Để giải quyết việc làm cho những lao động qua đào tạo đang thất nghiệp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang xây dựng dự thảo Đề án đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2025. Một số thị trường lao động được hướng tới như Nhật Bản, Hàn Quốc, CHLB Đức, Slovakia…
Đề án trên hiện mới xong dự thảo lần 1 và đang được tiếp tục chỉnh sửa, trong đó sẽ đưa ra những giải pháp hỗ trợ, giải quyết một phần lao động tốt nghiệp cao đẳng, đại học ra trường chưa tìm được việc làm trong nước.
Hiện nay Việt Nam có đến hơn 200.000 cử nhân đang thất nghiệp, nhưng những phân tích cụ thể để đánh giá tình hình này vẫn chưa có. Chẳng hạn người tốt nghiệp đại học đang thất nghiệp thuộc nhóm đối tượng nào, học ngành nghề gì (kỹ thuật hay xã hội); thất nghiệp vì không tìm được việc làm, hay tìm được việc làm nhưng không đáp ứng được nhu cầu cá nhân nên không đi làm… Đây là những dữ liệu quan trọng để tính tới nhu cầu thị trường quốc tế và đưa ra giải pháp thực hiện.
Ông Phạm Đỗ Nhật Tân, Phó chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam (VAMAS) cho rằng, việc đưa được lao động qua đào tạo, có trình độ kỹ thuật của Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài khả thi hay không còn tùy từng ngành nghề. Ông dẫn chứng, như vừa qua thí điểm đưa lao động điều dưỡng, y tá sang làm ở Nhật Bản, CHLB Đức được phía bạn tiếp nhận đánh giá cao về chuyên môn; hay lao động ngành công nghệ thông tin sang làm việc tại Nhật Bản, Singapore; thợ hàn bậc cao sang Hàn Quốc… những ngành nghề đó đều rất khả thi, dù lao động phải đào tạo thêm trước khi đưa đi nước ngoài.
Vấn đề được quan tâm hiện nay là chất lượng và ngành nghề chúng ta đào tạo có phù hợp với nhu cầu các nước hay không, bởi không phải cứ cử nhân học ngành nghề gì cũng có thể đưa đi làm việc ở nước ngoài được. Đây là điều cần nghiên cứu kỹ lưỡng và cụ thể, phù hợp với yêu cầu thị trường các nước đang cần gì, mức độ chuyên môn tới đâu, nhu cầu bao nhiêu…
Theo Báo cáo thị trường lao động do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội công bố, hiện cả nước có hơn 398,5 nghìn lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật (tốt nghiệp từ trung cấp trở lên) chưa có việc làm.
Năm 2016, Việt Nam đưa được hơn 126 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài (tăng 8,8% so với năm 2015). Đây là năm thứ ba liên tiếp số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vượt mức 100 nghìn người/năm. Trong đó thị trường trọng điểm tiếp nhận lao động Việt Nam vẫn là Đài Loan (hơn 68,2 nghìn người), Nhật Bản (hơn 39,9 nghìn người), Hàn Quốc (hơn 8,4 nghìn người)… Năm 2017, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đặt mục tiêu đưa 105.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Số lao động có trình độ cao đẳng, đại học trở lên không có việc làm có xu hướng tăng và trở thành nhóm có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong các bậc trình độ chuyên môn kỹ thuật. Tình trạng cử nhân tự đánh giá năng lực bản thân cao hơn khả năng đáp ứng công việc trên thực tế cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp ngày càng tăng.
Thất nghiệp do chưa tìm được việc làm theo ý muốn là một thực tế đang phổ biến hiện nay. Theo số liệu thống kê, cứ 10 sinh viên tốt nghiệp ra trường, có tới sáu người thiếu kỹ năng và tiếng Anh; trong 10 cử nhân thì có tới bốn người thiếu kiến thức chuyên môn. Vậy nên, cứ 10 doanh nghiệp tuyển dụng, có tới sáu doanh nghiệp không hài lòng về chất lượng đào tạo ở bậc cao đẳng, đại học và sau đại học. Chính vì học không đi đôi với hành, nên đa số người tốt nghiệp đại học lúng túng trước các câu hỏi thực tế của nhà tuyển dụng.
Do các ứng viên chưa nhận thức được các giá trị trên thị trường lao động nên thường xuyên nhảy việc khi thấy có vị trí việc làm tốt hơn và thu nhập cao hơn, kể cả làm việc trái ngành, trái nghề. Mặc dù đây là đòi hỏi chính đáng của người lao động nhưng lại mâu thuẫn với nhu cầu tuyển dụng của các công ty.
Cử nhân mới ra trường hoặc đã tốt nghiệp nhiều năm nhưng lại chưa có việc làm, thậm chí là thạc sĩ cũng chấp nhận làm trái ngành được đào tạo. Sự dư thừa về lao động có trình độ dẫn đến tình trạng hơn 100.000 cử nhân đang làm những công việc đơn giản, không yêu cầu bằng cấp đang là thực tế của thị trường lao động hiện nay.
Theo các chuyên gia thì ngay trong năm 2017 này sẽ có khoảng 200.000 cử nhân, thạc sĩ sẽ thất nghiệp. Thực tế trong những năm gần đây chúng ta thấy rằng tỷ lệ lao động tốt nghiệp đại học, cao đẳng có tỷ lệ thất nghiệp cao hơn nhóm lao động khác. Điều này xuất phát từ một số nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Trước hết, trong cơ cấu đào tạo hiện nay thì số lượng đào tạo đại học, cao đẳng cao hơn hẳn so với bậc trung cấp, sơ cấp. Hiện nay, trong tỷ lệ đào tạo chung, thì một người được đào tạo đại học thì chỉ có 0,36% là cao đẳng và 0,68% là trung cấp và 0,86% là sơ cấp.
Sự “lệch pha” này xuất phát từ nhiều phía. Trước tiên là gia đình thường hướng con em mình vào học ngành nghề để có thể kiếm được việc làm trong khu vực nhà nước mà họ cho rằng ổn định hơn cả. Thứ hai là hoạt động tư vấn giới thiệu việc làm và hướng nghiệp cho các em học sinh trong nhà trường chưa được tốt. Trong khi đó thông tin thị trường lao động, nhất là việc kết nối cung và cầu thị trường lao động nhiều người, nhiều học sinh, nhiều gia đình không nắm được các doanh nghiệp họ đang cần loại lao động nào, trình độ nào để hướng con em mình và học ngành nghề đó. Chất lượng đào tạo tại các trường, cơ sở giáo dục đào tạo cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp.
Thực trạng hàng trăm nghìn sinh viên tốt nghiệp ra trường không có việc làm gây lãng phí cho gia đình và xã hội, tuy nhiên điều này không phải chỉ ở riêng nước ta, nhiều nước trên thế giới sinh viên tốt nghiệp vẫn có tỷ lệ thất nghiệp nhất định, xuất phát từ nguyên nhân khách quan là không có sự gắn kết chặt chẽ giữa cung và cầu lao động.
Để giảm được tỷ lệ cử nhân ra trường thất nghiệp cần phải có hàng loạt các biện pháp lâu dài, không phải một sớm một chiều có thể thay đổi nhận thức của gia đình, của xã hội. Nhưng trên tất cả và quan trọng nhất vẫn là sự cần thiết cải cách hệ thống giáo dục để nâng cao chất lượng đào tạo.
- Gia Minh
Xem thêm: