Thông tin tại Diễn đàn khởi nghiệp trong nông nghiệp diễn ra vào cuối tháng 3 vừa qua cho biết TP. Hồ Chí Minh là một trong các thành phố dẫn đầu cả nước về giá trị sản xuất trên mỗi hécta đất nông nghiệp, có nhiều sản phẩm nông sản đạt giá trị trên 1 tỉ đồng/ha mỗi năm. Nhưng tổng sản lượng ngành này chỉ mới đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu của người dân thành phố.
Vì vậy, những bạn trẻ khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp rất được hoan nghênh. Vì theo mục tiêu của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố là đến năm 2020, thành phố sẽ có khoảng 1.500 doanh nghiệp nông nghiệp hoạt động, cơ bản đáp ứng tiêu dùng các sản phẩm nông nghiệp an toàn của người dân.
Giới trẻ đầy nhiệt huyết
Tốt nghiệp ngành kỹ thuật máy tính của Trường Đại học Bách khoa TP.HCM, hai vợ chồng anh Phạm Thế Tư (sinh năm 1991) quyết định thuê đất ở Hóc Môn để trồng rau. Với số vốn ban đầu là 100 triệu đồng vay từ ngân hàng, hai người trẻ tìm thuê mảnh đất rộng lớn trong năm năm rồi giăng lưới để canh tác các loại rau thông dụng như rau muống, dền, đay, mồng tơi, rau cải các loại… Do quyết tâm trồng không hóa chất nhưng lại chưa ứng dụng được công nghệ hiện đại nên hai bạn thất bại nhiều năm đầu, rau bị sâu, bọ phá hại hoặc không lên nổi.
Đến khi chất lượng cây rau được cải thiện thì thời gian thu hoạch chậm. Giá rau lại cao hơn nhiều so với giá rau dùng thuốc và phân bón ngoài thị trường, từ 24.000 đồng đến 50.000 đồng một ký tùy loại. Trong nửa năm đầu, rau của anh Tư hầu như không bán được, phải đem cho hoặc bỏ đi. Nhưng với quyết tâm theo đuổi giấc mơ nông nghiệp sạch, đôi vợ chồng trẻ vẫn kiên trì xây dựng nhãn hiệu “Ước mơ rau xanh”…
Một chàng trai trẻ cũng quyết tâm khởi nghiệp về nông nghiệp ở quê hương Củ Chi là Nguyễn Văn Sang, sinh năm 1990. Từ nhỏ, anh đã luôn trăn trở là làm sao cho gia đình phát triển ngành nghề truyền thống của gia đình, đó là chăn nuôi gia súc gia cầm và trùn quế. Từ đó có thể giúp cho rất nhiều người làm nghề truyền thống này đồng thời giúp cho môi trường bớt ô nhiễm hơn từ việc chăn nuôi trùn quế. Anh mất ba năm và nhiều lần thất bại để có thể tìm hiểu về cách sấy khô trùn quế để bảo quản sản phẩm được lâu hơn.
Hiện nay, Nguyễn Văn Sang là chủ của Công ty cổ phần Trùn quế Củ Chi. Từ diện tích 300m2, hiện nay Sang mở rộng ra 1.000m2 để nuôi trùn quế, đồng thời bao tiêu thêm sản phẩm cho một số hộ ở Củ Chi. Anh tập trung sử dụng kênh marketing online với mười website để quảng bá thông tin, hình ảnh cho sản phẩm của trang trại. Sắp tới, anh sẽ cho ra mắt bộ công cụ giúp cho người trồng rau sạch tự sản xuất phân trùn tại nhà với chi phí chỉ tốn vài nghìn đồng cho một lít phân bón lá. Đến khi thị trường cung cấp sản phẩm cho rau sạch ổn định, Sang sẽ hướng nghiên cứu sản phẩm sang dành cho chăn nuôi…
Điều kiện thuận lợi về chính sách
“Hiện nay, xu hướng khởi nghiệp nông nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh đang gặp nhiều thuận lợi. Không chỉ được khuyến khích bởi các chính sách của thành phố, người làm nông còn dễ dàng tiếp cận các công nghệ mới từ các trung tâm về kỹ thuật nông nghiệp hàng đầu cả nước như: Trung tâm công nghệ sinh học, Khu nông nghiệp công nghệ cao… Hơn nữa, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng rất quan tâm đến các dự án tiềm năng”, ông Trần Tấn Quý, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố cho biết.
Mới đây, thành phố còn có quyết định tài trợ cho dự án khởi nghiệp nông nghiệp nằm trong Kế hoạch tổng thể hỗ trợ ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ vào nông nghiệp của thành phố giai đoạn 2016-2025. Theo đó, các nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp và nhóm khởi nghiệp có dự án nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn sẽ được hỗ trợ tối đa 70% kinh phí để triển khai, bao gồm các khâu tư vấn, thiết kế, chế tạo, chuyển giao kỹ thuật, đào tạo… nhưng không quá 300 triệu đồng cho mỗi dự án.
Để được nhận hỗ trợ, dự án phải được triển khai trên địa bàn thuộc năm quận – huyện của thành phố, bao gồm quận 9, quận 12, Bình Tân, Thủ Đức, Gò Vấp… là những khu vực được định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Sở Khoa học và Công nghệ thành phố là cơ quan sẽ chịu trách nhiệm xét duyệt các dự án có tính khả thi theo từng quý để cấp kinh phí hỗ trợ.
Cùng với việc khuyến khích khởi nghiệp nông nghiệp ứng dụng các công nghệ tiên tiến, TP. Hồ Chí Minh cũng đang mở rộng khu nông nghiệp công nghệ cao từ diện tích 200ha hiện tại lên mức 570ha vào năm 2020. Trước đó, vào đầu 2016, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố cũng đã đặt mục tiêu giá trị sản xuất bình quân mỗi hécta đất nông nghiệp của thành phố đạt 420 triệu đồng.
Ông Trần Quốc Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Giám đốc Ban Quản lý dự án “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu khoa học và công nghệ” (FIRST) cho biết: “Nút thắt” chính là sự liên kết giữa người có ý tưởng khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao với người nghiên cứu nhưng không biết chuyển giao ở đâu. Nếu hệ sinh thái khởi nghiệp hay hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia hình thành, phát triển mạnh mẽ thì sự hình thành khởi nghiệp nói chung, khởi nghiệp trong nông nghiệp công nghệ cao sẽ có nhiều khởi sắc”.
Cũng theo ông Trần Quốc Thắng, hiện Chính phủ đang có nhiều quyết sách, tạo ra sân chơi cho các nhà khởi nghiệp về nông nghiệp, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đang xây dựng chương trình hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp. Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là năng lực của chính các doanh nghiệp. Đầu tiên phải là ý tưởng sản phẩm, phải phân tích kỹ càng sản phẩm trong phân khúc nào, chiếm thị phần ra sao.
Thứ hai là công nghệ liên quan đáp ứng được các tiêu chí cao như vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, vấn đề môi trường, tiêu chuẩn kỹ thuật cao khi xuất khẩu. Vấn đề về đội ngũ thực hiện ý tưởng cũng rất quan trọng. Nếu những yếu tố này đều đảm bảo thì vấn đề huy động vốn cũng không quá khó khăn…