác ổn định trong công việc lẫn nắm được cách vận hành một doanh nghiệp. Nhiều người mà tôi quen hiện đã dành đến 25 năm chỉ để làm một công việc duy nhất.
Với tôi ư? Không, chắc chắn tôi không thể làm được. Chẳng có gì sai trái khi bạn trụ vững ở công việc hiện tại cả. Những người tự tay tạo dựng nên doanh nghiệp đóng một vai trò quan trọng, và chính tại những doanh nghiệp ấy họ xây dựng được cho mình một sự nghiệp vững chắc. Bản thân tôi cũng muốn mình theo đuổi một sự nghiệp như vậy trong nhiều năm nữa.
Khi bạn khởi nghiệp, những điều như ổn định hay an toàn là thứ xa xỉ. Mọi thứ có thể kết thúc trong nháy mắt. Bạn sẽ không biết chắc chắn rằng sau một năm nữa, mình sẽ trở nên như thế nào. Có thể bạn sẽ làm việc cật lực đến tránh nỗi sợ hãi lẫn sự bài xích từ người khác, chí ít là khi so sánh với lũ bạn hiện đang có một công việc ổn định nơi công sở. Điều này đòi hỏi bạn phải tỏ ra thật trung thực và biết tự nhìn nhận bản thân – vì rủi ro là có thật.
3. Một kỳ nghỉ xả hơi đúng nghĩa
Giới doanh nhân càng phải nên dành cho mình vài ngày nghỉ. Chỉ cần kiểm soát lịch làm việc là bạn hoàn toàn có thể làm được điều đó. Nhưng đối với người đứng đầu một doanh nghiệp startup, việc đi nghỉ dưỡng dài ngày là điều gần như không thể.
Có quá nhiều thứ sẽ không thể hoàn thành nếu thiếu vắng bạn, và bản thân bạn cũng cảm thấy không dám tin tưởng để trao toàn bộ quyền điều hành cho người khác. Và lẽ đương nhiên bạn sẽ cảm thấy nhớ công việc của mình. Cảm giác vừa đi nghỉ dưỡng nhưng dòng suy nghĩ và ý tưởng cứ liên tục xuất hiện trong đầu.
Là một doanh nhân thành đạt, bạn phải tìm cách sống chung với nó. Hãy nghĩ rằng bạn và công ty luôn gắn bó mật thiết với nhau, đó là điều tích cực chứ không phải tiêu cực. Chỉ có như vậy thì mỗi ngày nghỉ trôi qua mới thực sự làm bạn cảm thấy thoải mái hơn.
4. Một sự nghiệp thăng tiến và ổn định
Giả sử mọi thứ đều tốt đẹp. Bạn đã rút lui khỏi startup với một khoản tiền lợi nhuận khổng lồ. Và tiếp sau đó thì sao?
Lúc này, liệu bạn có sẵn sàng quay lại làm việc toàn thời gian hay không? Liệu bạn có may mắn đến mức đột nhiên xuất hiện thêm một ý tưởng khởi nghiệp nữa hay không? Và liệu bạn còn dám dành toàn bộ thời gian cho nó nữa?
Mỗi khi biết được điều gì đó sắp diễn ra, cho dù nó không phải là điều thú vị cho lắm thì cái cảm giác thỏa mãn là điều tất yếu. Khi bạn chọn cách bươn chải một mình và không biết tương lai như thế nào, tự dưng bạn đánh mất đi sự thoải mái ấy.
5. Cơ hội để rút lui
Tôi biết có nhiều người đã thử startup nhưng thất bại, và rồi rốt cuộc lại quay trở lại công việc công sở ở các doanh nghiệp tư nhân. Đó đương nhiên không phải là điều dễ dàng gì. Ai cũng sẽ tìm cách hỏi bạn chuyện gì đã diễn ra.
Lần khởi nghiệp đầu tiên, tôi đã rút lui một cách êm đềm. Ấy mà đến tận giờ vẫn có người hỏi vì sao tôi không tiếp tục dự án ấy nữa. Việc giải thích với những người không quen với khái niệm khởi nghiệp quả là một việc vô cùng khó khăn – và điều đó đúng với hầu hết mọi người.
Không phải ai cũng thích một sự nghiệp bằng phẳng và ổn định. Nhiều người lại thấy mình xuất sắc khi phải đương đầu với sự bất ổn. Luôn chắc chắn rằng bạn tự hỏi mình xem liệu bản thân đã sẵn sàng để trở thành một doanh nhân không, bởi vì đó là thứ mà bạn đam mê ngay từ đầu mà.