Đà thăng tiến của hai chỉ số kể từ đầu năm mới đã khựng lại khá đột ngột trong tuần cuối cùng của tháng. Cả hai chỉ số chính của thị trường chứng khoán khi kết thúc tháng 1-2015 đều đi xuống: VN-Index giảm từ 582,38 điểm xuống 576,07 điểm (giảm 1,08%), còn HNX-Index giảm mạnh hơn (1,5%), dừng ở 85,56 điểm. Đặc biệt, trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 1, cả hai sàn đều giảm điểm mạnh, sắc đỏ bao trùm. Trên HoSE, có đến 160 mã giảm giá so với chỉ 71 mã tăng giá; trên HNX, con số này cũng khá chênh lệch (136/68). Các nhóm cổ phiếu ngân hàng, xây dựng, chứng khoán… vốn được cho rằng sẽ tăng giá kéo dài cũng không thể duy trì được đà này mà đã quay đầu giảm điểm. Nhiều cổ phiếu cơ bản cũng không khả quan hơn và dĩ nhiên đa phần các cổ phiếu đầu cơ có mức giảm cao hơn mức chung của thị trường. Điểm sáng của giao dịch tuần qua là khối lượng khớp lệnh trên cả hai sàn đều tăng khá so với tuần trước, tăng 23,5% trên HoSE và tăng đến 32,2% trên HNX. Điều này chứng tỏ lực cầu cổ phiếu giá rẻ vẫn còn đó, tạo niềm tin rằng sẽ không có cảnh bán tháo trước kỳ nghỉ Tết Âm lịch dài ngày.
Nếu chỉ xét trong tuần qua thì dường như các nhà đầu tư nước ngoài đã trở lại thói quen mua ròng mỗi khi thị trường giảm điểm: Họ thực hiện bốn phiên mua ròng và chỉ bán ròng một phiên (ngày 27-1) trên HoSE, tức là đã mua ròng 4,62 triệu đơn vị, gấp gần bảy lần so với tuần trước đó, tổng giá trị tương ứng 101,35 tỉ đồng. Tương tự, trên sàn HNX, khối ngoại cũng mua ròng 4,44 triệu đơn vị, tổng giá trị mua ròng 88,59 tỉ đồng. Thế nhưng, nếu tính chung cả tháng 1 thì giao dịch của khối ngoại có thể gọi là kém so với các năm trước. Họ tiếp tục mua ròng hơn 98 tỉ đồng trên HoSE, nhưng lại bán ròng trên 277 tỉ đồng trên HNX. Trên HoSE, khối ngoại đã có tháng mua ròng thứ hai liên tiếp, nhưng trên HNX lại là tháng bán ròng thứ sáu liên tiếp. Từ tháng 8-2014 đến hết tháng 1-2015, khối ngoại đã bán ròng tổng cộng hơn 812 tỉ đồng trên sàn HNX, một con số đáng lo ngại. Nếu điều này tiếp diễn và “lan” sang sàn HoSE, dòng tiền vào thị trường sẽ suy giảm nghiêm trọng.
Tháng giao dịch đầu tiên của năm 2015 đã khép lại. Dù có một tuần cuối, đặc biệt là phiên giao dịch cuối tháng khá tiêu cực, nhưng nhìn chung thị trường đã có diễn tiến khá tích cực trong tháng 1 vừa qua. Tháng 2 có đến nửa tháng là kỳ nghỉ tết, nên nhiều khả năng những phiên giao dịch trước tết chỉ mang tính cầm chừng. Người bán không mấy mặn mà vì hy vọng vào sự đột biến của giá cổ phiếu sau kỳ nghỉ, còn người mua cũng không muốn “chôn” tiền quá lâu trong kỳ nghỉ. Tâm lý thận trọng cùng với kỳ nghỉ tết kéo dài sẽ khiến dòng tiền muốn tìm kiếm cơ hội trên thị trường chứng khoán bị thu hẹp. Trong khi đó, dòng tiền từ khối ngoại, do không dồi dào như các năm trước nên rất khó để trở thành động lực tăng trưởng cho thị trường. Dòng tiền từ các tổ chức, khối tự doanh của các công ty chứng khoán nhìn chung vẫn được duy trì, nhưng với các nhà đầu tư cá nhân lâu nay có sử dụng nghiệp vụ vay vốn từ các ngân hàng liên kết với các công ty chứng khoán để đầu tư thì khả năng vay vốn trong tương lai đã trở nên khó khăn hơn. Thông tư 36 có hiệu lực từ đầu tháng 2-2015 khiến các công ty chứng khoán buộc phải siết lại hoạt động cho vay đầu tư chứng khoán của mình. Chính vì lo ngại một số công ty chứng khoán có thể ngừng cho vay do hết hạn mức mà nhiều nhà đầu tư tỏ ra bi quan và bán ra mạnh, khiến thị trường ngập trong sắc đỏ phiên cuối tháng vừa qua. Mối lo ngại dòng tiền vào chứng khoán bị siết chặt có thể tiếp tục tác động đến hai sàn giao dịch trong những ngày tới.
Nhiều nhà phân tích cho rằng Thông tư 36 khi chính thức có hiệu lực vào đầu tháng 2-2015 sẽ không tác động nhiều đến thị trường do đã ảnh hưởng hết vào giá trong những ngày vừa qua. Trong trung và dài hạn, Thông tư 36 sẽảnh hưởng tích cực đến thị trường chứng khoán do giúp hệ thống ngân hàng – một ngành cốt lõi trong nền kinh tế hoạt động ổn định và hiệu quả hơn. Việc nguồn tiền vào thị trường một cách thực chất, không đến từ các khoản vay ngân hàng sẽ là nền tảng giúp cho thị trường chứng khoán đi vào phát triển ổn định.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy những biến động tiêu cực của thị trường trong tháng 2 rất có thể là hệ quả của việc Thông tư 36 chính thức có hiệu lực. Dù sao thì một dòng tiền bị rút ra khỏi thị trường cũng khiến cho tâm lý nhiều nhà đầu tư bịảnh hưởng. Đà tăng “theo thông lệ” quý I các năm đã gặp phải trở ngại. Phiên giao dịch đầu tuần (2-2), cả hai sàn tiếp tục giảm điểm, trong đó VN-Index giảm 5,7 điểm, dừng ở 570,37 điểm. HNX-Index cũng giảm 1,14 điểm, chỉ còn 84,42 điểm. Thanh khoản rất thấp, chưa đến 2.000 tỉ đồng trên cả hai sàn giao dịch. Với diễn tiến này, rất có thể tháng 2 sẽ còn những biến động trước kỳ nghỉ tết.
Thành Huân (DNSGCT)