Một trong những mũi đột phá làm thay đổi diện mạo TP. Hồ Chí Minh là biến vùng đất phía Nam gồm Q.7 và các huyện Nhà Bè, Bình Chánh trở thành địa bàn phát triển toàn diện về kinh tế xã hội. Ước mơ đó sau 25 năm đã trở thành hiện thực khi thành phố này đang từng bước tiến ra phía Đông, trong đó nhân tố đóng góp quan trọng vào thành quả này là Công ty Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC). Trang hồ sơ này được thực hiện nhân sự kiện nói trên.
Xuất phát từ chương trình mang tính đột phá trong thời kỳ đổi mới, Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) vinh dự được Nhà nước giao phó trọng trách: đưa TP. Hồ Chí Minh phát triển về phía Nam, tiến ra Biển Đông. Hai mươi lăm năm qua, bằng những nỗ lực không biết mệt mỏi của nhiều thế hệ, IPC đã từng bước biến giấc mơ thành hiện thực hơn bao giờ hết.
Từ Khu chế xuất Tân Thuận…
Trong quyển sách “Nhà Bè hồi sinh từ công nghiệp”, cố Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Vĩnh Nghiệp, kể lại bối cảnh lịch sử vào những năm cuối thập niên 1980, thời điểm ra đời của “Chương trình Khu công nghiệp xuất khẩu Tân Thuận”, tiền thân của IPC như sau “Giai đoạn đó, đất nước ta đang bị cấm vận, khó khăn nhiều bề, nhất là kinh tế – xã hội. Thành phố thiếu vốn, thiếu kỹ thuật, cả nước cũng vậy, chưa biết tìm khâu đột phá từ đâu để thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng 1977-1989”.
Chính sự khó khăn đó đã thôi thúc các vị lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh, nơi được xem là đầu tàu kinh tế của cả nước, quyết tâm tạo nên một bước đột phá. Ông Phan Chánh Dưỡng, một trong những người đề xuất ý tưởng xây dựng khu chế xuất, nhớ lại: “Chúng tôi đã điều nghiên rất kỹ mô hình các khu chế xuất ở nhiều nơi, từ Ireland đến Trung Quốc, đặc biệt là Đài Loan, trước khi kiến nghị thành phố thực hiện đề án khu chế xuất”.
Tại sao lại chọn mô hình khu chế xuất cho TP. Hồ Chí Minh mà không phải là khu công nghiệp, khu kinh tế tự do, khu ngoại quan? Ông giải thích: “Trước hết là bởi tính chất của khu chế xuất phù hợp với mục đích mà thành phố đang cần, đó là thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tạo công ăn việc làm, đẩy mạnh xuất khẩu và du nhập kỹ thuật tiên tiến. Thành phố Hồ Chí Minh có vị trí thuận lợi, có nguồn lao động dồi dào, có cơ sở hạ tầng tương đối tốt nên thuận lợi để triển khai xây dựng khu chế xuất so với các mô hình khác”.
Ngày 24-10-1989, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Vĩnh Nghiệp, ký Quyết định số 631/QĐ-UB thành lập tổ chức có tên là “Chương trình Khu công nghiệp xuất khẩu Tân Thuận”, mốc son đánh dấu sự ra đời của IPC bắt đầu từ đó.
Song song với việc xác định địa điểm – bán đảo Tân Thuận Đông (thuộc huyện Nhà Bè), quá trình tìm kiếm và chọn lựa nhà đầu tư Khu chế xuất Tân Thuận cũng được triển khai cấp tập. Sự tình cờ mang tính tất yếu đã làm nên mối lương duyên giữa IPC (lúc bấy giờ là “Chương trình Khu công nghiệp xuất khẩu Tân Thuận”) và Tập đoàn Trung ương Mậu dịch Đài Loan (CT&D) đã cho ra đời Công ty Liên doanh Xây dựng và Kinh doanh Khu chế xuất Tân Thuận theo Giấy phép số 245 của Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư. Dự án Khu chế xuất Tân Thuận với quy mô 300ha được tiến hành xây dựng.
Sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ ban đầu, để phù hợp với sự phát triển và vai trò mới, “Chương trình Khu công nghiệp xuất khẩu Tân Thuận” được chuyển thành Công ty Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (tên giao dịch là Tân Thuận Industrial Promotion Company, gọi tắt là IPC) theo Quyết định số 338/QĐ-UB ngày 4-4-1992 của UBND TP. Hồ Chí Minh, ông Phan Chánh Dưỡng trở thành giám đốc đầu tiên của IPC.
Khu chế xuất Tân Thuận được xây dựng và đi vào hoạt động đã làm nên những thành công khiến người trong cuộc cũng phải bất ngờ. Từ mô hình khu chế xuất đầu tiên của cả nước này, hàng trăm khu chế xuất, khu công nghiệp nối tiếp nhau ra đời ở khắp các tỉnh thành, góp phần to lớn vào việc chặn đứng khủng hoảng, mở ra thời kỳ đổi mới, giải quyết lao động và tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Riêng Khu chế xuất Tân Thuận đã thu hút gần 1 tỉ USD vốn đầu tư, tạo công ăn việc làm cho hơn 50.000 lao động và từng được bình chọn là Khu chế xuất tốt nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Dưới góc nhìn sâu xa hơn, Khu chế xuất Tân Thuận chính là dự án khởi đầu cho chương trình “Phát triển TP. Hồ Chí Minh tiến ra Biển Đông”, mà IPC là đơn vị lãnh ấn tiên phong.
…đến khu kinh tế đặc biệt
Có thể nói, sự ra đời của Khu chế xuất Tân Thuận, việc thành lập IPC đều nằm trong sự tính toán và hoạch định chiến lược phát triển, mở rộng thành phố về phía Nam, tiến ra Biển Đông của các nhà lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh lúc bấy giờ.
Ngay sau Khu chế xuất Tân Thuận, IPC với những dự án liên hoàn thể hiện rõ quyết tâm đó. Năm 1993, Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng được thành lập với sự hợp tác tiếp tục giữa IPC và Tập đoàn CT&D. Liên doanh này đã mang đến một sức sống, một diện mạo mới cho vùng đất phía Nam thành phố với hai dự án lớn: Một là đại lộ Nguyễn Văn Linh dài 17,8km với 10 làn xe, nối liền Khu chế xuất Tân Thuận và quốc lộ 1 tại huyện Bình Chánh, trở thành tuyến giao thông huyết mạch, tạo nên sự thông thương giữa miền Đông và miền Tây Nam bộ. Hai là Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên của cả nước với những giải thưởng quy hoạch quốc tế, được xây dựng hiện đại, hạ tầng cơ sở – hạ tầng xã hội hoàn thiện, môi trường sống trong lành, lý tưởng, thu hút hơn 26.000 cư dân.
Tiếp đó, năm 1994, IPC thành lập Công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) đảm nhiệm việc giải tỏa đền bù, xây dựng khu công nghiệp, khu dân cư, cơ sở hạ tầng, kinh doanh bất động sản… Sau 20 năm hoạt động, Sadeco đã thực hiện nhiều dự án bất động sản lớn ở khu vực phía Nam thành phố như: khu dân cư ven sông Tân Phong, khu biệt thự cao cấp sông Ông Lớn, khu định cư Phước Kiển 1, 2, 3, khu dân cư Phong Phú… Năm 1996, dự án Khu công nghiệp Hiệp Phước với quy mô 2.000ha được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, IPC bắt tay vào xây dựng giai đoạn 1. Song song đó là việc nghiên cứu nạo vét sông Soài Rạp để tàu 25-30 ngàn tấn có thể đi đến cụm cảng Hiệp Phước.
Không dừng lại ở đó từ năm 2004, sau khi chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con, IPC tiếp tục có những dự án quan trọng trong tiến trình phát triển thành phố tiến ra Biển Đông. Đó là việc xây dựng Khu công nghiệp Long Hậu với quy mô 141,85ha; hợp tác với Tập đoàn P&O Anh quốc thành lập Công ty Cảng Container Trung tâm Sài Gòn (SPCT) xây dựng cảng container có công suất 1,5 triệu TEU/năm; tổ chức cuộc thi quốc tế về quy hoạch Khu đô thị – công nghiệp – cảng Hiệp Phước (Công ty Nikken Sekkei Civil Enginerring Ltd (Nhật) đoạt giải nhất.
