Sau vụ tai nạn máy bay chở khách vào ngày Chủ nhật tại Ethiopia, các nhà điều tra ráo riết tìm cách xác định các tình huống gây ra thảm họa. Họ muốn hiểu, khắc phục nguyên nhân và rút ra bài học từ thảm kịch. Đã có nhiều tai nạn máy bay dẫn đến những xáo trộn trong ngành vận tải hàng không.
Tai nạn đã gây ra cú sốc, những phản ứng và những bài học. Vụ tai nạn máy bay Boeing của Hãng hàng không Ethiopia Airlines vào ngày Chủ nhật tại Ethiopia đã cướp đi mạng sống của 157 người.
Sau đó, nhiều quốc gia và hãng hàng không đã phản ứng: Boeing 737 Max 8, mẫu máy bay bị rơi vào Chủ nhật, không còn được phép bay ở châu Âu và nhiều nước châu Á. Đặc biệt là một chiếc máy bay cùng loại đã bị rơi ở Indonesia vào tháng 10-2018 làm thiệt mạng 187 người.
Hiện nay, các nhà điều tra đang cố gắng xác định nguyên nhân của vụ tai nạn ở Ethiopia. Họ tìm hiểu và rút ra bài học từ tai nạn này.
Nhiều thảm họa hàng không đã ghi dấu vào lịch sử vận tải hàng không, và đã dẫn đến nhiều thay đổi sâu sắc trong thế giới hàng không. Dưới đây là bốn trong số đó.
1956: Tai nạn ở Grand Canyon
Sự việc: Ngày 30-6-1956. Hai chiếc máy bay đang bay trên bầu trời miền Tây Hoa Kỳ. Cả hai đều cất cánh từ phi trường Los Angeles. Chiếc thứ nhất bay về hướng Kansas City, nằm ở trung tâm nước Mỹ. Chiếc thứ 2 bay đến Chicago, phía Đông Bắc của Los Angeles.
Tuyến đường của hai chuyến bay này sẽ giao nhau trên không phận Grand Canyon, thuộc bang Arizona. Nhưng cả hai máy bay bay ở hai độ cao khác nhau.
Thời tiết khá xấu. Phi công của máy bay đầu tiên đã xin phép kiểm soát không lưu nâng lên độ cao hơn để bay cao hơn những đám mây, theo tường thuật của nhật báo The Arizona Republic.
Vấn đề là chiếc máy bay này sẽ bay cùng độ cao với chiếc đi đến Chicago, và phi công của chiếc máy bay này không được thông báo về sự thay đổi này.
Lúc 10 giờ 31 phút, hai máy bay đã va chạm vào nhau khiến 128 người trên cả hai máy bay đều thiệt mạng.
Hậu quả: cuộc điều tra xác định hai phi công đã không nhìn thấy nhau, hẳn là do những đám mây che khuất, vì vậy không thể tránh nhau, theo tờ The Arizona Republic dựa vào kết quả điều tra.
Vụ tai nạn gây sốc mạnh cho nước Mỹ, đã nhấn mạnh sự cần thiết phải cải tiến kiểm soát không lưu, và những hạn chế tầm nhìn khi bay. Thảm họa được xem là một trong những yếu tố dẫn đến việc thành lập Cục Hàng không Liên bang Hoa Kỳ.
1978: Vụ tai nạn của chuyến bay 173 United
Sự việc: Vào ngày 28-12-1978, chuyến bay 173 United sắp hạ cánh tại phi trường Portland ở phía Tây Bắc Hoa Kỳ. Nhưng chiếc máy bay chở 181 người này đã không tiếp cận đường băng ngay lập tức. Cơ trưởng nghĩ rằng bộ phận hạ cánh của máy bay có vấn đề và muốn giải quyết nó.
Trong buồng lái, các thành viên phi đoàn khác cố gắng thu hút sự chú ý của cơ trưởng vào vấn đề mà họ cho là cấp bách hơn nhiều: mức nhiên liệu giảm xuống một cách nguy hiểm. Vô ích.
