1. Có nên tắm một lần mỗi ngày?
Có nên tắm mỗi ngày không? Câu trả lời của những người theo “học thuyết giảm bớt tắm rửa” là không. Có nguồn gốc từ Hoa Kỳ, xu hướng này đang ngày càng thịnh hành. Họ lý giải rằng tắm mỗi ngày sẽ có hại cho da. Thực hư thế nào?
Từ cuối thập niên 1990, nhà hóa học người Mỹ David Whitlock không còn tắm nữa. Ông chỉ rửa cơ thể với bình xịt mà ông tự sáng chế. Là nhà nghiên cứu của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), ông muốn giữ cho biểu bì được sạch và theo ông, chỉ cần một loại vi khuẩn tự nhiên có tên gọi là Nitrosomonas eutropha. Whitlock đã sử dụng loại vi khuẩn này, hiện diện cả trên sàn nhà, để sáng chế ra bình phun xịt làm sạch cơ thể.
Whitlock giải thích rằng vệ sinh quá mức có thể gây ra dị ứng da và để ngõ cho các tác nhân lây nhiễm khác tự do xâm nhập. Tắm rửa quá thường xuyên sẽ tẩy rửa quá mức và làm chộn rộn lớp da. Từ ?ỉ, da sẽ nứt rạn tạo ra những khe hở là nơi lý tưởng để mầm bệnh trú ẩn và tấn công.
Đừng làm chộn rộn da
Nina Ross, bác sĩ da liễu ở Paris, đồng ý với lý giải của David Whitlock và xác định nhu cầu vệ sinh của da: “Cơ thể chúng ta cần tiếp xúc với nhiều loại vi khuẩn khác nhau để có được sức khỏe tốt. Tự tắm rửa là động tác bao gồm bôi kem tạo bọt, có nghĩa là dùng chất để tẩy da. Các lipid bảo đảm cung cấp chất kết dính gian bào của da không ưa bị hòa tan theo cách như thế. Đây chính là sự tấn công vào hàng rào phòng vệ da. Hậu quả của việc tắm rửa mỗi ngày là làm cho da khô đi”.
Nina Ross cho biết tiếp: “Quá nhiều xà bông làm mất căn bằng hệ thực vật da, làm cho da mất đi sự mượt mà và dễ bị các bệnh về da như eczéma. Các chuyên gia về da khuyên chúng ta chỉ nên tắm rửa 1 lần cho mỗi 2 ngày để hạn chế các vấn đề về da, đặc biệt là đối với trẻ em”.
Gérard Laurette, bác sĩ khoa da và giáo sư ự của Trường Đại học Y khoa Tours, cũng đồng quan điểm với Nina Ross. Gérard nhấn mạnh: “Lớp da ngoài cùng của cơ thể có chức năng ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập; do đó, lớp da bề mặt này được gọi là lớp sừng. Lớp da này rất mịn và là nơi sinh sống của hệ vi khuẩn bảo vệ chúng ta. Nếu lớp sừng này bị tẩy xóa, da sẽ bị suy yếu đáng kể”.
Tôn trọng bản thân
Jean-Nicolas Boursiquot, bác sĩ chuyên khoa dị ứng thuộc Trường Đại học Y khoa Québec, cho biết: “Một số người có làn da dễ bị dị ứng, và vì vậy, dễ bị bệnh eczéma. Tuy nhiên, không nên chỉ vì một số ít người bị dị ứng da mà đưa ra kết luận đại trà”.
Yves Longtin, bác sĩ khoa vi sinh vật học thuộc Bệnh viện Đa khoa Montréal, cho biết: “Tắm bồn và tắm vòi sen là dọn dẹp vi khuẩn tốt lẫn xấu, trong một thời gian ngắn. Các vi khuẩn bị tẩy rửa sẽ nhanh chóng được thay thế nhờ sự sinh sản hiệu quả của những vi khuẩn còn bám trụ. Và nếu không kể đến khía cạnh vệ sinh cơ thể, vẫn còn nhiều lý do chính đáng để tắm mỗi ngày như sự thoải mái và tôn trọng bản thân mà sự tắm rửa đem lại”.
