Đối với nhiều bậc cha mẹ, thách thức hàng đầu của họ chính là việc nuôi dạy trẻ, chăm sóc và cho chúng ăn uống lành mạnh. Vô số cha mẹ có những đứa trẻ chỉ muốn ăn burger gà, pizza, mì spaghetti, mì ống phô mai, khoai tây chiên, hoặc tất cả các loại trên, và chắc chắn chúng không bao giờ đề cập đến bất kỳ loại rau nào.
Đó là một vấn đề khó khăn trong suốt cả năm, nhất là vào kỳ nghỉ hè, nhưng vào thời gian đi học, nó có thể trở nên căng thẳng hơn, vì cha mẹ đang muốn bắt đầu lại hoặc ít nhất là cho trẻ ăn trưa với một bữa ăn lành mạnh. Vậy cha mẹ phải làm gì? Đầu tiên, đừng căng thẳng, xin hãy nghe lời khuyên tuyệt vời của một số chuyên gia về ăn uống và họ cũng chính là những bậc cha mẹ trên khắp thế giới, có thể giúp cho việc ăn uống trong gia đình bạn trở nên nhẹ nhàng hơn.
1. Đừng để trẻ ăn vặt
Đừng để con bạn bị mắc kẹt với đường, theo Agatha Achindu, một bà mẹ 3 con, sinh trưởng tại Cameroon, Tây Phi, cũng là người sáng lập ra thực phẩm hữu cơ dành cho trẻ em Yummy Spoonfuls năm 2006. “Đường có trong tất cả các thực phẩm đóng gói, dưới hình thức này hay hình thức khác”, Achindu nói. “Tránh các loại soda, nước có gas và đồ uống có đường khác pha chế tại nhà, đọc kỹ nhãn và không mua bất cứ thứ gì có thêm đường”.
Cha mẹ không thể kiểm soát được mọi thứ con họ ăn, đặc biệt là khi chúng không ở nhà, nhưng cha mẹ có thể dạy cho chúng một nền tảng tốt về sức khỏe. Achindu đề nghị một cách đơn giản là không mang đồ ăn vặt vào nhà: “Nếu không có, chúng sẽ không ăn. Đừng nài nỉ hoặc đe dọa hoặc mua chuộc con trẻ để chúng ăn thực phẩm lành mạnh, vì những chiến thuật đó không hiệu quả. Và đừng đánh giá thị hiếu của con trẻ bằng chính bạn. Bạn có thể không thích bông cải xanh, nhưng con bạn không phải là bạn. Nó có thể thích những thực phẩm mà bạn không quan tâm”.
2. Làm cho thức ăn thú vị
Lori Day, một nhà tâm lý học và tư vấn giáo dục, kể mẹ cô luôn nói rằng cô là một người ăn “khủng khiếp” và sẽ là nghiệp chướng nếu con gái cô cũng giống như cô. Nhưng đó không phải là những gì đã xảy ra. Khi con gái đầu còn nhỏ, Day nghĩ rằng nếu cô bé thấy thức ăn thú vị, có nhiều khả năng cô bé sẽ thử nó. Vì vậy, Day tập để cho con gái bóc vỏ đậu, sau đó tập đếm chúng, sắp xếp chúng theo kích cỡ và chơi với chúng trước khi cho chúng vào nồi. “Cô bé trở nên thích ăn đậu sống hoặc nấu chín”, Day nói.
Tương tự với hến hoặc vẹm đã trở thành một trong những món ăn yêu thích của con gái Day. Cô bé thích thú kiểm tra vẹm và chăm chú tìm kiếm những con chết để vứt đi, tìm hiểu về sinh học của chúng và tập tách thịt chúng ra sau khi nấu chín.
“Lời khuyên chính của tôi là làm cho thức ăn trở nên thú vị nếu con bạn cảm thấy hứng thú, tò mò, thích khoa học tự nhiên và sẵn sàng tham gia”, Day nói.
3. Cho trẻ tham gia nấu ăn
Một số cha mẹ đã giới thiệu về việc đưa con cái của họ đến chợ nông sản hoặc cửa hàng thực phẩm và nhờ họ giúp nấu ăn có thể khiến trẻ trở nên hào hứng hơn và chú ý vào những gì chúng đang ăn. “Trẻ em có quyền được truyền cảm hứng để ăn uống lành mạnh hơn khi chúng được góp phần trong quá trình lập kế hoạch bữa ăn trong ngày”. Margaret McSweeney, người dẫn chương trình Kitchen Chat, đã phỏng vấn khoảng 200 đầu bếp, tác giả sách dạy nấu ăn và các chuyên gia trong ngành thực phẩm, kết luận: “Một chuyến đi đến nông trại hoặc công ty chế biến có thể là một cuộc phiêu lưu và kết nối trẻ với nguồn thực phẩm lành mạnh”.
Monica Sakala, một bà mẹ 2 con, người điều hành Công ty Tư vấn truyền thông xã hội Soma Strategies, cho biết cô rất ngạc nhiên trước sức hấp dẫn từ việc trồng rau của gia đình đã khuyến khích việc ăn uống lành mạnh ở trẻ. “Đây là mùa hè thứ 3 của trẻ với một vườn rau. Chúng hăng hái chạy ra ngoài trời, tay chân lấm đất và thích thú khi nhặt rau. Tôi thấy chúng vui vẻ rửa và ăn cả rau tươi”.
4. Cho trẻ lựa chọn
Ava Parnass, một nhà trị liệu tâm lý trẻ sơ sinh và tác giả của Hungry Feelings Not Hungry Tummy, nói rằng từ khi con còn nhỏ, cha mẹ nên hướng dẫn để con mình chọn thực phẩm, trái cây, rau và đồ ăn nhẹ mà chúng thích, và không bao giờ đấu tranh quyền lực với con bạn về ăn uống, thực phẩm hoặc thậm chí thực phẩm lành mạnh, “Hãy chắc chắn rằng bạn không kiểm soát quá mức, quá ít hoặc giảng thuyết quá nhiều cho họ, nếu không họ sẽ nổi loạn trong lĩnh vực thực phẩm”.
5. Sáng tạo
Rachel Matos, một chiến lược gia tiếp thị truyền thông xã hội, nói rằng con trai tuổi teen của cô sẽ sống bằng cánh gà và Pop-Tarts nếu cô không sáng tạo món ăn cho cậu bé. Cậu kén ăn rau xanh nhưng lại thích nước ép, vì vậy thay vì tranh cãi mỗi tối trong bữa ăn, cô mua một máy ép trái cây và bắt đầu làm nước ép tự nhiên nhưng dần dần thêm vào đó cải xoăn, rau bina và các loại rau xanh khác. Cậu ấy có nhận thấy sự thay đổi về màu sắc nhưng vẫn tiếp tục thưởng thức hương vị, vì vậy mỗi ngày, cô càng thêm nhiều rau xanh. “Bây giờ, con trai tôi có thể uống một thức uống cải xoăn hoặc rau bina mà không có vấn đề. Các loại nước ép đã giúp cậu ấy cảm nhận hương vị từ rau và tự cảm thấy sức khỏe tốt hơn như thế nào khi uống chúng liên tục”, cô nói.
McSweeney, người dẫn chương trình cũng có một ý tưởng khác dành cho trẻ nhỏ. Cha mẹ có thể trình bày thực phẩm lành mạnh theo cách sáng tạo, chẳng hạn như tổ chức một đêm màu tím. “Mọi người đều mặc đồ màu tím cho bữa ăn màu tím. Các món trong thực đơn có thể bao gồm ớt tím, súp lơ tím, khoai tây tím, nho và cà tím, mọi người cùng thưởng thức ngày màu tím”.
6. Ăn uống lành mạnh
Các con của chúng tôi thường theo dõi và bắt chước mọi thứ chúng tôi làm, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi chúng có thể đưa ra lựa chọn tốt hơn nếu chúng xem chúng tôi làm như vậy. Pam Moore, người sáng lập blog Whatevs cho biết những đứa con của cô, 3 và 5 tuổi, luôn thấy cha mẹ ăn uống lành mạnh. “Chúng tôi thường thêm rau xanh vào trứng (rau bina, cải xoăn, củ cải Thụy Sĩ…) cho bữa sáng. Tôi cho rau xanh vào sinh tố của mình. Tôi thường rửa và thái lát các loại ớt chuông, cà rốt, dưa chuột, để ăn nhẹ, và chúng cũng hưởng ứng”.
Parnass, tác giả và nhà trị liệu tâm lý nói thêm: “Con cái chúng tôi sẽ yêu cầu ăn gì cho mỗi ngày vì chúng muốn sao chép những gì chúng tôi làm, không phải những gì chúng tôi nói”.
