Bất cứ ai trong cuộc đời lang bạt, xa nhà… ít nhất từng một lần mơ trở về mái nhà xưa, nghĩ về thời thơ ấu được nằm tùng tơn trên cái võng, thiu thiu ngủ và chờ mẹ gọi dậy… ăn cơm.
Kỷ niệm ùa về, đan xen trong suy nghĩ mỗi con người cho dù đang hạnh phúc hay đau khổ, thành công hay thất bại.
Con đường vào đời không ai giống ai. Chật vật với người này nhưng rộng mở với người khác là điều bình thường của cuộc sống. Có người tài giỏi nhưng mãi lận đận, cũng có người “tay không bắt giặc”, cơ hội, vận may đến cứ là nhẹ như không. Có người bôn ba, lao tâm khổ tứ mà cơ may chẳng bao giờ nở nụ cười…
Trên bước đường thành công hay thất bại đó, con người đều nghĩ về cha mẹ, (kiểu mơ) áo gấm về làng. Nhận một giải thưởng, tấm huy chương… nhiều người cho biết, đầu tiên họ nghĩ về song thân.
- Xem thêm: Món ăn từ ký ức
Hạnh phúc nhân đôi cho ai có cha mẹ ngồi bên dưới hàng ghế khán giả, tủi thân cho người không có ai ngắm nhìn mình khi ánh đèn flash lóe lên… Rồi đôi lần thất bại, người đầu tiên nghĩ đến cũng là cha mẹ.
Dù biết chắc chắn, câu an ủi động viên sẽ là: “Thôi đừng buồn, thua keo này bày keo khác, có sức khỏe là tốt rồi, cha mẹ không nghĩ gì đâu” và rất rõ, đằng sau câu nói ấy là nỗi buồn dồn nén, không dám để lộ nét gì trên gương mặt, sợ ảnh hưởng đến tâm lý của con. Điều con cần bây giờ là sự động viên, tiếp lửa.
Thành công hay thất bại, hai trạng thái tâm lý khác nhau nhưng cái ý nghĩ trở về mái nhà xưa, ngồi bên cha mẹ, nằm trên võng, nghe kỷ niệm rủ rỉ bên tai, nghe âm thanh ngày thơ ấu vọng về luôn giống nhau. Người vui, kỷ niệm buồn cũng thấy đẹp. Ký ức kéo về, cảm ơn những trận đòn của cha, những giọt nước mắt của mẹ để con có được ngày hôm nay.
Người buồn thì cầm cái gáo dừa múc nước đặt trên nắp lu dưới gốc cây cau cũng thấy nặng. Nhìn trái chanh, vạt rau tươi xanh mơn mởn mà thấy hắt hiu. Lùm bông trang rực đỏ một góc sân cũng trông như muốn khóc!
Thế nhưng, mọi thứ vui buồn biến đi trong trạng thái thiu ngủ, lơ mơ nghe tiếng nước dội bên thềm giếng, lũ gà lục cục đi ăn, tiếng lá hát trên tán cây xoài, mùi hoa mận nhẹ thoảng trong gió… Để thấy, ngày xưa còn bé ấy sao nhiều yêu thương, ngọt ngào quá đỗi.
Người sinh ra và lớn lên ở thành phố không có được ký ức hương đồng cỏ nội nhưng lại có nhiều điều thú vị về một thời tuổi nhỏ lang thang trong xóm, trên hè phố với đủ các kiểu trò chơi của con nít. Bạn bè rủ nhau trốn học, chui vào một xó nào đó… đánh bài, bị cha mẹ phát hiện ăn đòn nhừ tử… Mà người thành công hay thất bại đôi khi lại giống nhau ở chi tiết này.
Trên con đường mưu sinh có người lầm lũi, có người ngẩng cao đầu, có người tự tin thì cũng có người tự ti mặc cảm. Thế nhưng, ai cũng có ký ức về cha mẹ để nhớ như một cách làm mới, bước đi tiếp. Thành công nào cũng trả giá, cũng có lúc quá mệt mỏi.
Thất bại nào cũng ê chề, cũng có lúc muốn buông xuôi… Vấn đề là con người vẫn phải hằng ngày bước đi, tìm kiếm, lục lọi, tin tưởng, hoài nghi… Dù tương lai mơ hồ hay rõ nét thì nhiều lúc phải dựa vào “hậu phương” – có cha mẹ mà an tâm bước tới!
- Xem thêm: Lưu giữ kỷ niệm
Tuy nhiên, nhìn hay nghĩ về quá khứ thì dễ nhưng chỉ một hành động mua cái vé, xách balô về với cha mẹ đôi khi chỉ để nằm thiu thiu trên võng lại xa xỉ vô cùng; có người thú nhận, mấy chục năm, hẹn hoài lần lữa mà chưa một lần quay lại chốn xưa, vì lý do này, lý do khác.
Cũng có người chối bỏ, thề sẽ không bao giờ… với nhiều u uất, hận thù để rồi thời gian lững thững trôi, tưởng chậm mà hóa nhanh. Một ngày nghĩ lại, mọi thứ đã muộn!
Vậy thì, chần chừ gì, có cơ hội hãy mau chóng trở về nằm đùng đưa trên chiếc võng xưa, bỏ hết tiếng đời (hiện tại) sau lưng, dù đầu đã hai thứ tóc vẫn thấy mình còn thơ bé…