Một nhóm chuyên gia trong lĩnh vực công nghiệp ẩm thực đã được trang mạng BBC Good Food mời tiên đoán về các xu hướng ẩm thực, bếp núc có ảnh hưởng lớn trên bình diện toàn cầu trong năm mới 2017. Số đông nhân loại sẽ mua sắm thực phẩm, đồ dùng nhà bếp, nấu nướng và ăn uống như thế nào trong những ngày tháng sắp tới? Theo các chuyên gia, sẽ có những xu hướng chính được trình bày dưới đây.
Không lãng phí chút nào
Đó là xu hướng tận dụng tối đa nguyên vật liệu để chế biến thức ăn, không bỏ phí chút nào hoặc giảm đến mức tối thiểu những thứ phải loại bỏ trong quá trình nấu nướng. Đã có những nhà hàng đi tiên phong với xu hướng này như Silo ở Brighton, một thành phố biển chỉ cách thủ đô London của nước Anh khoảng một giờ lái xe. Silo là nhà hàng đầu tiên trên thế giới hoàn toàn không bỏ phí chút nguyên vật liệu nào khi chế biến các món ăn phục vụ thực khách. Điều này ngược hẳn với một trong những ngành công nghiệp để lại rác thải nhiều nhất, phí phạm nhiều nhất là nhà hàng. Thay vì dùng các phương tiện kỹ thuật cao để làm bếp, Silo trở lại với những cách thức nấu nướng truyền thống, thực phẩm hữu cơ để làm nên những món ngon và lành. Chẳng hạn, bánh ngọt của Silo được làm từ bột lúa mì 100% hữu cơ, kem được làm từ sữa bò được chăn nuôi trên đồng cỏ.
Tương tự, đã có các công ty chế biến thực phẩm tận dụng tối đa nguyên liệu như Rubies in the Rubble ở Anh với sản phẩm là các loại mứt, tương, nước xốt làm từ trái cây đã bị loại bỏ chỉ vì chúng trông không đẹp mắt, không đáp ứng được các yêu cầu về trưng bày ở cửa hàng, siêu thị… Cô Jenny Dawson – người sáng lập công ty, khi dạo qua các chợ rau trái ở London đã nảy ra ý tưởng tận dụng các loại trái cây, rau củ như xoài, việt quất, cà chua, ớt… dù chất lượng còn đảm bảo, ăn tốt nhưng đã sớm bị loại bỏ chỉ vì yếu tố thẩm mỹ của chúng. Sản phẩm của Rubies in the Rubble nay rất thông dụng tại Anh và nhiều nước vì giá rẻ mà chất lượng không hề thua kém các thương hiệu khác cùng loại.
Món ngon trên mạng xã hội
Năm 2016 vừa qua, một khảo sát trên toàn nước Anh của BBC Good Food cho thấy có đến 40% số người thuộc thế hệ được gọi là Millennials (để chỉ những người lớn lên cùng các phương tiện truyền thông xã hội, ở độ tuổi từ 18-35, có thể chỉ mới bước vào đại học hoặc cũng có thể đã đi làm được năm, mười năm) luôn post lên các mạng xã hội thông dụng như Facebook, Twitter, Instagram những gì họ được ăn và cả những gì họ tự nấu nướng. Các nhà hàng, công ty thực phẩm đã hướng tới nhu cầu, sở thích ẩm thực của thế hệ này để chế biến những thứ như bánh mì vòng sắc cầu vồng (rainbow baguette), hamburger đen hay cà phê tảo xanh… Trông kỳ lạ, thậm chí đáng sợ nhưng thật ra các món ăn, thức uống này đều lành và phải ngon miệng mới thu hút được giới trẻ.