Bác sĩ Gérard Laurette cho biết: “Nhưng nếu bạn không tắm mỗi ngày hay tắm một lần mỗi 2 ngày thì cũng không có gì nguy hiểm. Tắm rửa vì lý do y tế là “không cần thiết”. Nơi một số dân tộc gần Bắc cực, người ta hầu như không tắm và chỉ gội đầu 2 lần mỗi năm. Thế mà họ cũng ít khi gặp vấn đề sức khỏe”.
Trong thực tế, về mặt y học, điều quan trọng là rửa tay. Gérard Laurette nhắc lại: “Nếu không rửa tay, vi khuẩn trên 2 tay của chúng ta có thể trà trộn vào thức ăn và gây bệnh truyền nhiễm”.
2. Tại sao phải luôn luôn giặt quần áo mới mua trước khi mặc?
Cục An toàn Vệ sinh Quốc gia (Agence Nationale de Sécurité Sanitaire – ANSES) vừa công bố một danh mục độc tố hiện diện trong quần áo và giày dép mới mua kèm theo lời khuyên để hạn chế rủi ro. Sáng nay, bạn quyết định mặc chiếc áo đan len xinh đẹp bán hạ giá mà bạn vừa mua ngày hôm trước. Và tối hôm đó, khi về nhà cởi áo ra, bạn thấy xuất hiện nhiều đóm màu đỏ trên cánh tay và vai của bạn.
Nếu thật sự bạn là người trong ví dụ trên thì bạn không phải là người duy nhất nếm mùi rủi ro này. Ngày 4.7.2018, Cục An toàn Vệ sinh Quốc gia đã công bố một báo cáo giải thích những trường hợp bị dị ứng và kích thích da liên quan đến quần áo và giày dép mới mua. Đây là lý do tại sao Cục An toàn Vệ sinh Quốc gia khuyên người tiêu dùng, trước khi mặc lần đầu tiên, phải giặt giũ bất kỳ quần áo nào có khả năng tiếp xúc với da.
Chất gây ung thư và gây rối loạn nội tiết
Trong báo cáo, Cục An toàn Vệ sinh Quốc gia công bố kết quả một khảo sát khoa học được thực hiện nhằm xác định các hóa chất nghi vấn hiện diện trong quần áo và giày dép, và có thể là nguồn gốc gây dị ứng và kích ứng da. Để thực hiện khảo sát này, Cục An toàn Vệ sinh Quốc gia đã phát hành tài liệu khoa học công bố kết quả thử nghiệm các mẫu hóa chất thu thập được trên quần áo mới bày bán tại một số cửa hàng và trên giầy dép bị khách hàng khiếu nại. Tổng cộng có đến trên 20 loại hóa chất được tìm thấy trong quần áo và khoảng 50 chất trong giầy dép.
Kết quả phân tích các chất thu được giúp xác định danh tính của chúng bao gồm nonylphénol, chất gây rối loạn nội tiết, và cả formaldéhyde, chất gây ung thư. Những phân tích này cũng cho phép nhận dạng các chất không thường xuyên phân tích có khả năng gây viêm da (dermatitis) như chất 1,4-paraphénylènediamine hay chất organostannique hay phẩm nhuộm azoique.
Ngoài ra, thử nghiệm còn phân tích các chất, do khoảng 30 bệnh nhân bị dị ứng da mang đến, bị cho là gây dị ứng. Bị nghi vấn gây các triệu chứng dị ứng còn có các chất benzidine, chrome 6, nickel, 4-tertbutylphénolformaldéhyde và phẩm nhuộm azoique, là những chất rất được thông dụng trong công nghệ dệt, vải sợi. Dựa vào các kết quả đầu tiên của nghiên cứu, Cục An toàn Vệ sinh Quốc gia quyết định tiếp tục điều tra các bệnh nhân khác cho đến tháng 10.2018 và sẽ công bố kết quả mới sau đó.
