Sau Tết Âm lịch là mùa lễ hội tưng bừng trên khắp cả nước, đặc biệt tập trung khá dày tại các tỉnh phía Bắc. Các lễ hội ngày nay đều xuất phát từ truyền thống dân tộc, mang nhiều ý nghĩa lịch sử, văn hóa nên thu hút đông đảo người dân tham gia. Tuy nhiên, đã xuất hiện nhiều biểu hiện biến tướng lễ hội rất đáng báo động.
Trước tiên là tình trạng chen lấn, giẫm đạp, tranh giành nhau cướp lộc, mà điển hình là tại lễ hội Gióng (thuộc huyện Sóc Sơn, Hà Nội) và lễ hội cướp phết cầu may tại sân đình Đông Lai (xã Bàn Giản, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) trong các ngày 24 và 25-2. Từ nghi thức tranh lộc vui vẻ đầu xuân, những người dự lễ đã bị kích động, lao vào giằng xé, xô đẩy, cướp giật, ẩu đả nhau hết sức phản văn hóa, thậm chí có kẻ manh động cầm dao bầu chạy vào đám đông la hét đe dọa, rượt đuổi các đối tượng khác, gây mất trật tự, an ninh.
Vụ tranh cướp chiếu cói mong sinh quý tử tại lễ hội Đúc Bụt lại gây đổ máu trong chiều 26-2 ở thôn Phù Liễn (xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc) cũng mang tính chất tương tự. Các ban tổ chức lễ hội đã đề phòng khả năng hỗn loạn tại lễ hội nhưng một số nơi cho lực lượng thanh niên phục vụ cầm gậy tre vụt đám đông cướp lộc lại càng gây hỗn loạn, phản cảm. Ban tổ chức lễ hội đền Trần (tỉnh Nam Định) đã rút được nhiều kinh nghiệm, chủ động phát ấn sớm nhưng tình trạng chen lấn, xô đẩy, ném tiền lên kiệu ấn và nhiều hành vi phi văn hóa khác vẫn cứ xảy ra ngay trong giờ khai ấn. Tương tự, tại lễ hội bà chúa Kho tại khu Cổ Mễ (phường Vũ Ninh, TP. Bắc Ninh), những hành vi vượt ra ngoài ý thức tâm linh như khấn thuê – lễ mướn, đốt vàng mã đặc khói lửa… vẫn diễn ra bất chấp mọi quy định.
Mặc dù đã có những tiến bộ trong việc tổ chức lễ hội nhưng đây đó vẫn tồn tại những biến tướng khác, ví dụ “hoành tráng hóa” quá mức sân khấu lễ hội, “hiện đại hóa” nghi lễ một cách méo mó, tạo “cống phẩm kỷ lục” thật to lớn… đều tốn kém, lãng phí, vô ích. Nạn chặt chém du khách thì hầu như là căn bệnh nan y, chưa có thuốc đặc trị. Nhiều ý kiến cho rằng kinh tế thị trường tạo ra nhiều hình thái cạnh tranh, len lỏi vào những tư tưởng của người dân và khi có điều kiện thì bộc phát thành những hành vi không lành mạnh. Bên cạnh đó, năng lực tổ chức lễ hội của một số địa phương còn hạn chế. Về mặt pháp luật, văn bản pháp quy gần đây nhất là Quy chế tổ chức lễ hội do Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin ban hành từ năm 2001 xem ra đã đến lúc cần được điều chỉnh, nâng cao, cụ thể hóa hơn cho phù hợp với thực tế.
Nguyễn Thắng (DNSGCT)