Bỏ ra 12 năm ròng rã để thu thập tư liệu, chứng cứ hầu giải mã “nụ cười bí ẩn” của nàng Mona Lisa, một nhà sử học nghệ thuật vừa cho ra đời cuốn sách mới nhất về tuyệt tác La Gioconda của Leonardo da Vinci.
Năm thế kỷ sau khi được nhà danh họa Ý vẽ, bức chân dung nàng Mona Lisa với nụ cười bí ẩn vẫn làm say đắm lòng người và luôn thu hút những đám đông khách tham quan khi họ đến với Bảo tàng Louvre ở Paris. Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu từ nghệ thuật đến khoa học, từ tâm lý đến sinh học về nụ cười Mona Lisa cũng như các sách tiểu sử về nhân vật hội họa lạ lùng này song dường như vẫn chưa đủ và cuốn sách mới nhất của William Varvel đã đưa ra những kiến giải khá mới.
Với tựa đề Phu nhân lên tiếng: Giải mã những bí ẩn của Mona Lisa (The Lady Speaks: Uncovering the Secrets of the Mona Lisa), tác phẩm của William Varvel dày 224 trang in (do nhà Brown Books Publishing Group xuất bản tháng 2-2014) khẳng định rằng La Gioconda là một nhà hoạt động nữ quyền ở thế kỷ XVI; và vào thời mà nữ giới còn bị đối xử phân biệt cũng như nhà thờ Thiên Chúa giáo ở Roma có quyền uy tối thượng thì chính cô vợ yêu của Francesco del Giocondo – một thương nhân tơ lụa giàu có xứ Florence – là người đã đề xướng một vai trò lớn hơn cho nữ giới trong nhà thờ Công giáo.
Ông William Varvel, 53 tuổi, nguyên là một giáo sư toán học nhưng say mê nghệ thuật và trở thành một nhà nghiên cứu mỹ thuật, một nhà sử học nghệ thuật không chuyên. Trong một cuộc phỏng vấn với Hãng AFP, William Varvel cho biết: “La Gioconda có lẽ là một người phát ngôn mạnh mẽ về nữ quyền”. Để minh chứng cho lập luận này, ông đã đưa ra một giả thuyết có liên hệ với nhiều giả thuyết khác – có thứ thì nghiêm túc, có thứ chỉ là tưởng tượng – nhưng tất cả đều xoay quanh bức tranh chân dung Mona Lisa, tác phẩm hội họa có lẽ nổi tiếng nhất thế giới, và có lẽ cũng là bức tranh đắt giá nhất thế giới (tháng 3-1962, khi Chính phủ Pháp cho nước Mỹ mượn bức La Gioconda để triển lãm tại New York và thủ đô Washington, tác phẩm đã được ước định giá để bảo hiểm ở mức 100 triệu USD; số tiền này tương đương khoảng 700 triệu USD năm 2009 khi tính mức lạm phát theo chỉ số giá tiêu dùng Mỹ, đến nay thì con số phải lên đến… 1 tỉ USD!).
Phu nhân Lisa del Giocondo, sinh ra trong một gia đình quý tộc ở Florence rồi làm vợ một thương nhân giàu có chuyên buôn tơ lụa và có với ông năm người con. Francesco del Giocondo đã đặt hàng họa sĩ Leonardo da Vinci vẽ chân dung vợ mình. Da Vinci khi đó vừa hoàn tất tác phẩm hoành tráng Bữa tiệc ly cho một dòng tu kín ở Milan, bức tranh mà ông đã bỏ ra mấy năm trời miệt mài vẽ. Trong sách của mình, tác giả William Varvel lý giải rằng dù da Vinci đã vẽ rất nhiều tranh đề tài tôn giáo nhưng ông cũng nhìn trước được sự ra đời của một xã hội lý tưởng, ở đó “quyền của nữ giới đối với giáo giới được ghi nhận”. Từ đó, khi vẽ chân dung phu nhân Gioconda, họa sĩ đã xây dựng và đặt vào bối cảnh của bức tranh tổng cộng 40 biểu tượng tôn giáo được ông lấy từ Kinh Cựu ước. Và đó cũng là lời giải cho nụ cười bí ẩn của Mona Lisa: nụ cười ấy phản ánh những biểu tượng tôn giáo trong một chân dung phụ nữ.
- Xem thêm: Chị của Mona Lisa
Tuy nhiên, còn bao lời giải khác chung quanh nụ cười bí ẩn đó. Như bà Laure Fagnart, chuyên gia về nghệ thuật thời Phục hưng của Đại học Liege (Bỉ) khẳng định: “Thậm chí có thể nói rằng nàng (Mona Lisa) là một người đàn ông, thậm chí đó chính là chân dung tự họa của Leonardo da Vinci”.
Trở lại với cuốn sách của William Varvel, điều lạ lùng là dù mất nhiều năm để viết nó, ngay từ lúc ông có ý định nghiên cứu về bức chân dung La Gioconda cho tới khi sách ra đời, được nhiều người tìm đọc thế mà tác giả vẫn chưa bao giờ tận mắt ngắm nhìn bức tranh quý giá bậc nhất ấy. “Tôi không muốn lao vào cuộc chiến với đám đông vây quanh để ngắm La Gioconda. Nếu có tới Paris, tôi sẽ đến Bảo tàng Louvre nếu tôi có được một chuyến tham quan riêng. Nếu họ không cho phép, tôi sẽ không đến”, ông Varvel nói vậy.