Theo hai báo cáo mới nhất vừa do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố, hằng năm, môi trường không trong sạch ở cả trong và ngoài nhà đã gây ra cái chết của hơn 1,7 triệu trẻ em dưới năm tuổi. Ngay cả trong nhà, nhiều trẻ em ở các nước đang phát triển cũng không đủ không khí trong sạch và nước sạch. Bà Maria Neira, Giám đốc phụ trách sức khỏe công cộng và các yếu tố quyết định về môi trường và xã hội thuộc WHO cho biết, gần phân nửa dân số thế giới vẫn còn nấu nướng, sưởi ấm hay thắp sáng bằng những chất đốt rất bẩn như than đá, phân gia súc… Cũng theo Neira, trẻ em hít khói từ những loại chất đốt như thế dễ nhiễm những bệnh thường gặp như viêm phổi, hen suyễn và những hậu quả lâu dài như trí não phát triển kém, chỉ số IQ thấp.
Ngoài khói bụi phát tán từ các lò nấu dơ bẩn, còn nhiều chất gây ô nhiễm ở cả trong và ngoài nhà, trong đó có nước uống chưa được xử lý, không khí bẩn, các chất tồn dư của thuốc trừ sâu. Nhiều trẻ em là nạn nhân của độc chất trong môi trường khi làm việc trong những lĩnh vực không an toàn như trồng trọt hay tái chế cây thuốc lá. Bên cạnh đó, một số trẻ em giúp cha mẹ chúng tái chế những bộ phận nhỏ từ các máy tính đã bị loại bỏ hay các máy truyền hình cũ do các nước công nghiệp hóa thải ra. Chính trong thao tác phục hồi các kim loại nặng trong chất thải điện tử mà trẻ có nguy cơ nhiễm các độc chất hóa học, gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe, nhất là về sự phát triển não bộ. Cuối cùng, một tác nhân phải kể đến là sự biến đổi khí hậu tác động lên sức khỏe của trẻ, cả trong hiện tại lẫn tương lai. Tác nhân này đặc biệt ảnh hưởng đến những người nghèo nhất thế giới bằng cách góp phần vào sự thiếu dinh dưỡng và lan truyền những bệnh do muỗi gây ra như sốt rét, sốt xuất huyết. Theo Tổng giám đốc WHO Margaret Chan, các bộ phận đang phát triển và hệ miễn dịch của trẻ dễ bị tổn thương bởi không khí ô nhiễm và nước bẩn. Báo cáo nhan đề “Đừng làm ô nhiễm tương lai của tôi! Tác động của môi trường lên sức khỏe trẻ em” cho biết mỗi năm có 570 ngàn trẻ dưới năm tuổi chết vì các bệnh đường hô hấp như viêm phổi, do không khí ô nhiễm, do ngửi khói thuốc lá trong môi trường chung quanh; 361 ngàn trẻ dưới năm tuổi chết vì tiêu chảy do thiếu nước sạch, thiếu vệ sinh trong ăn ở.
Trong chiều hướng cải thiện dần tình trạng sức khỏe của trẻ em, nhất là ở những nước nghèo, Neira cho rằng cần khắc phục nạn ô nhiễm môi trường bằng cách sử dụng năng lượng sạch tại các hộ gia đình. Việc thông gió sẽ giúp làm giảm ô nhiễm do sự đốt cháy không hết các chất đốt trong nấu nướng, sưởi ấm… Cải tiến chế độ nấu nướng, rút ngắn thời gian chế biến thức ăn cũng có tác dụng tích cực trong việc hạn chế sự ô nhiễm.
- Lê Nguyễn tổng hợp
Xem thêm:
- Ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng do rác thải nhựa
- Giải quyết ô nhiễm môi trường nói dễ, làm khó
- Hạn chế ô nhiễm môi trường trong hoạt động du lịch: Không nên “giơ cao đánh khẽ”