Lý Đăng Huy – 33 tuổi, nói với nhà báo: “Khi còn nhỏ, tôi chỉ biết sông Sài Gòn là cái bến Bạch Đằng. Lớn lên tôi mới biết dòng sông “quá trời” dài, gắn liền với TP.HCM. Vậy mà mọi hoạt động của tôi với dòng sông chỉ gói gọn trong việc đi ra bến Bạch Đằng. Khi tôi trò chuyện với bạn bè, họ cũng thờ ơ và nghĩ dòng sông là ngập, dơ, hôi, nhiều rác. Không ai nhớ rằng Sài Gòn phát triển từ dòng sông ấy”.
Người kiến trúc sư này đã nói lên phần nào cảm giác phổ biến trong không ít người dân thành phố, nhất là giới trẻ, khi nhận ra hình ảnh và giá trị rộng lớn của dòng sông bị phôi pha một thời gian dài. Giờ đây, khi chính quyền thành phố nhận thức phải “xoay trục”, chuyển hướng phát triển đô thị về phía sông Sài Gòn, nhiều cuộc thảo luận về các dự án tương lai đang mở ra.
Mô hình kinh tế nào cho vùng đất hai bên bờ sông? Những dự án nào cần ưu tiên thực hiện trong 10 – 20 năm tới? Chưa kết luận, song sông Sài Gòn với độ dài hơn 250 km, chạy uốn khúc nối cửa biển Cần Giờ với cả Đồng Nai Thượng và đồng bằng sông Cửu Long đang rất cần được hưng phục và cách tân.
Những nét vàng son cổ điển
Sông Sài Gòn là một biểu tượng sống động của lịch sử mở mang miền đất phương Nam. Người Việt định cư và làm giàu cho miền đất mới bắt đầu từ dòng sông này. Nhiều thế kỷ qua, nói đến Sài Gòn là nói đến cảng, đến sinh hoạt trên bến dưới thuyền, giao thương tấp nập khắp dòng sông chính và kênh rạch phụ lưu. Từ thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XX, dòng sông Sài Gòn, thuở đầu người Việt gọi là Tân Bình Giang, có lúc là Ngưu Chữ hay Bến Nghé – vừa là nơi diễn ra các cuộc thư hùng, vừa là thủy đạo kết hợp quốc phòng và kinh tế quan trọng bậc nhất cho toàn Nam bộ.
Sau ngày hòa bình 1975, hình ảnh những chuyến tàu khách Thống Nhất đưa đồng bào miền Bắc từ Hải Phòng vào Nam cập bến Nhà Rồng và ngược lại, không chỉ thể hiện tình nghĩa non sông mà còn minh chứng cho sự quan trọng của tuyến đường biển Bắc – Nam. Và rồi, những chuyến tàu viễn dương nhộn nhịp đến và đi từ các cảng Khánh Hội, Tân Thuận, Tân Cảng… mang hàng hóa Việt Nam ra với thế giới và ngược lại, thế giới vào Việt Nam. Qua cửa biển Cần Giờ, những con tàu container đồ sộ đi thẳng trung tâm thành phố và tỏa ra các tỉnh. Thêm nữa, những chiếc cruise lữ hành khổng lồ đưa một lượng lớn du khách “đổ bộ” Sài Gòn vào các mùa du lịch cao điểm.
Từ thập niên 1990, những con tàu cao tốc cánh ngầm nối thành phố với Vũng Tàu và một số tỉnh miền Tây trở nên quen thuộc. Trong ký ức người dân vẫn còn in đậm những chuyến phà Thủ Thiêm và những con đò Long Kiểng, An Phú Đông đều đặn là con thoi đưa khách hai bờ. Bên cạnh đấy, nhiều thế hệ không quên nhà máy đóng tàu Ba Son ở đầu rạch Thị Nghè và nhà máy cơ khí CARIC trên bờ Thủ Thiêm đối diện bến Bạch Đằng, là những dấu ấn công nghiệp lừng lẫy.