Cuối cùng, máy bay hết nhiên liệu, theo tường thuật chi tiết vụ tai nạn của tờ báo địa phương The Oregonian. Máy bay rơi ở ngoại ô Portland khiến 10 người thiệt mạng.
Hậu quả: Cơ trưởng được khen ngợi, tờ The Oregonian viết tiếp, vì đã hạ cánh thành công máy bay đã cạn nhiên liệu ở vùng ngoại ô; nếu không, vụ tai nạn sẽ còn thảm khốc hơn nhiều.
Nhưng nhanh chóng, cuộc điều tra đã nhấn mạnh trách nhiệm của cơ trưởng trong vụ tai nạn. Cơ trưởng đã không tập trung vào yếu tố cạn nhiên liệu và đã không lưu ý lời khuyên của phi hành đoàn, theo báo cáo của cuộc điều tra.
Những kết luận này đã dẫn đến nhiều thay đổi sâu sắc. Các tình huống của vụ tai nạn nhấn mạnh đến tầm quan trọng đến giao tiếp trong buồng lái.
Từ đó, các hãng hàng không lớn trên thế giới đã thay đổi việc đào tạo phi công, tờ The Oregonian viết tiếp, nhấn mạnh đến việc giao tiếp và làm việc theo nhóm giữa các thành viên phi hành đoàn.
1983: Chuyến bay 797 Air Canada
Sự việc: Khói thoát ra từ phòng vệ sinh. Vào ngày 3-6-1983, chuyến bay 797 Air Canada bay từ Dalas miền Nam Hoa Kỳ đến Toronto (Canada), khi khói đen dày đặc tràn vào buồn lái. Nhưng phi công không xử lý được, tạp chí Popular Mechanics tường thuật.
Khi chỉ còn nhìn thấy mờ mờ các thiết bị lái, phi công mới bắt đầu cho phi cơ hạ cánh khẩn cấp xuống phi trường Cincinnati. Khi chạm đường băng, phi hành đoàn mở cửa và cửa thoát hiểm của phi cơ. Nhưng máy đang cháy. 23 trên 46 người trên máy bay thiệt mạng.
Hậu quả: Nguồn gốc của vụ cháy vẫn không được xác định. Các nhà điều tra đã nhấn mạnh đến việc mất quá nhiều thời gian để phản ứng.
Từ sau vụ cháy đó, nhà chức trách quy định bắt buộc phải lắp đặt thiết bị báo khói và bình chữa cháy trong nhà vệ sinh máy bay, tường thuật của đài truyền hình CNN.
2014: Bí ẩn của chuyến bay MH370
Sự việc: Đây là một trong những bí ẩn lớn của ngành hàng không. Vào đêm ngày 7 rạng sáng ngày 8-3-2014, chuyến bay MH370 của Hãng hàng không Malaysia Airlines biến mất.
Chiếc máy bay nối liền Kuala Lampur, Malaysia, và Bắc Kinh của Trung Quốc, đã bặt vô âm tính. Kể từ đó, không một ai có thông tin gì về chiếc Boeing 777 và 239 người trên máy bay.
Vụ mất tích vẫn chưa được giải thích, máy bay vẫn chưa được tìm thấy, và nhiều giả thuyết vô lý nhất xung quanh vụ mất tích này lan truyền rộng khắp.
Hậu quả: Nhưng máy bay đã biến mất như thế nào? Đây là câu hỏi chính về sự mất tích đầy bí ẩn này.
Vì vậy, vào năm 2016, Tổ chức Hàng không Dân dụng Thế giới, một cơ quan của Liên Hiệp Quốc, đã đưa ra một loạt các biện pháp để theo dõi máy bay tốt hơn, chặt chẽ hơn khi gặp tai nạn. Những quy định này đang dần dần đi vào thực tiễn.
Trong số những biện pháp đó, đặc biệt là các hộp đen của những máy bay có trọng lượng trên 27 tấn phải có khả năng ghi lại 25 giờ bay cuối cùng thay vì chỉ 2 giờ như trước đây và phải được trang bị cọc tiêu giúp xác định vị trí của máy bay từng phút một.