Sáng 20-12, các quốc gia thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã đạt thỏa thuận xóa bỏ trợ giá hàng xuất khẩu nông nghiệp, sau năm ngày đàm phán căng thẳng ở Nairobi, Kenya.
Theo thỏa thuận này, các quốc gia phát triển cam kết sẽ hủy bỏ cơ chế trợ giá hàng xuất khẩu nông nghiệp ngay lập tức, còn các nước đang phát triển sẽ thực hiện yêu cầu này từ năm 2018.
Tổng giám đốc WTO Roberto Azevedo mô tả thỏa thuận này “là kết quả quan trọng nhất về nông nghiệp” của WTO trong 20 năm lịch sử.
Ủy ban châu Âu (EC) đánh giá thỏa thuận đột phá sẽ giúp thương mại toàn cầu trở nên công bằng hơn. Đại diện thương mại Mỹ Michael Forman cho rằng quyết định của WTO sẽ giúp xóa bỏ những khoản trợ giá thương mại vô lý nhất và thể hiện rõ những gì có thể đạt được khi hệ thống thương mại đa phương cùng nhau giải quyết vấn đề.
Tuy nhiên, cuộc đàm phán ở Nairobi chưa khắc phục được mâu thuẫn sâu sắc giữa các nước phát triển và đang phát triển về đàm phán tự do thương mại toàn cầu Doha.
Tuyên bố chung của WTO chỉ cho biết “rất nhiều quốc gia thành viên cam kết thực hiện các mục tiêu Doha”, nhưng thừa nhận “các nước có quan điểm khác biệt về đàm phán”.
Đàm phán tự do thương mại Doha khởi động từ năm 2001, nhưng đến nay khối phát triển và đang phát triển vẫn chưa thể đạt được sự đồng thuận về cắt giảm thuế hàng công nghiệp và trợ giá nông nghiệp.
Giới chuyên môn cho rằng bế tắc này đã đẩy WTO vào một cuộc khủng hoảng. Sự lo ngại dành cho WTO càng gia tăng khi Mỹ và EU tập trung vào các thỏa thuận thương mại song phương và đa phương, điển hình như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa được 12 nước thành viên kết thúc đàm phán.
T.K theo AFP (DNSGCT)