Tất cả hoạt động sông nước phồn thịnh đó là một phần máu thịt không thể thiếu của thành phố lớn lao. Tiếc thay, trong khoảng trên dưới một thập niên trở lại đây, khá nhiều hình ảnh “cổ điển” trên đã thay đổi. Có lẽ việc này bắt đầu từ năm 2009, khi cảng Sài Gòn di dời khỏi quận Tư để chuyển đến khu vực Hiệp Phước – Nhà Bè. Chẳng mấy chốc, khu vực cảng Khánh Hội – ra đời từ năm 1860, trở nên thưa vắng. Nhà kho, cầu cảng hoang phế, bến tàu chủ yếu chỉ có xà lan và tàu nhỏ ghé vào.
Hơn 47 ha khu vực cảng đã nằm trong “tầm ngắm” và những dự án chuyển thành khu căn hộ cao cấp, phức hợp thương mại của các tập đoàn địa ốc. Kế đến, vào năm 2014, toàn bộ Tân Cảng với gần 43 ha được “hóa phép” để xây dựng tại đây một khu phức hợp dân cư và thương mại hạng sang. Một năm sau, đến phiên nhà máy Ba Son với diện tích hơn 25 ha bị đóng cửa để dời ra Bà Rịa. Các công trình nhà xưởng và ụ tàu của Ba Son nhanh chóng bị phá bỏ nhường một phần đất để xây dựng ga metro, còn lại phần lớn đang mọc lên các nhà chọc trời và biệt thự cao cấp.
Trước đó, vào đầu những năm 2000, bản thân nhà máy CARIC với 12 ha ven sông đã “lên trời” cùng lúc với việc giải tỏa trắng ở Thủ Thiêm để xây dựng khu đô thị mới. Hiện tại, dòng sông Sài Gòn và ngay cả các dòng kênh nội thị như Thị Nghè, Nhiêu Lộc, Tàu Hũ, không còn nữa cảnh tàu thuyền qua lại đông đúc như các thế kỷ trước. Trong khi ấy, cảnh quan, nhà cửa, cầu cống ở hai bờ các sông rạch nhiều nơi cũng thay đổi lớn. Mặc dầu vậy, chân dung và hồn cốt tân tiến của những hoạt động kinh tế liên quan sông nước đô thị lại chưa hình thành rõ.
“Mỏ tài nguyên lộ thiên”
Với vùng sông Sài Gòn, bao gồm cửa biển Cần Giờ và các kênh rạch nội thị và xung quanh thành phố, nhiều khảo sát đã qua và mới đây cho thấy còn khá nhiều “dư địa” sinh lợi tại các nơi này. Trong năm 2020, chính quyền thành phố tổ chức hai đoàn khảo sát lớn để định hướng phát triển đô thị Cần Giờ.
Tháng 9.2021, ngay trước khi lệnh phong tỏa được gỡ bỏ, đã có một đoàn chuyên viên liên ngành đi tàu tìm hiểu sông nước và các đảo tại đây nhằm chuẩn bị cho thời kỳ bình thường mới. Trong tháng Tư vừa rồi, khoa Văn hóa học thuộc Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM liên tục tổ chức các chuyến khảo sát trên sông từ bến Bạch Đằng ngược lên Bình Dương và Tây Ninh, đồng thời xuôi về Long An và cả đi thuyền trên kênh Nhiêu Lộc. Tham gia các đoàn khảo sát, nhiều thành viên nhận thấy trong các “dư địa” có sẵn đang nổi lên một “mỏ tài nguyên lộ thiên” dễ khai thác nhất, chính là nguồn nguyên liệu cho “công nghiệp không khói”!