Từ năm 2010, IPC chuyển đổi từ mô hình doanh nghiệp Nhà nước sang mô hình doanh nghiệp Một thành viên. Việc chuyển đổi không làm IPC chệch hướng nhiệm vụ “Tiến ra Biển Đông” mà lãnh đạo thành phố đã giao phó mà còn tiếp tục triển khai mạnh mẽ các dự án tại phía Nam thành phố: Tòa nhà IPC được đưa vào sử dụng; tiếp tục nạo vét sông Soài Rạp, đến giữa năm 2014 tàu 50 ngàn tấn đã có thể ra vào sông Soài Rạp; tiếp tục xây dựng các giai đoạn 2, 3 Khu công nghiệp Hiệp Phước; cảng SPCT hiện chiếm khoảng 10% lượng hàng hóa bốc dỡ qua cảng của thành phố và hoạt động có hiệu quả hơn qua từng năm…
Những dự án mà IPC đã thực hiện góp phần không nhỏ trong việc biến vùng đất phía Nam thành phố vốn nghèo nàn, lạc hậu, hoang hóa trở nên sinh động và phồn thịnh như quận 7 và huyện Nhà Bè hiện nay. Gần đây, khi chứng kiến tàu tải trọng 55 ngàn tấn cập cảng Hiệp Phước, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân cho rằng đó là một thành công lớn trong ngành vận tải hàng hải và sẽ mở ra hướng phát triển mới và rất quan trọng cho ngành giao thông đường biển. “Chúng ta phải quyết tâm đầu tư, xây dựng hệ thống cảng biển, hệ thống giao thông để đạt được mục tiêu của thành phố là phát triển kinh tế cảng biển để vươn ra Biển Đông”, ông Lê Hoàng Quân nhấn mạnh. Sau đó ông đã chỉ đạo các sở, ban, ngành sớm xây dựng đề án khu kinh tế đặc biệt ở phía Nam thành phố bao gồm khu vực các quận 7, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ. Đây được xem là một trong những đề án trọng điểm trong năm năm tới, và tầm nhìn đến năm 2030 của thành phố.
Từ Khu chế xuất Tân Thuận đến khu kinh tế đặc biệt là một chặng đường dài phát triển của TP. Hồ Chí Minh, trong đó IPC với vai trò là đơn vị tổ chức quy hoạch, xây dựng hạ tầng và thu hút các nguồn vốn đầu tư đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.
Ông Phạm Xuân Bình, Tổng giám đốc IPC, khẳng định: “25 năm qua Công ty IPC đã kiên trì thực hiện chiến lược phát triển thành phố tiến ra Biển Đông, những thập niên tới, IPC vẫn khẳng định vai trò nòng cốt của mình trong thực hiện chiến lược kinh tế biển của thành phố nhằm tham gia tích cực vào giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố ở tầm cao mới”.
Ai từng chứng kiến những đổi thay của vùng đất phía Nam thành phố trong 25 năm qua, kể từ khi IPC ra đời, sẽ tin rằng: ngày tàu viễn dương 100 ngàn tấn cập cảng Hiệp Phước không còn xa, và ngày TP. Hồ Chí Minh phát triển đến Cần Giờ, vượt qua vịnh Gành Rái để nối liền Vũng Tàu đã gần ngay trước mắt.
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân: Thành quả của nhiều thế hệ tâm huyết
Từ những ý tưởng sáng tạo và tầm nhìn phát triển trong kinh tế, năng lực sử dụng chất xám, nguồn nhân lực chất lượng cao kết hợp nghiên cứu khoa học với kinh nghiệm thực tiễn, biến ý tưởng thành những dự án khả thi, trải qua chặng đường 25 năm, dấu ấn về thành tựu của IPC có thể thấy qua việc thực hiện các dự án, công trình có quy mô lớn, trọng điểm như: Khu chế xuất Tân Thuận, đại lộ Nguyễn Văn Linh, Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, các khu công nghiệp Hiệp Phước, Long Hậu và cảng SPCT (tại Khu công nghiệp Hiệp Phước), nạo vét mở luồng sông Soài Rạp… Trong đó có những dự án hạ tầng đầu tiên của cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài, tạo đòn bẩy cho công tác thu hút đầu tư của thành phố. Những dự án do IPC và các đối tác thực hiện đã góp phần tác động tích cực, làm thay đổi bộ mặt kinh tế, xã hội, giáo dục, hạ tầng kỹ thuật, môi trường sinh thái… của thành phố nói chung và vùng đất phía Nam nói riêng, thúc đẩy xây dựng khu Nam thành phố trở thành khu đô thị giàu bản sắc văn hóa, hiện đại và văn minh.