Một số khuyến nghị gởi đến các cấp chính quyền và chuyên viên ngành dệt, vải sợi
Cục An toàn Vệ sinh Quốc gia khuyến nghị chính quyền giảm ngưỡng quy định đối với chất chrome 6 trong các sản phẩm thuộc da vì các phản ứng dị ứng ghi nhận được nằm dưới giá trị quy định, và ấn định ngưỡng cho nickel trong các mặt hàng dệt may. Cục An toàn Vệ sinh Quốc gia cũng yêu cầu nhà chức trách lưu ý kiểm tra các nhà cung cấp phải bảo đảm sản phẩm may mặc bán ra thị trường không chứa các chất gây ung thư, gây đột biến, gây độc hại cho sinh sản.
3. Ngủ quá nhiều cũng tệ hại như thiếu ngủ?
Bạn thiếu ngủ? Hay ngược lại, bạn đang kéo dài giấc ngủ đến 8- 9 giờ sáng? Cả 2 trường hợp vừa nêu đều có hại cho sức khỏe của bạn. Một nghiên cứu khoa học gần đây chứng minh thiếu ngủ và ngủ quá nhiều đều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, huyết áp, chỉ số cholesterol cao.
Nếu chúng ta đã biết thiếu ngủ có thể tác động xấu đến sức khỏe thì lạm dụng giấc ngủ cũng không phải tốt lành gì. Một nghiên cứu vừa được công bố vào ngày 13.6.2018 trên báo mạng BMC Public Health của Anh xác nhận rằng ngủ quá nhiều hay thiếu ngủ đều ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Cholesterol cao hay tăng huyết áp có thể là hậu quả của thời lượng quá ngắn hay quá dài cùa giấc ngủ hàng ngày.
Để đi đến kết luận này, các nhà khoa học thuộc Trường Đại học quốc gia Séoul đã phân tích dữ liệu của 133.608 người Hàn Quốc từ 40 đến 69 tuổi. 44.930 nam và 88.678 nữ tham gia cuộc nghiên cứu được xếp vào 4 loại: 1. Ngủ dưới 6 giờ/ngày; 2. Ngủ từ 6 đến 8 giờ/ngày; 3. Ngủ từ 8 đến 10 giờ/ngày; 4. Ngủ trên 10 giờ/ngày.
Những dấu hiệu của hội chứng chuyển hóa
Kết quả phân tích này cho thấy nam giới ngủ ít hơn 6 giờ/ngày có khuynh hướng phát triển hội chứng chuyển hóa mạnh hơn những người ngủ 8 giờ ngày. Hội chứng này bao gồm một nhóm các dấu hiệu sinh lý như thừa cân, cao huyết áp hay đường huyết cao, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường hay bệnh tim. Đàn ông và phụ nữ ngủ ít hơn 6 giờ/ngày có nhiều khả năng bị thừa cân.
Ngược lại, những người thích ngủ hơn 10 giờ/ngày cũng dễ bị ảnh hưởng bởi hội chứng chuyển hóa. Claire E. Kim, một trong những tác giả của nghiên cứu, cho biết: “Đây là nghiên cứu nhất quán kiểm tra mối liên quan giữa thời gian ngủ và hội chứng chuyển hóa, và những khác biệt theo giới tính”.
Claire E. Kim kết luận: “Chúng tôi quan sát thấy có sự khác biệt tiềm năng giữa nam giới và phụ nữ, đặc biệt là mối quan hệ giữa thời gian ngủ và hội chứng chuyển hóa. Hội chứng này có khuynh hướng phát triển nơi phụ nữ có giấc ngủ rất dài và nơi nam giới có giấc ngủ ngắn”.