Từ khi đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng được tiến hành cách nay hơn ba năm, xử lý nợ xấu vẫn luôn được nhắc đến như một trong những điểm mấu chốt cần được giải quyết. Thực ra thì nợ xấu sẽ vẫn tồn tại một khi ngân hàng còn hoạt động cung cấp tín dụng, bởi vậy, cũng không nên quá quan trọng hóa vấn đề này. Để xử lý nợ xấu, các ngân hàng thương mại đã tăng chi phí trích lập dự phòng rủi ro, chấp nhận giảm lợi nhuận và bán một phần nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Đến nay, những thành quả đạt được của các ngân hàng là khá đáng kể, thanh khoản của hệ thống tốt, không còn tình trạng các tổ chức tín dụng phải vay mượn nhau với lãi suất cao như trước, tăng trưởng tín dụng cũng đang ở mức lạc quan… Tuy nhiên, có một vấn đề nổi cộm hiện nay, đó là tốc độ xử lý nợ xấu của VAMC vẫn còn chậm và quan trọng hơn, đơn vị này đang khá bế tắc trong khâu xử lý. VAMC đã mua được khoảng 161 ngàn tỉ đồng nợ xấu, nhưng mới xử lý tài sản được khoảng 8.700 tỉ đồng, tương đương khoảng 5% số nợ mua vào. Các chuyên gia lo ngại rằng nếu không được bổ sung thêm quyền mới cho VAMC, quá trình xử lý nợ xấu sẽ bị tắc nghẽn.
Nếu chia tiến trình xử lý nợ xấu của cả hệ thống ngân hàng thành hai giai đoạn, thì giai đoạn đầu tiên – xử lý khối nợ xấu từ trong sổ sách của các ngân hàng thương mại, nhờ đó doanh nghiệp, khách hàng có thể tiếp cận vốn vay ngân hàng, đồng thời các ngân hàng thương mại có điều kiện để cho vay giúp cho tăng trưởng tín dụng – xem như đã hoàn thành. Nhưng giai đoạn thứ hai, khi VAMC xử lý khối nợ xấu mua về đó, thì có nhiều vấn đề phát sinh, cần phải có sự tham gia tích cực của các tổ chức, đơn vị liên quan, để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, quy trình thủ tục, thực thi pháp luật liên quan đến tín dụng ngân hàng, đặc biệt là liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm, tài sản thế chấp. Các chuyên gia kinh tế đều chung quan điểm rằng cần trao cho VAMC cơ chế đặc biệt, ít nhất là trong giai đoạn hiện nay, để giải quyết nợ xấu. Trong một cuộc hội thảo được tổ chức gần đây về xử lý nợ xấu, người đứng đầu VAMC khẳng định, nếu có được cơ chế này, chỉ cần một tháng, VAMC sẽ xử lý và thu được 10 ngàn tỉ đồng từ nợ xấu. Theo đó, có bốn quyền mà VAMC cần để xử lý nợ xấu. Thứ nhất, họ phải có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khách hàng vay nợ. Thứ hai, VAMC có quyền cưỡng chế như thi hành án. Thứ ba, công ty này có quyền đề nghị khởi tố nếu khách hàng vay nợ không trả. Và cuối cùng, VAMC có quyền đấu giá phát mại tài sản bảo đảm không cần khách hàng đồng ý hay không. Còn hiện nay, dù VAMC mua các khoản nợ xấu của các tổ chức tín dụng thì cũng không biết bán cho ai, vì thị trường mua bán nợ chưa được hình thành. Nếu có bán, cũng chỉ là các công ty mua bán nợ của nhà nước mua bán với nhau. Cũng do chưa có quy định cụ thể, nên nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tới các khoản nợ xấu do VAMC mua được, tìm đến trao đổi để mua bán nợ với VAMC thì không thu được kết quả gì. Vậy nên VAMC vẫn đang mua rồi… để đấy, chờ đợi những quy định.
Đã đến lúc, Quốc hội cần nhanh chóng có kế hoạch ban hành luật để xử lý nợ xấu hoặc ít nhất là một nghị định để tháo gỡ những vướng mắc pháp lý trong xử lý nợ xấu. Nếu không thì vào cuối năm nay, khi VAMC hoàn tất công tác thu mua nợ xấu, chỉ có sổ sách của các ngân hàng thương mại là “đẹp”, còn thực chất khối nợ xấu vẫn không được giải quyết.
Minh Hằng (DNSGCT)