Văn phòng Liên Hiệp Quốc phối hợp các vấn đề nhân đạo (OCHA) vừa công bố một báo cáo về cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Yemen, theo đó, hiện có trên 17 triệu người đang sống trong những điều kiện “không an toàn về thực phẩm”. Trong số này, 6,8 triệu người ở trong tình trạng “nghiêm trọng” cần sự giúp đỡ khẩn cấp và 2 triệu trẻ em suy dinh dưỡng nặng. Với tổng dân số Yemen 27,4 triệu người, lượng người cần hỗ trợ thực phẩm kể trên là một con số khổng lồ! Các kết quả khảo sát cho thấy cuộc khủng hoảng nhân đạo hiện nay tại Yemen xuất phát từ các nguyên nhân sau:
Đầu tiên là sự vi phạm nhân quyền trầm trọng. Theo nhận định của OCHA, các bên liên quan trong cuộc xung đột đều vi phạm luật nhân đạo quốc tế và luật nhân quyền quốc tế. Các cuộc không kích tiếp tục gây ra những thương vong lớn cho thường dân, làm thiệt hại nhiều hạ tầng cơ sở công và tư. Từ tháng 3-2015 đến nay, trên 3 triệu người phải rời bỏ chỗ ở trong nước, 73% trong số này sống tạm trong gia đình người khác, 20% trong những trung tâm cộng đồng, một số khác phải quay về những ngôi nhà rách nát.
Tiếp đến, là sự tổn thất cơ sở hạ tầng ước tính khoảng 19 tỉ USD, khoảng 50% GDP của Yeman vào năm 2013. Những cuộc không kích, pháo kích cùng các hình thức tấn công khác đã hủy hoại nhiều cầu, đường, nhà máy và chợ, tác động mạnh lên đời sống người dân.
Tiếp nữa, giá cả các hàng hóa cơ bản tăng 22% so với thời gian trước cuộc khủng hoảng. Dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Trung ương giảm từ 4,7 tỉ USD vào cuối năm 2014 xuống không đến 1 tỉ USD vào tháng 9-2016; thâm hụt ngân sách tăng 50%, lên đến 2,2 tỉ USD. Lương giáo viên, nhân viên y tế và nhiều lĩnh vực công khác không được thanh toán đều đặn, khiến 1,25 triệu công nhân viên cùng 6,9 triệu người ăn theo họ – chiếm gần 30% dân số – lâm vào tình trạng khó khăn khi vật giá leo thang. Hậu quả là dịch vụ giáo dục không đáp ứng được yêu cầu ngày càng tăng của công chúng, về y tế, chỉ có 45% cơ sở khám chữa bệnh còn hoạt động đầy đủ.
Cuối cùng, là sự lệ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu. Theo các dữ liệu của OCHA, Yemen hiện phải nhập khẩu 90% thực phẩm chủ yếu, nhập gần toàn bộ xăng dầu và thuốc chữa bệnh. Khoảng 8 triệu người Yemen không tìm được kế sinh nhai, khoảng 2 triệu trẻ em trong độ tuổi đi học không được đến trường. Dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Trung ương giảm mạnh càng khiến hoạt động nhập khẩu gặp nhiều khó khăn hơn nữa.
Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, cần 2,1 tỉ USD để cung cấp thực phẩm, chất dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe và các hình thức hỗ trợ khác cho hàng triệu dân Yemen. Để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo tại nước này, cộng đồng quốc tế, trong đó Liên Hiệp Quốc, Thụy Điển và Thụy Sĩ giữ vai trò nòng cốt, đang xúc tiến những biện pháp cấp thiết nhất, nhưng vấn đề này còn cần sự đóng góp nhiều hơn nữa của nhiều quốc gia khác trên thế giới.
- Lê Nguyễn tổng hợp
Xem thêm:
- 20 triệu người có thể chết đói trong sáu tháng tới
- Liên Hiệp Quốc tạo 1 triệu ngày lao động cho người di cư và tỵ nạn
- Mỹ cắt giảm phần đóng góp, Liên Hiệp Quốc gặp khó