Báo New York Times từng giới thiệu: Việt phủ Thành Chương(*) là một trong bốn điểm đến văn hóa quan trọng bậc nhất ở Hà Nội mà du khách cần tham quan khi đến thăm thủ đô Việt Nam; đến đây sau khi đã ngắm nhìn không chán mắt những kiến trúc đậm nét dân gian Bắc bộ cùng một kho tàng cổ vật, những người yêu thích nghệ thuật tạo hình còn được dịp thưởng lãm một bộ sưu tập tranh đặc sắc.
Đó là bộ sưu tập các tác phẩm hội họa của chính chủ nhân Việt phủ: họa sĩ Thành Chương. Hầu như trong từng ngôi nhà, từng điểm tham quan ở đây đều có tranh Thành Chương được vẽ bằng sơn dầu và sơn mài – hai chất liệu quen thuộc trong sáng tác của ông: những chân dung tự họa với gương mặt tròn, cái đầu trọc và đôi mục kỉnh mà có hồi là đề tài tranh “best-seller” (bán chạy nhất) của ông khi mà tranh Việt Nam rất được ưa chuộng ở các thị trường tranh châu Á; những chân dung phụ nữ mà không ai khác hơn là người vợ hiện nay của ông và những chân dung trẻ thơ – mấy đứa con của ông.
Nhưng tập trung với số lượng lớn và có khá nhiều bức kích thước rất lớn là khu trưng bày tác phẩm, một gallery tranh Thành Chương giữa lòng Việt phủ. Trong mấy gian nhà rộng và thoáng, họa sĩ trưng bày những tranh sơn mài với bảng màu chói gắt, rực rỡ và với hình ảnh con trâu, trẻ mục đồng, vầng trăng khuyết hay đầy, chiếc nón lá và những cánh diều tuổi thơ quen thuộc trong hội họa Thành Chương – “những hình hài đan chéo vào nhau tạo thành các bố cục lập thể ngẫu hứng bất ngờ, những cái mặt ngửa lên trời hoặc lấp ló, hoặc ngoẹo đầu rất kiểu “dân gian”, nhiều tính ước lệ, giống như ở các hình chạm khắc đình làng Việt Nam, nơi các phường thợ xưa kia nhiều khi do bản gỗ hẹp mà phải tùy tiện co kéo hình, bất chấp tỷ lệ về màu sắc, Thành Chương hay dùng những mảng màu nguyên, tươi rói, tương phản mạnh, nhiều tính trang trí như cách dùng màu của Matisse và nhóm họa sĩ dã thú. Nhưng bảng màu của ông còn lạ lẫm, táo bạo và đi xa hơn thế nhiều. Đó là những màu như đỏ son, hồng điều, cánh sen, xanh nõn chuối, xanh cánh chả, vàng kim, vàng hòe,… loại màu mà các họa sĩ thường e ngại, tránh dùng song lại chính là những màu đặc trưng nhất ở trang phục truyền thống và trang trí lễ hội làng quê Việt Nam, mớ ba mớ bảy – tung tẩy sặc sỡ… Tranh Thành Chương vì thế mà chứa đựng một tinh thần dân gian sâu nặng, từ chủ đề nội dung cho đến cách dùng màu sắc, cách dùng nét và mảng phẳng, nhiều tính trang trí ước lệ… Có thể gọi đó là tranh dân gian Việt Nam hiện đại” (nhận định của nhà phê bình mỹ thuật Bùi Như Hương).
Nếu may mắn, khách tham quan có thể gặp chính tác giả những bức tranh đồng dao ngộ nghĩnh ấy và được ông nói thêm đôi điều về thế giới tranh của mình – một thế giới vẫn tràn ngập những ám ảnh tuổi thơ hồn nhiên và gian khó nhưng đầy ắp say mê sắc màu, bởi Thành Chương đã thể hiện năng khiếu nghệ thuật từ rất sớm và bắt đầu vẽ từ năm lên sáu với sự khuyến khích của thân phụ là nhà văn Kim Lân. Nói về cái thế giới tranh ấy, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính từng viết: “Nhiều năm xem tranh và đồ họa của họa sĩ Thành Chương, tôi cứ phân vân về phong cách biểu đạt không giống ai của anh. Dĩ nhiên, nhận ra dấu ấn ảnh hưởng của chủ nghĩa lập thể quốc tế, song cái phần kia, cái phần của riêng anh và là cái chất Thành Chương, bắt nguồn từ đâu? Tôi đã có cho mình câu trả lời khi lang thang giữa bộ sưu tập chảy thành mạch, thành dòng trong không gian Việt phủ… Cùng với tranh và cùng với Việt phủ Thành Chương, chợt nghĩ, Thành Chương cũng đã trở thành niềm ngạc nhiên và sự thán phục”.
(*) Địa chỉ: Xã Hiền Ninh, dốc Dây Diều, đập Kèo Cà, thị trấn Sóc Sơn, Hà Nội
- Y Chiêu