Đến nay, có thể khẳng định IPC đã trở thành một trong những doanh nghiệp đầu đàn trong việc đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển kinh tế và đô thị, góp phần thực hiện chiến lược phát triển kinh tế “Tiến ra Biển Đông” và đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của thành phố.
Đạt được những thành tựu trên là do IPC có được sự đoàn kết nhất trí của những thế hệ lãnh đạo rất tâm huyết, có tầm nhìn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; luôn quan tâm tập hợp đội ngũ chuyên viên có năng lực, kinh nghiệm và tâm huyết ở tất cả các lĩnh vực cũng như nghiên cứu các mô hình phát triển của thế giới để chắt lọc, vận dụng linh hoạt vào đề án cụ thể của mình cho phù hợp.
Thay mặt lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh, tôi ghi nhận và biểu dương những thành tích mà các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, nhân viên IPC đã nỗ lực đạt được qua chặng đường 25 năm xây dựng và phát triển.
Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội ở khu vực phía Nam nói riêng và cả nước nói chung. Những năm qua, bằng sự nỗ lực, quyết tâm cao của toàn thể Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, TP. Hồ Chí Minh luôn duy trì tốc độ phát triển kinh tếổn định. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thành phố luôn ở mức tăng trưởng gấp 1,5 lần bình quân cả nước; đóng góp trên 20% GDP, 30% giá trị sản xuất công nghiệp, 30% tổng thu ngân sách cả nước. Vai trò của TP. Hồ Chí Minh ngày càng được nâng cao, không chỉ về kinh tế mà còn về văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, hội nhập quốc tế.
Trong thời gian tới, lãnh đạo thành phố kỳ vọng IPC sẽ có những đột phá trong lãnh đạo, điều hành để đạt được những thành tựu mới, ổn định và phát triển vững chắc.
Trước mắt, IPC cần thực hiện có hiệu quả việc tái cơ cấu theo quyết định đã được Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh phê duyệt giai đoạn 2013-2015. Bên cạnh đó, tập trung vào các mục tiêu chính gồm phát triển, xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu chế xuất, khu công nghiệp, cảng và đô thị; tập trung đầu tư các dự án phát triển Khu đô thị cảng Hiệp Phước; nghiên cứu thêm các cơ chế chính sách mới, đột phá để thu hút đầu tư… Đặc biệt, để khai thác tốt các tiềm năng phát triển của thành phố, việc nghiên cứu thành lập khu kinh tế đặc biệt của TP. Hồ Chí Minh là vô cùng cần thiết vì phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020, định hướng 2030; Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội TP. Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 252/QĐ-TTg ngày 13-2-2014 và Quyết định số 2631/QĐ-TTg ngày 31-12-2013. Đây sẽ là bước đột phá trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhập khẩu; thu hút đầu tư, phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, phát triển cơ sở hạ tầng; khai thác cảng biển để phát triển kinh tế biển trong tương lai… Do vậy, với vai trò quan trọng là thành viên Tổ công tác xây dựng đề án thành lập khu kinh tế đặc biệt của TP. Hồ Chí Minh, IPC cần tham gia tích cực vào công việc này theo đúng kế hoạch, góp phần xây dựng, phát triển khu vực phía Nam trở thành khu đô thị cảng hiện đại của thành phố.
Lãnh đạo thành phố hoàn toàn tin tưởng IPC với nội lực và bề dày kinh nghiệm qua chặng đường 25 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển sẽ thực hiện tốt các nhiệm vụ trên.
Thanh Toàn