Công nghệ thông minh trong nhà bếp
Loại chảo chiên, nướng thông minh – có thể giúp người làm bếp chế biến nhiều món ăn nhờ kết hợp với điện thoại thông minh – và các thiết bị, dụng cụ nhà bếp hiện đại nhất khiến con người như đang sống trong các phim khoa học viễn tưởng. Chẳng hạn dụng cụ để pha trà có tên Totali-Tea giúp tính lượng trà cần pha, hãm và ép trà (cả trà lá lẫn trà túi lọc) sao cho người dùng có được một tách trà ngon nhất, hay hệ thống bảo quản rượu vang Coravin cho phép người dùng hút rượu ra khỏi chai mà không cần mở nút chai, hoặc máy rang cà phê IKAWA điều khiển bằng iPad…
Uống nước giải khát không cồn
Những nghiên cứu xã hội học được tiến hành gần đây cho thấy Thế hệ Z (Gen Z, thuật ngữ để chỉ những người sinh sau năm 1995, hiện ước khoảng 2 tỉ người trên toàn thế giới) uống rượu bia ít hơn các thế hệ đi trước, và họ đánh giá chất lượng nước giải khát qua những gì uống hằng ngày. Do vậy, có thể tiên đoán các thức uống không cồn sẽ chiếm lĩnh thị trường năm tới, đặc biệt là những thức uống chế biến lành mạnh, tốt cho sức khỏe, hiện được giới trẻ từ Đông sang Tây ưa chuộng như nước tinh khiết được lọc bằng than hoạt tính, nước ép thủy lực lạnh (cold-pressed juice: nước ép trái cây hay rau củ sử dụng công nghệ ép thủy lực lạnh nhằm giữ được toàn bộ chất dinh dưỡng và bảo đảm độ tinh khiết nhất).
Ngoài ra, còn có các loại rượu không cồn như Seedlip, được chưng cất từ sáu loại thực vật có khắp nơi trên thế giới, hay mocktail – được pha chế như cocktail nhưng khác biệt ở chỗ không có rượu nền; chất tạo màu và tạo mùi của mocktail cũng tuyệt đối không có cồn, thường chỉ dùng trái cây tươi, sữa, trà, cà phê, trứng hoặc các loại thức uống đóng hộp, đóng chai như nước trái cây, nước ngọt, sirô, soda chanh…
Ăn rong biển
Trong vài năm trở lại đây, thế giới đang chứng kiến sự bùng nổ của ẩm thực chay hay nấu ăn chỉ thuần rau củ, không thịt cá. Nhu cầu về rau củ ngày càng tăng mạnh khiến không lâu nữa có thể dẫn tới việc khan hiếm nguyên liệu xanh. Một nguồn rau xanh khổng lồ đã và đang được nuôi trồng, khai thác từ đại dương: rong biển, tảo biển. Loại rau sạch này còn được dùng làm chất thay thế muối và chế biến thành nhiều loại thức ăn, thông dụng nhất là tại Nhật Bản và đang lan rộng khắp thế giới.
Ngày nay, có thể tìm loại rong biển nori ở hầu khắp các siêu thị, cửa hàng thực phẩm các nước. Rong nori được dùng trong bữa ăn hằng ngày tại Nhật, làm món sushi, mì ramen, salad, ăn với cơm… và thường được bán dưới dạng đã sấy khô, ép thành từng miếng vuông mỏng. Các loại rong tảo biển có giá trị dinh dưỡng cao, hàm lượng protein cao vượt trội so với lúa mì, lại giàu vitamin A, C, B12, rất thích hợp với người ăn chay.
Đồ ăn muối chua, thức uống lên men
Xu hướng ẩm thực mới còn tôn vinh các loại thực phẩm tốt cho đường ruột (gut health), đó là lý do các loại đồ ăn, thức uống muối chua hay để lên men ngày càng được ưa chuộng, chẳng hạn món kimchi truyền thống của người Hàn Quốc, các loại dưa chua vùng Yucatan của Mexico (hành đỏ muối chua, củ cải trắng muối chua, ớt xanh Jalapeños muối chua…). Về đồ uống thì trà kombucha được lên men bằng nấm con giống đã nhanh chóng được những người yêu thích thực phẩm lành mạnh ưa chuộng.
Ăn côn trùng
Ý tưởng dùng côn trùng như một nguồn protein đã có từ lâu và từng được nhiều đầu bếp nổi tiếng đưa vào thực đơn các nhà hàng, song chỉ tới vài năm gần đây thì nhu cầu côn trùng trong ẩm thực mới tăng mạnh. Người ta cho côn trùng vào bánh pancake, bán côn trùng ở các cửa hàng thực phẩm… Đặc biệt là chuỗi cửa hàng thức ăn di động Thomasina Miers’s Wahaca ở Anh vốn nổi tiếng với các món ăn đường phố Mexico nay cũng bán nhiều món ăn chế biến từ côn trùng.
Đầu bếp Thomasina Jean “Tommi” Miers (sinh năm 1976), người đoạt giải MasterChef của chương trình truyền hình ẩm thực BBC năm 2005 là một trong những nhà tiên phong trong việc dùng côn trùng làm món ăn, không ngờ ăn côn trùng đang trở thành một xu hướng ẩm thực quan trọng của năm 2017 và những năm sau đó nữa…
- Lưu Hương