Thật vậy, hàng trăm đền miếu, bến nước, chợ búa, làng cổ, nhà cổ, xóm thủ công, xóm chài lưới, vườn trái cây, lễ hội dân gian hình thành quanh sông nước… đều là những điểm đến hấp dẫn – sẵn sàng phục vụ ngay cho du lịch. Nguồn cung dồi dào và đa dạng ấy đáp ứng ngay cho xu hướng về với thiên nhiên và văn hóa thư thái – ngày càng thịnh hành trong người dân nội địa và hải ngoại sau những năm tháng chịu đựng đại dịch khốc liệt.
Gần đây một số doanh nghiệp đề nghị chính quyền xây dựng vùng biển nhân tạo hay các khu giải trí hoành tráng kiểu Disneyland. Song thiết nghĩ tài nguyên sông biển của TP.HCM và các tỉnh thành tiếp giáp thực sự đã là một “đại công viên” waterland kỳ thú, bao gồm nhiều dự án độc đáo mà nhiều nước không có và thực hiện không quá tốn kém.
Nhiều sản phẩm du lịch khả thi cần được chú trọng và gia công thêm như tái tạo các trận thủy chiến và hoạt động đặc công Rừng Sác, không gian bảo tồn sinh quyển, các trại cá sấu. Hay như các tour du ngoạn qua sông núi – kênh rạch – thôn làng, bảo tàng Phù Nam, ẩm thực khẩn hoang, thể thao nước… Muốn phát triển ngành du lịch đi lên từ sông nước, các doanh nghiệp đang mong chính quyền làm sớm việc quy hoạch và cho thuê các bến bãi, chỉnh lý giao thông và cầu cống, tôn tạo các di tích lịch sử và có nhiều biện pháp giữ gìn sông nước sạch đẹp.
Nhà nước nên khuyến khích người dân các vùng ven sông nước và biển đảo không chỉ tham gia làm kinh tế du lịch mà còn góp phần bảo tồn thiên nhiên, văn hóa và môi trường. Chắc chắn việc phát triển công nghiệp du lịch sông biển sẽ kéo theo nhiều ngành kinh tế – kỹ thuật phụ trợ, kể cả viễn thông, tài chính và đào tạo. So ra kinh doanh du lịch sẽ mang lại nhiều lợi ích hài hòa cho xã hội hơn là kinh doanh địa ốc đơn thuần, đầu cơ chiếm giữ các vùng “đất vàng” ven sông biển.
Liên kết vùng, khơi dậy tư nhân và giới trẻ
Bản chất sông Sài Gòn đã là một liên kết tự nhiên, không có ranh giới hành chính. Là một phần của hệ thống sông Đồng Nai, dòng sông khởi đi qua các vùng đất Tây Ninh, Bình Dương và TP.HCM rồi đổ ra biển. Thêm nữa, thông với sông Sài Gòn là một hệ thống sông rạch và kênh đào nối TP.HCM với Vũng Tàu (đi thẳng rất gần là Côn Đảo), miền Đông và Tây Nam bộ.
Thời Pháp đã có các tuyến đường sông chở khách và hàng hóa từ Sài Gòn đi Phnôm Pênh, Siem Reap và ngay cả Bangkok. Xa xưa, tàu biển từ Sài Gòn tỏa đi Hồng Kông, Thượng Hải, Singapore, Marseille và nhiều nước khác. Sang thế kỷ XXI, việc phát triển kinh tế sông Sài Gòn càng đem lại lợi ích cho toàn vùng và cần sự chung sức của TP.HCM cùng các tỉnh chung quanh và thêm nữa là các nước lân cận.
Các ý định, dự án khai thác sông Sài Gòn rất cần được đưa vào kế hoạch hợp tác liên vùng và quốc tế – từ thủy lợi và môi trường đến giao thông, kinh tế, văn hóa. Qua đấy, các bên không thể không bắt tay cùng phân công xây dựng và điều hành các cảng, kho bãi, đường vận chuyển hàng hóa, khu chế xuất, khu công nghệ cao để tránh trùng lắp và lãng phí công suất. Trong thời đại kỹ thuật số, đã nảy sinh một nhu cầu liên kết mạnh mẽ là việc xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung cho khoa học, y tế, an ninh, tiếp thị và nhiều lĩnh vực kinh tế – xã hội.
