Quỹ quốc tế Phát triển Nông nghiệp (IFAD) vừa công bố một báo cáo cho biết dòng tiền của người di cư sống phần lớn ở các nước phát triển gửi về gia đình họ ở các nước có thu nhập thấp đã tăng gấp rưỡi trong thập niên qua. Năm 2007, dòng tiền này đạt 296 tỉ USD, đến năm 2016 tăng lên 445 tỉ USD, giúp đưa nhiều gia đình trên thế giới ra khỏi cảnh nghèo đói. Người di cư đang sống ở Mỹ gửi về nước nhiều tiền nhất, kế đến là ở Ả Rập Saudi và Nga. Top 10 quốc gia có người gửi tiền về gia đình nhiều nhất phần lớn ở châu Âu và vùng Vịnh, chiếm 50% dòng tiền hằng năm. Theo nhận định của bản báo cáo, sự kiện này mang lại nhiều tin tốt lành. Trước hết, nó làm gia tăng số lao động di cư trên toàn thế giới; kế đó, nó nâng cao sự phát triển bền vững ở những nước nhận được tiền gửi về, đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ và Philippines. Châu Á nhận được gần 55% dòng tiền chuyển về từ các nước phát triển. Chúng được các gia đình thụ hưởng sử dụng vào các mục đích cá nhân, như tăng cường mức chăm sóc sức khỏe, giáo dục, an toàn thực phẩm…
Tuy nhiên, nếu xét kỹ về tỷ lệ dòng tiền được người lao động di cư làm ra thì khoản tiền họ gửi về cho gia đình họ ở các nước có thu nhập thấp chưa thể nói là nhiều. Tiền họ kiếm được chiếm đến 4% GDP, trong khi tiền họ gửi về nước chỉ chiếm 0,65% GDP của nước đó. Như vậy có đến 85% số tiền người lao động di cư kiếm được còn nằm ở đất nước (phát triển) nơi họ làm việc và sinh sống. Nói cách khác, con số 445 tỉ USD họ gửi về nhà năm 2016 chỉ chiếm 15% tổng thu nhập của họ, lên đến hàng ngàn tỉ USD. Đề cập đến khu vực kinh tế chịu sự tác động mạnh của dòng tiền được gửi về, người đứng đầu nhóm soạn báo cáo của IFAD là Pedro de Vasconcelos cho biết đó là khu vực nông thôn và chỉ cần một thao tác mở tài khoản tiết kiệm đủ để làm thay đổi cuộc đời họ. Theo các dữ liệu thống kê mới nhất, trên thế giới, cứ bảy người thì có một người hoặc gửi tiền kiếm được ở ngoài nước về nhà hoặc nhận được tiền do thân nhân lao động ngoài nước gửi về. Như vậy số người này vào khoảng 1 tỉ. Ngay cả trong những trường hợp nền kinh tế thế giới gặp khó khăn như cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, khoản tiền do người lao động di cư gửi về nước họ vẫn ổn định. Có hai lý do giải thích cho sự kiện này, một là nó phản ánh nhu cầu về người lao động di cư tại các nước phát triển khi dân số của họ ngày một già đi, do tuổi thọ tăng cao, việc chăm sóc sức khỏe chu đáo; hai là do người lao động di cư lúc nào cũng sẵn sàng tinh thần hy sinh, chịu cực nhọc để gia đình họ được sống thoải mái hơn.
Hiện nay, tỷ lệ gia tăng khoản tiền do người lao động di cư gửi về nước đã vượt quá tỷ lệ gia tăng của dòng người di cư trên toàn cầu, khoảng 800 triệu người sống dựa vào 200 triệu người di cư trên khắp thế giới.
- LHCT tổng hợp
Xem thêm:
- Liên Hiệp Quốc tạo 1 triệu ngày lao động cho người di cư và tỵ nạn
- Hiện có 1 tỉ người di cư trên thế giới
- Người di cư bất hợp pháp tại Mỹ – vấn đề nóng bỏng