Ngân hàng Thế giới trong một báo cáo gần đây cho thấy 36% người dân độ tuổi trên 65, tức vào khoảng 211 triệu người đang sống trong khu vực Đông Á (gồm cả Đông Nam Á) và đây được xem là con số lớn nhất so với các khu vực khác.
Vẫn theo dự báo của định chế quốc tế này, đến năm 2040, hiện tượng già hóa sẽ làm cho dân số trong độ tuổi lao động giảm hơn 15% tại Hàn Quốc và hơn 10% tại Trung Quốc, Thái Lan và Nhật Bản. Ngân hàng Thế giới cũng ước tính vào thời điểm ấy, Việt Nam sẽ có 18 triệu người trên 65 tuổi, chiếm 18% dân số nằm ngoài lực lượng lao động. Đây được xem là tốc độ gia tăng nhanh và các quốc gia sẽ nghĩ đến việc nhập lao động trẻ từ các nước lân cận.
Tốc độ già hóa nhanh trên quy mô lớn đã tạo ra thách thức áp lực kinh tế và tài chính cũng như các rủi ro xã hội khác. Báo cáo cho rằng hệ thống các nước chưa được chuẩn bị để đối mặt với các khoản chi chữa bệnh vì các bệnh như bệnh tim, ung thư, tiểu đường và các bệnh mãn tính khác sẽ chiếm 85% tổng chi phí chữa bệnh vào năm 2030. Ngoài ra lớp người cao tuổi sẽ nhận được ít sự chăm sóc từ gia đình hơn so với hiện nay.
Dân số là nguồn lực mạnh đối với quá trình phát triển. Ngân hàng Thế giới cho rằng các nước thông qua chính sách của mình sẽ giúp người dân thích ứng với hiện tượng già hóa nhanh chóng, khuyến khích các biện pháp tăng cường sức khỏe và khả năng lao động cho người cao tuổi.
- A.T