Cùng với liên kết vùng, hai bờ sông Sài Gòn chỉ có thể hưng phục nhờ sự nối kết chặt chẽ giữa nhà nước và tư nhân. Đặc biệt, khái niệm tư nhân cần hiểu trước nhất là người dân. Khi người dân thấy rõ quyền lợi của mình và có sự đồng thuận với nhà nước cùng nhà đầu tư thì mới khởi động được các dự án.
Trong chuyến đi trên sông Sài Gòn cùng Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vào ngày 15.5, kiến trúc sư Hồ Đắc Vinh thẳng thắn đề nghị: “Nhà nước không cần thu hồi đất của dân mà cho người dân được tự do làm bờ kè, trang trí khu đất dọc sông để kinh doanh nhưng phải bảo đảm quyền tiếp cận của cộng đồng”. Còn kiến trúc sư trẻ Trần Quang Hiếu cho rằng chính quyền không nên sử dụng khu cảng Khánh Hội để làm khu phức hợp sang trọng mà nên lấy đây là khu vực bảo tồn về cả sinh thái, văn hóa và lịch sử – nơi người dân đến vui chơi và học hỏi. Cuộc thi “Hiến kế phát triển sông Sài Gòn” do báo Tuổi Trẻ tổ chức vừa rồi đã mở ra một sân chơi năng động cho giới trẻ đóng góp làm đẹp, làm giàu thành phố này nhiều hơn nữa.
Một cách lạc quan, chúng ta tin rằng sông Sài Gòn đang trở thành xa lộ ý tưởng, xa lộ sáng tạo của nhiều lớp người tâm huyết với đô thị, trong đó giới trẻ 20 – 30 tuổi sẽ là những tài xế chính. Đoàn xe đang tiến về phía trước khi những định hướng đúng đã bật đèn xanh. Là công dân sông biển, người dân Sài Gòn muôn đời nay luôn bươn chải, vượt khó, tìm đến các bến bờ thành công!
Kinh tế sông biển
Kinh tế sông nước, với TP.HCM còn là kinh tế sông biển, là một không gian hoạt động bao la. Trong các thế kỷ trước, nền kinh tế này bao gồm trước nhất là hàng hải – cảng vận – giao thương – đóng tàu. Kế đến là du lịch và giải trí ở biển đảo, sông rạch, ao hồ. Với những nơi giàu tài nguyên thủy sản và khoáng sản, còn có thêm các hoạt động khai thác và chế biến thủy hải sản cũng như công nghiệp dầu khí.
Từ cuối thế kỷ XX bước sang thế kỷ XXI, kinh nghiệm các nước tiên tiến cho thấy ngoài các mũi nhọn kinh tế – kỹ thuật kể trên, bắt đầu nảy nở mạnh mẽ nhiều ngành nghề mới. Tiêu biểu là các ngành năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió, thủy triều), tinh chế thực phẩm và dược phẩm từ biển, xây dựng công trình dưới nước và trên mặt nước, điều hành liên cảng, kỹ thuật môi trường nước…
Thời buổi 4.0, kinh tế sông biển đã và đang được hiện đại hóa, sử dụng kỹ thuật số và nhiều công nghệ kỳ vĩ, đáp ứng các nhu cầu đa dạng và nâng cao. Đặc biệt, trước các nguy cơ lớn về biến đổi khí hậu, nguồn nước cạn kiệt, kể cả xung đột biển đảo, các nước lớn và nhỏ trên thế giới đều ưu tiên nhiều hơn việc khai thác và bảo vệ các nguồn lợi sông biển.
- Xem thêm: Phục hưng Sài Gòn – ‘Kinh đô sông nước’