7. Đừng ép trẻ ăn hết phần ăn trên đĩa
Cherylyn Harley LeBon, một luật sư, chiến lược gia và là mẹ của 2 đứa trẻ, nói rằng khi chúng còn nhỏ, cô không bao giờ ép chúng ở lại bàn ăn để ăn hết phần ăn trong đĩa khi chúng đã ngán. “Nếu chúng không muốn ăn hết rau hoặc phần ăn, chúng có thể rời khỏi bàn, nhưng chỉ cần cho chúng biết sẽ không có gì khác để ăn”, cô nói.
Moore, trên blog Whatevs, cho biết vợ chồng cô không bao giờ ép con mình ăn bất cứ thứ gì và không có thói quen chuẩn bị cho chúng một bữa tối riêng biệt. “Nếu chúng không ăn, chúng tôi nói rằng không sao, nhưng đó là tất cả, và các con có thể ăn lại vào bữa sáng hôm sau”, cô nói. “Nếu chúng muốn xin thêm món bít tết, nhưng chưa ăn xong các thứ rau trên đĩa, chúng tôi chỉ cần bảo các con nên ăn hết những gì trên đĩa trước khi thêm bít tết vào”.
8. Từ ngữ quan trọng
John Furjanic, một người cha độc thân, cho biết con gái anh là đứa trẻ có tầm vóc nhỏ thứ hai trong lớp tiểu học của bé và cô bé có nhận thức sâu sắc về sự khác biệt kích thước giữa cô và các bạn cùng lớp. Gần đây, cô bé đã làm Furjanic ngạc nhiên khi lặp lại một trong những câu thần chú của mình, đó là “Protein xây dựng cơ bắp, protein xây dựng cơ bắp”.
“Chính tôi đã gập tay và cho con bé thấy thế nào là cơ bắp và tôi nói về cách ăn uống sao cho có cơ bắp và điều đó đã làm con bé trợn tròn mắt, lắng nghe, và tôi thật sự phấn khích khi con bé yêu cầu tôi làm gà, bít tết và trứng”.
9. Trẻ tự cảm nhận màu sắc của thực phẩm
Kathy Beymer, người sáng lập trang web thủ công Merriment Design, nói rằng mẹ cô đã dạy rằng nên ăn nhiều màu sắc trên đĩa của mình, vì vậy sau này cô đã truyền ý tưởng này lại cho 2 con và cho biết: “Chúng tôi nói về ý nghĩa và tác dụng tốt của màu thực phẩm và cách tốt nhất là tạo ra những bữa ăn có nhiều màu sắc khác nhau, một chút đỏ, một chút xanh lá cây, một chút cam, một chút màu vàng”. Nếu tất cả mọi thứ trên đĩa là màu be, thì đó không phải là một bữa ăn lành mạnh và chúng sẽ tự biết cần bổ sung những thực phẩm nào có màu sáng hơn.
10. Đóng gói “bữa trưa không xả rác”
Julie Cole, mẹ của 6 người con và đồng sáng lập của Công ty Dán nhãn Mabel’s Label, nói rằng việc đóng gói “bữa trưa không xả rác” có nghĩa là cha mẹ sẽ không gửi cho trẻ những thức ăn nhẹ đóng gói sẵn chứa nhiều muối hoặc đường. Hãy chuyển sang đóng gói nhiều trái cây tươi và rau tươi, đây chính là những thức ăn lành mạnh và tốt cho môi trường.
11. Thí nghiệm
Jennifer Bosse, mẹ của hai cậu bé 4 và 6 tuổi, đã phân tích chế độ ăn uống của gia đình vài năm trước và nhận ra cần có một số “điều chỉnh” mà họ có thể thực hiện để đảm bảo ăn uống lành mạnh hơn. Họ thấy mình đang tiêu thụ rất nhiều bánh mì trong mỗi bữa ăn và mì ống vào bữa trưa và bữa tối hàng tuần. Vì vậy, cô đã làm một số nghiên cứu và bắt đầu thử những điều mới.
Thay vì mì ống cho spaghetti, cô chuyển sang spaghetti bí đao. Sử dụng các loại bột chế biến khác như dừa và hạnh nhân để làm bánh muffin. Thay vì dầu, cô sử dụng sauce táo không đường. “Tôi đã làm một số món ăn mà các chàng trai của tôi cực kỳ yêu thích, nhưng đó là cả một quá trình thí nghiệm đang diễn ra. Tôi nghĩ như mọi thứ khác trong cuộc sống, ăn uống điều độ chính là chìa khóa của sự sống”.