Con số 24 ngàn tỉ USD này được nêu trong một báo cáo do Quỹ Thiên nhiên Thế giới (WWF) vừa công bố, là kết quả của một cuộc khảo sát rộng lớn, miêu tả các đại dương như một nguồn lực kinh tế khổng lồ và cảnh báo rằng tài nguyên biển đang cạn dần do sự lạm dụng khai thác, sử dụng không đúng mục tiêu và sự thay đổi khí hậu. Nếu so sánh với 10 nền kinh tế hàng đầu thế giới thì tài nguyên biển xếp thứ 7 với trị giá tài sản và dịch vụ hằng năm là 2.500 tỉ USD. Sau chín năm bàn thảo đầy căng thẳng, một Nhóm hành động của Liên Hiệp Quốc (U.N. Working Group) bao gồm đại diện của 193 nước thành viên đã đồng ý triệu tập một hội nghị liên chính phủ để dự thảo một hiệp định nhằm bảo tồn đời sống và tài nguyên biển khơi vốn đang được khai thác trong tình trạng phi luật pháp. Theo tiến sĩ Palitha Kohona, nguyên đại diện thường trực của Sri Lanka tại LHQ, hiện là đồng chủ trì của Working Group, tài nguyên biển khơi đang bị các tập đoàn lớn khai thác quá mức, đặc biệt là những tập đoàn khai thác dược liệu từ các loài sinh vật có rất nhiều ngoài biển khơi.
Theo xác định của LHQ, biển khơi gồm khu vực nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế của mỗi nước (EEZ), chiếm 64% diện tích toàn bộ đại dương, và đáy đại dương nằm ngoài thềm lục địa của các nước. Việc đánh bắt cá vô tội vạ, sự phá hủy rừng cây đước cùng với sự biến mất dần các rặng san hô, các bãi cỏ biển đã đe dọa nền kinh tế biển đang góp phần khá lớn vào cuộc sống của cư dân trên hành tinh. Điều này khiến cho từ hàng triệu năm qua, biển thay đổi nhanh hơn bất cứ nơi nào khác trên hành tinh này.Với mức độ nóng lên của trái đất như hiện nay, các rặng san hô vốn là nơi cung cấp nguồn thực phẩm và giúp chống lại bão tố sẽ biến mất hoàn toàn vào năm 2050. Không chỉ là sự nóng lên toàn cầu, thay đổi khí hậu còn bao gồm cả hiện tượng độ axit của nước biển tăng lên, đòi hỏi phải hàng trăm thế hệ con người mới giải quyết nổi. Lạm dụng khai thác là một khía cạnh khác của mối đe dọa tài nguyên biển, với 90% nguồn dự trữ cá bị khai thác quá mức hay khai thác hết sạch. Trong thời gian qua, chỉ riêng loài cá ngừ vây xanh ở Thái Bình Dương đã tụt giảm 96% sản lượng của chúng.
Trong số những giải pháp sẽ được đề xuất để đưa vào Các mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015 của LHQ (SDGs) thì việc đối phó với thay đổi khí hậu và bảo vệ tài nguyên biển ở gần bờ hay ngoài khơi xa sẽ là những hoạt động không thể thiếu nếu muốn cải thiện cuộc sống của mọi người.
Lê Cẩn tổng hợp (DNSGCT)