Cha mẹ có sức mạnh “siêu năng” đối với con cái của mình vì trẻ chú ý nhiều đến mọi việc làm của họ – cha mẹ làm gì, nói gì, thích gì và nhiều thứ nữa.
Với việc đọc của cha mẹ thì đặc biệt đúng, và đây chính là một cơ hội tuyệt vời để các phụ huynh sử dụng “siêu quyền lực” của họ, giúp cho con trở thành người thích đọc và đọc một cách hiệu quả.
Phụ huynh cần đọc một cách phong phú!
Những đứa trẻ thích đọc không chỉ học tốt hơn các môn liên quan đến kỹ năng đọc, viết và ngôn ngữ đồng thời cũng có kết quả tốt hơn trong tất cả môn khác. Kỹ năng đọc cũng theo trẻ suốt trong cuộc sống và sự nghiệp sau này. Đọc là một việc có sức lan tỏa rất mạnh. Phụ huynh không nhất thiết phải đọc những cuốn sách dày để khuyến khích con trẻ cùng đọc sách. Bạn có thể cho trẻ thấy được niềm vui của việc đọc qua những quyển tạp chí ưa thích, những công thức lý thú từ các quyển sách dạy nấu ăn hay thậm chí là tờ rơi giới thiệu một cuộc triển lãm. Khi thể hiện sự vui thích với nhiều dạng ấn phẩm khác nhau, bạn cũng giúp trẻ khám phá được niềm vui tương tự cho bản thân.
Để làm một hình mẫu tốt cho con về thói quen đọc sách, các phụ huynh cũng nên thường xuyên làm mới sự chọn lựa của chính họ, chẳng hạn thử chọn một loại sách mới. Bạn thích thể loại hư cấu? Lần này hãy thử mua một quyển tiểu thuyết minh họa (graphic novel). Và đã bao lâu rồi bạn chưa đọc thơ?
- Xem thêm: Nuôi dưỡng sở thích của con
Tạo môi trường hỗ trợ và khuyến khích trẻ một cách vô điều kiện
Khi con muốn đọc quyển sách khác của cùng một tác giả, hoặc một cuốn truyện tranh mới trong cùng loạt truyện, hay cuốn sách nào đó mà bé đã đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần, hãy nói “đồng ý”! Thói quen đọc của trẻ đôi khi có thể hơi kỳ quặc, nhưng điều quan trọng nhất là nên chấp nhận chúng với sự hỗ trợ và khuyến khích vô điều kiện.
Một số người lớn thích bảo với trẻ rằng chúng cần đọc gì. Nhưng trẻ cần tìm thấy chính mình trong sách và nhìn thấy được những hình tượng vượt xa hơn đời sống của trẻ. Trẻ cần có quyền tự do để chọn sách, cũng giống như quyền chọn phương tiện giải trí phù hợp hay bản đồ đi đường. Nếu không, có lẽ trẻ không còn hứng thú đọc sách nữa.
Lắng nghe trẻ đọc và ghi nhận thành quả của con
Khi con bắt đầu mang sách từ trường về nhà, hãy để trẻ đọc cho bạn nghe. Hoặc bạn có thể đọc cho trẻ nghe, sau đó hãy cho trẻ tự đọc. Các cuộc nghiên cứu cho thấy việc thực hành đọc sách với nhau, dù là ở nhà, giúp cho các học sinh đọc giỏi hơn. Hãy dõi theo những thành quả của con trong quá trình đọc, lắng nghe và cùng trao đổi khi con nói về những gì đang đọc.
Đặt ra câu hỏi
Khi trẻ đọc, hãy để trẻ kể lại câu chuyện hoặc những thông tin trẻ tiếp nhận từ sách. Nếu đó là một câu chuyện, hãy hỏi về nhân vật và các sự kiện xảy ra trong sách. Nếu đó là một thông tin nào đó, hãy để trẻ giải thích những điểm liên quan đến thông tin đó. Đọc không chỉ là phát âm từ ngữ mà còn là tư duy và nhớ về các ý tưởng và sự kiện. Việc cải thiện kỹ năng đọc – hiểu sớm sẽ chuẩn bị cho trẻ những thành công tiếp theo đối với các tài liệu khó hơn.
- Xem thêm: Đọc sách sao khó vậy?
Hãy làm cho việc đọc trở thành một hoạt động thường xuyên
Nếu phụ huynh tạo được thói quen đọc thường xuyên trong gia đình thì trẻ sẽ dần yêu thích việc này. Đưa con đến thư viện, nhà sách là cách giúp con bắt đầu trở thành “người đọc suốt đời”. Dành một ít thời gian “không TV, không web” và chỉ đọc thôi. Cũng không quên làm cho việc đọc trở thành một hoạt động tràn đầy niềm vui thú, là một phần của đời sống gia đình. Nhân dịp trẻ đọc xong một tập truyện Harry Potter, sao cả nhà không cùng nhau xem lại phim này và thưởng thức món bắp rang hay món kem ưa thích?
– Theo Scholastic, Reading Rockets