Tám mươi năm sau khi chiếc máy bay của Amelia Earhart mất tích, nhiều người vẫn tự hỏi chuyện gì đã xảy ra với nữ phi công nổi tiếng này khi máy bay của cô mất tích trên Thái Bình Dương trong chuyến bay vòng quanh thế giới. Ngày nay dù du lịch bằng đường không an toàn hơn trước đây, việc theo dõi máy bay từ vị trí cách xa radar trên mặt đất vẫn rất nan giải.
Năm 2009, một chuyến bay của Air France qua nam Đại Tây Dương đã biến mất khỏi radar và mặc dù mảnh vỡ đã tìm thấy trên bề mặt đại dương những ngày sau đó, phải mất hai năm để tìm thấy hộp đen ghi dữ liệu chuyến bay. Năm 2014, chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines biến mất trên Ấn Độ Dương tới giờ này vẫn chưa được tìm thấy, trở thành một bí ẩn của lịch sử hàng không. Năm 2016, một chiếc máy bay của không quân Ấn Độ bị mất dấu vĩnh viễn trên Vịnh Bengal.
Trên vùng biển quốc tế, các kiểm soát viên không lưu không thể biết chiếc máy bay đang ở đâu theo thời gian thực, thay vào đó họ dựa vào kế hoạch bay, liên lạc vô tuyến với phi công và một hệ thống gọi là ACARS cung cấp thông tin liên lạc thông qua tin nhắn văn bản giữa máy bay và trạm mặt đất.
Vậy có cải thiện nào trong thời đại của máy thu GPS và kết nối không ngừng?
- Xem thêm: Nỗ lực tìm kiếm máy bay mất tích AirAsia
Năm 2009, Uber được thành lập để tận dụng sức mạnh tìm kiếm vị trí của GPS trong điện thoại di động nhằm liên kết tài xế và hành khách. Các hãng hàng không và kiểm soát viên không lưu cũng nhận ra rằng định hướng vệ tinh có thể đóng vai trò chính trong công việc của họ. Năm 2010, FAA (Cục Hàng không Liên bang Mỹ) đã yêu cầu tất cả các máy bay Mỹ cần sử dụng một hệ thống có tên ADS-B, có nghĩa là “phát thanh giám sát phụ thuộc tự động”. Về cơ bản, đến năm 2020 máy bay được yêu cầu phát sóng vị trí xuất phát từ GPS mỗi giây.
Tuy nhiên, các trạm thu mặt đất cần phải được thiết lập trong vòng khoảng 172 dặm (277km) của máy bay để thu thập tín hiệu ADS-B. Ngoài biển, nếu các máy bay vượt ra ngoài phạm vi đó thì các nhà điều khiển không lưu có thể mất dấu vị trí của chúng. Giải pháp mà Công ty Aireon ở Mỹ đưa ra là: cần nhiều vệ tinh hơn.
Cụ thể, Aireon đã cài đặt máy truyền dữ liệu (payload) trên 75 vệ tinh Iridium đã được phóng lên không gian trong hai năm qua. Những payload này được thiết kế để dò tín hiệu ADS-B bất cứ khi nào chúng được phát, cung cấp khả năng theo dõi máy bay liên tục ở bất cứ đâu trên Trái đất. Các vệ tinh đã xử lý hơn 13 tỉ tin nhắn ADS-B mỗi tháng. Trong sáu tháng tới, hệ thống Aireon sẽ trải qua một loạt các cuộc kiểm tra và xác nhận với các kiểm soát viên không lưu ở Mỹ, Canada và châu Âu.
Nếu hệ thống được thử nghiệm thành công thì chính các hãng hàng không cũng sẽ hưởng nhiều lợi ích về chi phí nhiêu liệu, mức độ làm hài lòng hành khách… Nhưng liệu nó sẽ làm cho những vụ mất tích bí ẩn của ngành hàng không trở thành quá khứ? Theo dõi thời gian thực sẽ cung cấp cho các nhà điều tra một điểm khởi đầu tốt hơn để săn tìm máy bay bị mất hơn so với kỹ thuật truyền phát sóng vô tuyến. Tuy nhiên, vẫn còn có những rủi ro khác: Các nhà điều tra tin rằng bộ phát đáp radar của MH370 đã bị tắt, do trục trặc hoặc do một phi công bị tai nạn.
- Xem thêm: Chấm dứt tìm kiếm máy bay MH370
ADS-B, giống như tất cả các hệ thống điện tử hàng không, có thể bị vô hiệu hóa để đối phó với tình huống khẩn cấp. Nhưng ngay cả khi đó, hệ thống Aireon vẫn biết chính xác khi nào bộ phát bị tắt. Một phần sau chuyến bay định mệnh MH370, một tiêu chuẩn quốc tế mới sẽ có hiệu lực vào năm 2021, yêu cầu các hãng hàng không có thể theo dõi máy bay của họ trong trường hợp khẩn cấp một lần mỗi phút. Trước đó, Malaysia Airlines đã đạt thỏa thuận với ba công ty là Aireon LLC, SITAONAIR và FlightAware LLC để có thể theo dõi máy bay của hãng ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới, bao gồm các vùng cực và các vùng đại dương xa xôi nhất.
Tám mươi năm sau vụ mất tích của Amelia Earhart, cuối cùng con người có thể nghĩ đến viễn cảnh chấm dứt tình trạng máy bay bị mất tích.