Mỹ tuyên bố hôm 18-10 sẽ ưu tiên hợp tác với Ấn Độ nhiều hơn so với Trung Quốc trong thế kỷ tới để thúc đẩy một khu vực châu Á – Thái Bình Dương tự do và rộng mở do các nền dân chủ thịnh vượng dẫn đầu.
Bài phát biểu sôi nổi của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson tại một diễn đàn về quan hệ Mỹ – Ấn có mục đích chuẩn bị cho chuyến thăm vào tuần tới đến Ấn Độ, đối thủ chính của Trung Quốc ở châu Á. Bài diễn văn nêu ra tầm nhìn về “đối tác chiến lược” giữa Washington và New Delhi trong 100 năm.
Nhân vật được Tổng thống Donald Trump giao trách nhiệm lãnh đạo ngành ngoại giao Mỹ, cũng nhân dịp này so sánh Hoa Kỳ và Ấn Độ là “hai nền dân chủ lớn nhất thế giới”.
Washington và New Delhi từ lâu đã xây dựng mối quan hệ vững chắc hơn, nhưng ông Tillerson nêu ra một trong những ví dụ rõ ràng nhất, đó là các giá trị chung làm nền móng cho mối quan hệ này đã làm cho Ấn Độ và Hoa Kỳ là đối tác lý tưởng của nhau.
Bài diễn văn của ông Tillerson còn được coi như một lời cảnh báo đối với Trung Quốc, rằng Washington sẽ xây dựng các liên minh khu vực để chống lại sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc, đồng thời thúc đẩy thương mại tự do và các tuyến đường biển rộng mở.
Ông nói: “Hoa Kỳ và Ấn Độ đang ngày càng trở thành đối tác toàn cầu của nhau với nhiều điểm chung về chiến lược”.
“Nhân dân Ấn Độ và nhân dân Mỹ không chỉ cùng yêu chuộng dân chủ, mà còn có chung tầm nhìn về tương lai”, Ngoại trưởng Tillerson phát biểu, dự báo về mối quan hệ trong 100 năm tới.
Hứa hẹn rằng một khu vực “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” sẽ thịnh vượng và an ninh hơn, ông Tillerson thúc giục Ấn Độ – một nước có nhiều luật bảo hộ – hãy mở cửa biên giới lớn hơn cho thương mại khu vực và thương mại với Hoa Kỳ.
Một quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao Mỹ đề nghị giấu tên nói với các phóng viên về các chủ đề chính của bài diễn văn. Vị này nói ý tưởng về một “Thái Bình Dương mới” là một ưu tiên của cả ông Trump lẫn ông Tillerson.
Nói một cách cụ thể, điều này có nghĩa là có một sự dàn xếp bốn bên gồm Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ hợp tác để “neo giữ” khu vực vô cùng rộng lớn này, đồng thời đặt ra các tiêu chuẩn về thương mại và an ninh. Không nêu rõ ra, nhưng kế hoạch này không bao gồm Trung Quốc.
Giữa lúc Ấn Độ đang dần trỗi dậy để trở thành một nền kinh tế hùng mạnh, nước này đã tránh tham gia các liên minh phức tạp, mà thay vào đó, muốn duy trì mối quan hệ thận trọng với cả Washington lẫn Bắc Kinh, tuy nhiên ông Trump đã xây dựng mối quan hệ nồng ấm với Thủ tướng Narendra Modi.
- Đ.N theo AFP, CNN