Cuối tuần qua (26-7) đã diễn ra một sự kiện quan trọng, đó là Lễ kỷ niệm 14 năm hoạt động thị trường chứng khoán và khánh thành tòa nhà Exchange Tower tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE), với sự tham dự của nhiều lãnh đạo cấp cao các bộ, ngành trung ương cũng như địa phương và đại diện các công ty niêm yết, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ hàng đầu của cả hai sở giao dịch.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết vốn hóa của thị trường cổ phiếu hiện đạt 52 tỉ USD, tương đương 32% GDP, trong khi quy mô của thị trường trái phiếu khoảng 17% GDP. Chứng khoán Việt Nam cũng lọt vào danh sách 10 thị trường tốt nhất thế giới. Sáu tháng đầu năm, chứng khoán phát đi những tín hiệu tích cực khi giá trị giao dịch bình quân tăng 58% so với cùng kỳ. Quy mô và phạm vi của thị trường đang từng ngày lớn mạnh, đến nay đã có gần 700 doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán và 147 doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên UPCom, tăng 140 lần so với năm 2000. Hai sàn Hà Nội và TP.HCM đã thu hút được khoảng 1,3 triệu tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài, với giá trị danh mục đạt 13 tỉ USD. Mới đây, Ủy ban chứng khoán của 20 nước châu Âu cũng đã ký kết phối hợp với cơ quan quản lý Việt Nam nhằm tạo điều kiện cho các quỹ từ khu vực này tham gia thị trường. Trong thời gian tới, dòng tiền ở nước ngoài được đánh giá sẽ tiếp tục chảy vào Việt Nam.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng nhấn mạnh việc các thành viên thị trường cần nỗ lực hơn nữa để đến năm 2020, chứng khoán trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn chủ đạo của nền kinh tế. Đây là một nhiệm vụ không đơn giản trong bối cảnh kinh tế hiện nay.
Thành tựu của thị trường 14 năm qua là rất lớn, nhưng diễn biến trên HoSE tuần qua thì khá buồn tẻ, thanh khoản sút giảm cùng với tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư, dù sau năm phiên giao dịch VN-Index cũng nhích thêm 3,88 điểm so với cuối tuần trước, lên 600,14 điểm (tương ứng tăng 0,65%). Nhìn chung, những thông tin kinh tế vĩ mô tích cực phần lớn đã phản ánh vào mức tăng trưởng của thị trường trong thời gian qua và khi chưa có thêm thông tin mới mang tính đột phá, thị trường “lình xình” là điều dễ hiểu. Điểm tích cực là các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục thực hiện mua ròng 8,68 triệu cổ phiếu, tương ứng 219 tỉ đồng.
Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh quý II của phần lớn các doanh nghiệp niêm yết trên sàn lần lượt được công bố đã tạo ra những cơn sóng nhỏ thời gian qua, giúp VN-Index trở lại vùng 600 điểm, tiệm cận vùng đỉnh cũ 609,46 điểm – một trong những vùng kháng cự mạnh trong ngắn hạn và cũng là mức đỉnh cao nhất trong vòng năm năm trở lại đây. Nhưng chính việc báo cáo kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp không đáp ứng được kỳ vọng của giới đầu tư đã tạo ra sự giằng co quanh ngưỡng kháng cự 600 điểm này, cũng như tạo ra tình trạng số mã giảm điểm chiếm ưu thế so với số mã tăng điểm. Trong tháng 8, khi các công ty tiến hành công bố báo cáo tài chính soát xét với sự tham gia của kiểm toán, có thể những kết quả tốt hơn kỳ vọng sẽ xuất hiện do doanh nghiệp “giấu lãi” trước đó, điều này có thể khiến các cổ phiếu nổi sóng và tạo cơ hội mới cho các nhà đầu tư.
Việc rổ VN30 được tái cơ cấu, PET và PGD được thay thế bằng FLC và HCM, cũng là thông tin đáng chú ý trong tuần. Sau thông tin này, FLC đã được nhiều nhà đầu tư trong cũng như ngoài nước quan tâm, thể hiện qua những phiên tăng giá liên tục cùng khối lượng giao dịch lớn, có khi chiếm đến 40% tổng khối lượng giao dịch trên HoSE. Ngoài ra, đề án hợp nhất hai sở giao dịch chứng khoán cũng như việc mở cửa thị trường chứng khoán phái sinh vào năm 2016 sẽ hỗ trợ rất lớn cho thị trường, tăng tính hiệu quả và khả năng cạnh tranh của thị trường chứng khoán Việt Nam cũng như giúp các nhà đầu tư có thể thực hiện chiến lược phòng ngừa rủi ro.
Dòng tiền vào thị trường có thể gia tăng sau thông tin hơn 6.500 tỉ đồng tiền margin và ứng trước được “bơm” vào chứng khoán, tăng hơn 15% so với đầu năm. Tuy nhiên, dòng tiền không phân bổ rộng mà chỉ tập trung vào một số nhóm ngành riêng biệt, trong đó ngành dầu khí được xem là điểm đến ưa thích và các cổ phiếu nhóm ngành này như GAS, PVC, PVS, PGS,… đã có nhiều phiên liên tục tăng điểm. Điều này là do các hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) từ đầu năm đến nay diễn ra ổn định cũng như làn sóng đầu tư vào các dự án dầu khí của các công ty nước ngoài gia tăng trong giai đoạn gần đây (như Exxon Mobil xúc tiến phát triển mỏ Cá Voi Xanh, trị giá 20 tỉ USD) giúp các doanh nghiệp trong ngành có thể thu được những khoản lợi nhuận lớn trong tương lai. Dù vậy, những phiên giao dịch cuối tháng 7 đầu tháng 8 là rất khó đoán định, bởi còn phụ thuộc nhiều vào tâm lý của các nhà đầu tư trước những thông tin về kinh tế vĩ mô trong nước cũng như những biến động từ tình hình thời sự quốc tế.
Thành Huân