Mỗi ngày, người bình thường có nhu cầu nạp năng lượng khoảng 2.000 calorie, tương ứng cần có 50 – 150g protein. Các khẩu phần ăn hiện nay khá giàu protein nhưng liệu cơ thể chúng ta có hấp thu đủ lượng protein đó không? Nếu gặp một vài dấu hiệu dưới đây, bạn nên lưu ý để kịp thời bổ sung nguồn protein cần thiết cho cơ thể.
1. Thèm ăn đồ ngọt
Đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy cơ thể có mức protein thấp, một số người thèm đồ ngọt và cảm thấy ăn bánh kẹo mãi mà không chán. Trên thực tế, một trong những chức năng quan trọng nhất của protein là giữ cho lượng đường trong máu ổn định, nghĩa là nếu thiếu protein thì lượng đường bị giảm và sẽ xuất hiện sự thôi thúc ăn đồ ngọt. Tương tự, cho dù đã ăn sáng đầy đủ nhưng sau đó nếu năng lượng bị tiêu hao nhiều do làm việc nặng hay công việc căng thẳng thì cơ thể lại đòi hỏi phải nạp thêm protein thông qua dấu hiệu thèm ăn đồ ngọt.
2. Đầu óc thiếu tập trung
Lượng đường trong máu cân bằng là yếu tố cần thiết để trí não tập trung. Khi thiếu protein, mức đường trong cơ thể dao động liên tục nên nhiều người sẽ cảm thấy đầu óc mệt mỏi. Protein trong các bữa ăn sẽ giúp giải phóng carbohydrate, tạo nguồn năng lượng ổn định cho não. Thế nhưng, nếu chỉ ăn vài chiếc bánh quy bơ hay lát bánh mì thì chỉ giải quyết được vấn đề trong khoảng thời gian ngắn, sau đó đầu óc lại thiếu tỉnh táo vì thiếu năng lượng.
3. Rụng tóc
Protein là thành phần chính trong tất cả các tế bào, trong đó có tế bào nang tóc. Khi khỏe mạnh, các tế bào nang tóc giữ tóc bám chắc vào da đầu, còn nếu da đầu có quá ít chất dinh dưỡng thì khả năng bám giữ của tóc bị yếu, hậu quả là mái tóc bắt đầu mỏng đi. Tất nhiên, rụng tóc còn có thể là dấu hiệu của một số bệnh khác, chẳng hạn bệnh về tuyến giáp.
4. Xuống sức nhanh
Protein rất cần thiết cho cơ bắp. Nếu không nạp đủ lượng protein cần thiết, cơ bắp của chúng ta dễ dàng bị mềm đi và không còn sức dẻo dai. Cơ đã yếu thì không làm việc nặng lâu được, ví dụ nếu chơi thể thao sẽ bị mệt, xuống sức khá nhanh.
5. Thường xuyên bị bệnh vặt
Protein góp phần cấu thành các hợp chất trong hệ thống miễn dịch. Vì vậy, nếu ai dễ bị cảm hoặc bị nhiễm trùng thường xuyên hơn so với người khác thì nên xem xét khả năng bị thiếu protein. Một dấu hiệu khác rất dễ nhận ra là sự biến đổi của viền da quanh móng tay, móng chân. Khi thiếu protein, kết cấu da không còn đủ khỏe và xuất hiện các vết nứt, xước ở da viền móng.